Đề xuất sửa đổi nhiều bất cập trong thực hiện BH thất nghiệp
16/09/2024 07:41 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 13/9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức buổi giám sát việc thực hiện Luật Việc làm trên địa bàn TP.HCM từ ngày 1/1/2020- 30/6/2024. Tại đây, các đại biểu đã đề xuất sửa đổi nhiều bất cập trong thực hiện BH thất nghiệp.
Nhiều kiến nghị từ cơ quan BHXH
Theo ông Trần Dũng Hà- Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, thực hiện chính sách BH thất nghiệp, từ năm 2020 đến tháng 6/2024, cơ quan BHXH cùng các đơn vị liên quan đã giải quyết cho 675.386 người hưởng TCTN. Giai đoạn này BHXH TP.HCM cũng đã chi tổng cộng gần 18.500 tỷ đồng TCTN cho NLĐ, riêng 6 tháng đầu năm 2024 chi gần 2.440 tỷ đồng.
Đặc biệt, ông Trần Dũng Hà cũng cho biết, giai đoạn năm 2021-2022 là thời điểm dịch Covid-19, Quỹ BH thất nghiệp đã làm rất tốt công tác hỗ trợ. Trong đó, đã giảm đóng quỹ BH thất nghiệp đối với NSDLĐ trong hai năm 2021-2022 là 182.000 đơn vị, DN với 4,5 triệu lao động, số tiền 2.180 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ từ Quỹ BH thất nghiệp cho 2,5 triệu NLĐ với số tiền gần 6.000 tỷ đồng.
“BHXH TP.HCM đã thực hiện tốt công tác chi trả BH thất nghiệp, theo đúng quy định của Luật Việc làm số 38/2013/QH13 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Đồng thời nghiêm túc thực hiện quy trình chi trả TCTN theo quy định tại Quyết định số 166/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam. Đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và DN tham gia”, ông Hà cho hay.
Bên cạnh những kết quả tích cực, BHXH TP.HCM chỉ rõ việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp hiện vẫn còn khó khăn, vướng mắc và tồn tại, hạn chế. Đó là, một bộ phận NLĐ và NSDLĐ còn chưa nhận thức đúng hoặc cố tình vi phạm pháp luật về quyền lợi, trách nhiệm của các bên khi tham gia BHXH, BH thất nghiệp dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật như trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Trong khi đó, về giải quyết, chi trả TCTN còn những tồn tại nhấn định như: Hiện tại vẫn chưa có phần mềm liên thông giữa cơ quan BHXH và Trung tâm Dịch vụ việc làm nên chưa kiểm soát được quá trình đóng và hưởng BH thất nghiệp của NLĐ. Việc thu hồi TCTN do chi sai hiện nay cũng rất khó khăn, tỷ lệ thu hồi thấp. Nguyên nhân chủ yếu là LĐPT rất dễ nhảy việc, thay đổi nơi cư trú, số điện thoại liên lạc... Do đó, không liên hệ được với NLĐ đã nghỉ việc. Đồng thời, NLĐ cố tình nộp hồ sơ hưởng BHXH ở tỉnh/thành phố khác để né tránh việc thu hồi hoặc cố tình không thực hiện trách nhiệm hoàn trả tiền hưởng sai quy định mà không có chế tài xử lý. Cạnh đó, chế tài xử phạt VPHC chưa đủ sức răn đe, nhiều hành vi vi phạm bị phát hiện mà chưa được xử lý, hoặc không xử lý được do hết thời hiệu xử lý theo quy định.
BHXH TP.HCM đưa ra nhiều kiến nghị để triển khai chính sách BH thất nghiệp được hiệu quả nhất. Cụ thể, đối với việc lập danh sách chi trả TCTN nên quy định một tháng 2 lần, không nên lập danh sách chi trả như hiện nay vì không đảm bảo thời gian chi trả theo quy định. Về chi trả kinh phí học nghề, đề nghị để Sở LĐ-TB&XH là đầu mối, cơ quan BHXH sẽ chuyển toàn bộ kinh phí học nghề cho Sở để tổ chức chi trả cho các cơ sở đào tạo và quyết toán lại với cơ quan BHXH. Về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ, cơ quan BHXH cũng kiến nghị cần quy định điều kiện hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi cho NSDLĐ dễ tiếp cận chính sách (bao gồm điều kiện về đóng đủ BH thất nghiệp; có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt).
Song song đó, cũng kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét có kiến nghị đến Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao và BHXH Việt Nam sớm ban hành văn bản thống nhất và hướng dẫn chung về quy trình giải quyết trường hợp NLĐ mượn hồ sơ cá nhân người khác để tham gia BHXH, BH thất nghiệp. Có chế tài để thu hồi tiền hưởng TCTN của các trường hợp hưởng sai quy định như từ chối giải quyết hưởng các chế độ BH thất nghiệp khi chưa hoàn trả tiền hưởng sai quy định hoặc cho phép khấu trừ để thu hồi khi NLĐ được giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp. Đồng thời, việc kết nối, liên thông chia sẻ dữ liệu, thực hiện giao dịch điện tử giữa các cơ quan trong thực hiện chính sách BH thất nghiệp cần được nghiên cứu, áp dụng để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phòng ngừa rủi ro trong thực hiện chính sách, hạn chế phát sinh thu hồi tiền hưởng các chế độ BH thất nghiệp…
Cần nâng mức hỗ trợ học nghề cho NLĐ thất nghiệp
Tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh- Phó Trưởng phòng Việc làm, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, theo quy định, khi thất nghiệp, ngoài khoản trợ cấp từ quỹ BH thất nghiệp, NLĐ còn được đào tạo nghề miễn phí. Mức hỗ trợ học nghề tối đa là 1,5 triệu đồng mỗi tháng, thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng. Số tiền này được cơ quan BHXH chuyển cho cơ sở đào tạo nghề.
“Tuy nhiên, mức hỗ trợ này còn khá thấp, chưa đủ để NLĐ theo đuổi các ngành nghề có trình độ trung cấp trở lên hoặc các nghề có chất lượng và tính thu hút cao. Đồng thời, các trường nghề cũng không mặn mà vì khó lên được chương trình chuyên sâu. Vì thế, thời gian qua rất ít NLĐ muốn học nghề"- bà Nguyệt Ánh nói.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH cho rằng, chính sách hỗ trợ học nghề cần được thay đổi theo hướng tăng mức hỗ trợ lên trên 1,5 triệu đồng mỗi tháng và thời gian học nghề nhiều hơn 6 tháng. Điều này sẽ hấp dẫn NLĐ thất nghiệp, giúp họ có được kỹ năng mới để đáp ứng các yêu cầu thị trường. Ngoài ra, trong thời gian học nghề, NLĐ cần được hỗ trợ thêm các chi phí khác như đi lại, sinh hoạt phí...
Đồng quan điểm, đại diện một số đơn vị tham dự cũng đề xuất tăng mức hỗ trợ học nghề cho NLĐ. Ông Trần Đoàn Trung- Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM phân tích, trong bối cảnh nhiều công việc, kỹ năng mới xuất hiện thì thời gian và mức hỗ trợ học nghề cần được xây dựng theo yêu cầu mới. Bên cạnh đó, theo ông Trung, phía DN cần người cũng nên tham gia đào tạo và hỗ trợ thêm cho NLĐ một số chi phí khác để an tâm học nghề. Sau khi học xong, DN nhận lao động vào làm việc đúng với ngành nghề đã đào tạo cho họ. Khi thấy DN mới nhận việc, NLĐ sẽ chịu học nghề và chuyển đổi nghề một cách thích hợp, nhằm giảm tỷ lệ người thất nghiệp trên địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Thực tế, theo số liệu của BHXH TP.HCM, tính từ năm 2020 đến tháng 6/2024, có tổng cộng 9.176 NLĐ thất nghiệp có quyết định học nghề, số chi hỗ trợ khoảng 40 tỷ đồng. Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM cho biết, hiện trên địa bàn đang có 7 cơ sở đào tạo nghề cho NLĐ tham gia BH thất nghiệp với hơn 130 ngành nghề. Trong 7 tháng đầu năm có 867 người có quyết định hỗ trợ học nghề và đăng ký học nghề thuộc 54 nhóm ngành, nhiều nhất là đào tạo lái xe hạng B2, tin học ứng dụng, nấu ăn, cắt may thời trang, kỹ thuật vẽ móng. Vì vậy, các đại biểu tham dự cho rằng cần nghiên cứu, điều chỉnh các bất cập này để tạo sự hỗ trợ tốt nhất cho NLĐ mất việc, giúp họ sớm quay lại với thị trường lao động.
Luật Việc làm 2013 có hiệu lực ngày 1/1/2015, sau gần 10 năm áp dụng đã đến lúc cần sửa đổi. Trong đó, việc mở rộng nhóm tham gia BH thất nghiệp, linh hoạt mức đóng và sửa đổi chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho NLĐ thất nghiệp là những vấn đề đang rất được quan tâm…
Phạm Thọ
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Thành phố Phan Thiết quyết tâm thực hiện bảo hiểm xã hội, ...
Đoàn công tác của Bộ lao động – Thương binh và Xã hội khảo ...
Tư vấn, đối thoại chính sách BHXH với các đơn vị sử dụng ...
Hàm Thuận Nam: Hội nghị giao ban kết quả thực hiện nhiệm vụ ...
Lựa chọn khen thưởng cá nhân, tập thể nhân dịp kỷ niệm 30 ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?