Ngành BHXH Việt Nam chủ động chuyển đổi số, cung cấp tiện ích tốt nhất phục vụ người dân và doanh nghiệp
11/10/2024 08:58 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhiệm vụ này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân và tăng cường hiệu quả quản lý của ngành BHXH Việt Nam.
Theo đó, cùng với cả hệ thống chính trị, toàn ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, mang lại những thay đổi đột phá, góp phần kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam số theo đúng định hướng Chính phủ số của Đảng và Nhà nước ta.
Qua đó, BHXH Việt Nam tiếp tục đạt được các kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số, mang lại lợi ích lớn, thiết thực không chỉ đối với người dân và DN, mà còn với các cơ quan quản lý nhà nước ở lĩnh vực BHXH, BHYT trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Cụ thể:
Một là, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chuyển đổi số, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2358/QĐ-BHXH phê duyệt Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành BHXH Việt Nam phiên bản 2.0. Hằng năm, BHXH Việt Nam ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ số, chuyển đổi số và bảo đảm ATTT mạng trong hoạt động của Ngành. Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam ban hành Nghị quyết số 398-NQ/BCSĐ về tăng cường công tác bảo đảm ATTT mạng ngành BHXH Việt Nam và Quyết định số 510/QĐ-BHXH ban hành Chương trình hành động của BHXH Việt Nam về thực hiện Nghị quyết số 398-NQ/BCSĐ của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam.
Đáng chú ý, nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát về chuyển đổi số, tăng cường trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BCĐ chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1002/QĐ-BCĐ ngày 16/7/2024 về ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 và Kế hoạch số 2408/KH-BCĐ ngày 18/7/2024 về kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024.
Hai là, về nâng cao nhận thức chuyển đổi số, BHXH Việt Nam đã chú trọng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ trong Ngành bằng các biện pháp cụ thể. Tiêu biểu như: Cử cán bộ tham gia khóa đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành triển khai công tác bảo đảm ATTT mạng năm 2024; tổ chức Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý khai thác, kết nối chia sẻ CSDL quốc gia về bảo hiểm.
Thường xuyên phối hợp tuyên truyền, cung cấp thông tin báo chí phản ánh các hoạt động của Ngành. Tổ chức nhiều hội nghị chuyên sâu, hội thảo quốc tế về chuyển đổi số trong lĩnh vực BHXH, BHYT... Qua đó, dần thay đổi nhận thức của CBVC, nhất là của những người đứng đầu các đơn vị trong Ngành.
Ba là, về phát triển hạ tầng số, BHXH Việt Nam đang duy trì hoạt động Trung tâm dữ liệu tập trung; triển khai 28 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ, đảm bảo 100% nghiệp vụ của Ngành thực hiện trên phần mềm ứng dụng. Dữ liệu do ngành BHXH Việt Nam quản lý cũng đã được kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở y tế trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu thanh toán chi phí KCB BHYT, trung bình mỗi năm tiếp nhận và xử lý khoảng hơn 174 triệu lượt hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí KCB- đây là cơ sở quan trọng phục vụ cho quá trình triển khai Sổ Sức khỏe điện tử. Ngoài ra, hiện có hơn 621 nghìn DN giao dịch điện tử với cơ quan BHXH; qua đó giúp các DN tiết kiệm thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục về BHXH, BHYT.
BHXH Việt Nam cũng chú trọng nâng cấp, hoàn thiện ứng dụng VssID- BHXH số. Hiện toàn quốc có hơn 35,5 triệu tài khoản giao dịch điện tử, dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID, hơn 5,5 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để thực hiện các thủ tục KCB BHYT. Đồng thời, đã tích hợp Trợ lý ảo vào Tổng đài Chăm sóc khách hàng (19009068); qua đó hỗ trợ người dân cấp lại mật khẩu tài khoản VssID. Phối hợp với Bộ Công an triển khai sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, sử dụng tài khoản VssID. Đến nay, hơn 55 triệu người dân đang có tài khoản định danh điện tử mức 2 có thể truy cập ứng dụng VssID, với 16,7 triệu lượt sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID.
Bốn là, về phát triển dữ liệu số, BHXH Việt Nam là cơ quan được giao chủ trì quản lý CSDL quốc gia về bảo hiểm. Đến nay, CSDL này đang được kết nối, chia sẻ tích cực với các CSDL quốc gia khác, phục vụ hiệu quả các yêu cầu quản lý nhà nước. Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, trở thành đơn vị đầu tiên kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương khác để kết nối và chia sẻ, đồng thời làm giàu CSDL quốc gia về bảo hiểm. Có thể thấy, với nguồn CSDL được cập nhật thường xuyên và hệ thống CNTT phủ rộng, việc kết nối liên thông, chia sẽ dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam với các bộ, ngành, địa phương giúp chuẩn hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng quản lý, cải cách, liên thông TTHC, góp phần xây dựng và phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân, đơn vị và DN.
Năm là, về bảo đảm an ninh, ATTT, BHXH Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng đến công tác bảo đảm ATTT mạng như: Ban hành quy định, quy chế về công tác ATTT; triển khai đầy đủ các giải pháp kỹ thuật, phương án bảo đảm ATTT theo cấp độ; tổ chức diễn tập và hội nghị ATTT hàng năm; thực hiện kiểm tra, đánh giá và giám sát các hệ thống thông tin của Ngành; thành lập Đội ứng cứu sự cố ATTT mạng ngành BHXH Việt Nam... để chủ động ứng phó từ sớm, xử lý kịp thời, hiệu quả các cuộc tấn công mạng. BHXH Việt Nam cũng phát hành các công văn tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của CBVC về việc bảo vệ và khai thác, sử dụng hiệu quả các thông tin, dữ liệu do Ngành đang quản lý.
Sáu là, về cung cấp DVC trên môi trường số, các TTHC của ngành BHXH Việt Nam đủ điều kiện đã được cung cấp DVC trực tuyến toàn trình. Các DVC này được cung cấp trên nhiều nền tảng, hình thức như: Cổng DVC BHXH Việt Nam, Cổng DVC quốc gia, ứng dụng VssID, tổ chức IVAN, Bưu điện… Toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý hơn 6,8 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (tương đương 49,9 triệu hồ sơ gắn với từng NLĐ, chiếm 88% tổng số hồ sơ cả trực tiếp và trực tuyến được tiếp nhận và xử lý). Riêng với quá trình thực hiện Đề án 06, BHXH Việt Nam đã đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả 7 DVC, TTHC liên thông. Thông qua các DVC này, toàn Ngành đã tiếp nhận và xử lý, trả kết quả hơn 1,5 triệu hồ sơ hoàn toàn trực tuyến.
Bảy là, các lợi ích từ chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06, có thể khẳng định, nỗ lực chuyển đổi số, nhất là những cố gắng thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 của BHXH Việt Nam đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN khi tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Hiện nay, đã có 100% cơ sở y tế triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip; đảm bảo đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân hoặc CCCD. Đã có hơn 120 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân hoặc CCCD thành công, phục vụ làm thủ tục KCB BHYT. Từ đây, đã góp phần tạo thuận lợi cho người dân, giảm thời gian làm thủ tục KCB BHYT, tiết kiệm chi phí in ấn thẻ BHYT và chi phí quản lý hành chính.
BHXH Việt Nam cũng đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động người hưởng các chế độ BHXH nhận tiền qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (thẻ ATM)- đây là một trong những mục tiêu quan trọng trong Đề án 06 của Chính phủ. Tính đến nay, trên cả nước, tại khu vực đô thị đã có khoảng 78% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM, vượt 18% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg. Trong đó, số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua thẻ ATM ước đạt khoảng 59%; nhận BHXH một lần đạt khoảng 97%; nhận trợ cấp thất nghiệp đạt khoảng 98%.
Những kết quả trên là nền tảng quan trọng để BHXH Việt Nam chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH với mức hưởng mới tới hơn 70% người hưởng ngay trong ngày đầu tiên triển khai theo Nghị định số 75/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Từ đây, đã tạo dư luận tốt, tâm lý phấn khởi cho người hưởng, đảm bảo việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH theo mức hưởng mới kịp thời, chính xác, thuận tiện, an toàn nhất cho người hưởng.
Để có được những kết quả nổi bật nêu trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam. Cụ thể: Đổi mới về tư duy, nhận thức trong công tác chuyển đổi số; sẵn sàng loại bỏ cách làm cũ không phù hợp, thay thế bằng cách làm mới gắn với ứng dụng CNTT để mang lại hiệu quả cao hơn. Khi xây dựng các quy trình nghiệp vụ phải đảm bảo phù hợp, sẵn sàng triển khai thực hiện trên môi trường điện tử. Sẵn sàng chia sẻ, khai thác dữ liệu giữa CSDL quốc gia về bảo hiểm với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành theo đúng quy định pháp luật để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý nhà nước, cung cấp DVC trực tuyến cho người dân, DN. Lấy kết quả phục vụ, sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo đánh giá kết quả, mức độ thành công trong chuyển đổi số.
Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 không chỉ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân, mà còn tăng cường hiệu quả quản lý của Ngành. Qua đó, góp phần xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của người dân, DN theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia và hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT làm trung tâm với các mục tiêu, giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, BHXH Việt Nam tiếp tục bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số và Đề án 06, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ đề ra.
Thứ hai, tăng cường hơn nữa trách nhiệm, sự quyết tâm của người đứng đầu trong triển khai chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06. Phân công nhiệm vụ cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả. Nâng cao hơn nữa nhận thức của CBVC trong toàn Ngành về chuyển đổi số, bảo đảm ATTT, bảo mật dữ liệu, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên tương tác với người dân, DN.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng, làm giàu CSDL quốc gia về bảo hiểm; đẩy mạnh xác thực, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa CSDL quốc gia về bảo hiểm với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành, nhằm giúp nâng cao hiệu quả quản lý, cung cấp DVC trực tuyến.
Thứ tư, rà soát, đơn giản hóa, liên thông, tích hợp các quy trình nghiệp vụ trên môi trường số; tuân thủ nghiêm ngặt việc thực hiện nhiệm vụ trên môi trường số để tăng năng suất lao động, quản lý chặt chẽ thu chi, phòng chống trục lợi; cắt giảm các TTHC theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để người dân, DN có thể thực hiện nhanh nhất, thuận tiện nhất, đồng thời đảm bảo quản lý chặt chẽ, chính xác.
Thứ năm, tăng cường khai thác nguồn dữ liệu lớn sẵn có của Ngành, đẩy mạnh ứng dụng AI phục vụ quản lý, quản trị, chỉ đạo điều hành, cung cấp thông tin hỗ trợ quyết định, hoạch định chính sách.
Thứ sáu, đẩy mạnh truyền thông đến người dân về công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và của ngành BHXH Việt Nam; qua đó tạo sự đồng thuận của người dân, DN, các cấp, các ngành để công tác chuyển đổi số được thành công.■
Đồ họa: Thanh An
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?