Nêu cao đạo đức công vụ, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

14/09/2020 02:26 PM


Ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh Bình Thuận đã phát động phong trào thi đua với chủ đề: “Công chức, viên chức, người lao động toàn ngành BHXH tỉnh Bình Thuận đoàn kết, năng động, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm; phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020”. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của phong trào thi đua là tìm các giải pháp phát triển nhanh đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các quỹ BHXH, BHYT, BHTN; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, kế hoạch năm 2020 được BHXH Việt Nam giao và các nhiệm vụ chủ yếu được Chủ tịch UBND tỉnh giao; tăng cường nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo quyền lợi, mang đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Để phong trào thi đua đạt kết quả cao, ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, BHXH tỉnh Bình Thuận đã quán triệt cho công chức, viên chức, người lao động (CCVC) học tập sâu kỹ Quyết định 889/QĐ-BHXH ngày 16/7/2018 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về Quy tắc ứng xử của CCVC làm việc trong hệ thống BHXH Việt Nam, cụ thể: Yêu cầu CCVC tuân thủ kỷ cương, ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành pháp luật, các nội quy, quy định của Ngành. Nêu cao đạo đức công vụ, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, tận tụy, sáng tạo, hoàn thành tốt công việc được giao. Đối với cơ quan, tổ chức và người dân: Cần nhiệt tình, trách nhiệm, liêm chính, chuyên nghiệp trong giải quyết công việc, đáp ứng kịp thời, đầy đủ quyền lợi chính đáng của cơ quan, tổ chức và người tham gia thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN; không gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, vụ lợi đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

Yêu cầu CCVC thường xuyên học tập Chỉ thị 3677/CT-BHXH ngày 20/9/2018 Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của CCVC ngành BHXH Việt Nam. Cụ thể như: Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải cách hiệu quả TTHC; đổi mới, nâng cao chất lượng, tinh thần, thái độ phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN và tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao hơn nữa thái độ tôn trọng nhân dân, tận tâm phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, đáp ứng đầy đủ, kịp thời quyền lợi chính đáng của nhân dân kiên quyết xử lý, kỷ luật những tập thể, cá nhân gây sách nhiễu, phiền hà về TTHC hoặc có tinh thần, thái độ phục vụ chưa tốt. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tinh thần hợp tác trong thực thi công vụ, nhiệm vụ, công bằng, liêm chính, đặc biệt trong quan hệ với nhân dân, với đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Thời gian qua, BHXH tỉnh Bình Thuận đã thực hiện tốt công tác cải cách TTHC, mang lại sự thuận tiện, lợi ích và tiết kiệm thời gian, chi phí cho các tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch trên các lĩnh vực liên quan đến chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN; thái độ, tác phong làm việc của CCVC trong toàn Ngành luôn đảm bảo tính chuẩn mực; lịch sự, văn minh trong giao tiếp; tận tình, chu đáo trong hướng dẫn, xử lý, giải quyết công việc cho các tổ chức, cá nhân, từng bước xây dựng được hình ảnh người cán bộ ngành BHXH tận tụy, trách nhiệm đã để lại ấn tượng tốt đẹp khi người dân đến liên hệ giải quyết công việc.

Tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận “một cửa”, BHXH tỉnh (Ảnh: Minh Tâm)

Tuy nhiên, ở một số thời điểm, một vài bộ phận, viên chức, người lao động chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình; chất lượng, tiến độ công việc chưa đảm bảo yêu cầu; tác phong làm việc chưa khoa học; thái độ phục vụ chưa thật sự tận tình, chu đáo nên đã gây bức xúc cho người dân, đối tượng khi đến liên hệ giải quyết công việc.

Để khẩn trương khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, Ông Phạm Xuân Toan, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo: “Phải nâng cao trách nhiệm của cá nhân người lao động trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; cá nhân phải chịu trách nhiệm về chất lượng công việc và các vấn đề tham mưu, đề xuất trong lĩnh vực được giao; tuân thủ trật tự và thứ bậc hành chính, đúng thẩm quyền; thực hiện đúng, đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; tuyệt đối không được lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn để nhũng nhiễu, gây phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và tổ chức.

Khi tiếp nhận thông tin, yêu cầu, kiến nghị, vướng mắc của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia, thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN phải căn cứ, chức năng, nhiệm vụ được giao để giải quyết kịp thời, đúng quy định. Trường hợp không thuộc thẩm quyền, chức năng của mình thì có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, cá nhân sang bộ phận có liên quan, đồng thời thông tin cho cán bộ, bộ phận có liên quan biết để xử lý, giải quyết hoặc báo cáo lãnh đạo trực tiếp phụ trách biết. Người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc BHXH tỉnh về việc để viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý bị tổ chức, cá nhân phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hành vi, thái độ, tác phong làm việc thiếu chuẩn mực, sai quy trình, quy định hoặc gây khó khăn, phiền hà trong thực thi nhiệm vụ.”

BHXH tỉnh Bình Thuận luôn quan tâm, coi trọng việc xây dựng các chuẩn mực về văn hóa ứng xử và đạo đức công vụ của người cán bộ, xem văn hóa ứng xử và đạo đức công vụ là yếu tố cốt lõi bảo đảm cho hoạt động thực thi công vụ và quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHXH hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp./.     

Trần Hiền