BHXH các địa phương phải gắn thi đua với phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT

09/06/2020 09:31 AM


(baobaohiemxahoi.vn) Ngày 8/6, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công tác thu BHXH, BHYT tháng 6/2020. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam có ông Chu Quang Hào- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cùng đại diện một số Vụ, Ban thuộc BHXH Việt Nam; tại 63 điểm cầu địa phương có lãnh đạo và các phòng nghiệp vụ của BHXH tỉnh và Bưu điện tỉnh…

Nhiều điểm sáng

Báo cáo tình hình công tác thu tháng 5/2020, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết: Tính đến 31/5/2020, cả nước có 14,404 triệu người tham gia BHXH bắt buộc (đạt 89,8% kế hoạch). Đáng chú ý, trong tháng 5/2020, số người tham gia BHXH bắt buộc tại BHXH Bắc Giang tăng 4.795 người và tăng 3.825 người so với năm 2019. BHXH một số địa phương có số đối tượng tăng như: Hà Nội (29.468 người); Nghệ An (3.183 người); Đà Nẵng (2.829 người); Hà Nam (2.259 người); Hải Phòng (1.947 người); TP.HCM (389 người)…

Cũng đến hết 31/5/2020, cả nước có 600.600 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 42.000 người so với tháng 4/2020 và tăng 26.000 người so với năm 2019). Trong đó, một số địa phương tăng nhiều so với năm 2019 như: Nghệ An (tăng 3.787 người); Thanh Hóa (tăng 3.361 người); Hà Tĩnh (tăng 3.036 người); Phú Thọ (tăng 2.784 người); Hà Nội (tăng 2.069 người); Quảng Trị (tăng 1.873 người); Hải Dương (tăng 1.774 người); Long An (tăng 1.755 người); Bắc Kạn (tăng 1.497 người); Cà Mau (tăng 1.458 người)…

Chia sẻ về kết quả đạt được, bà Trần Thị Hương- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hải Dương cho biết: Hải Dương là tỉnh công nghiệp, chủ yếu tập trung DN giày da, may mặc nên bị ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19. Vì vậy, dẫn tới giảm hơn 20.000 người tham gia BHXH bắt buộc. Đến hết tháng 4/2020, một số DN có dấu hiệu phục hồi nhưng còn “èo uột”. Ngay trong tháng 5, một số DN “mời gọi” NLĐ quay trở lại làm việc, song ngày công không đủ nên số lao động tăng thấp (762 lao động tham gia mới).

Vì vậy, theo bà Hương, trong tháng 6/2020, BHXH tỉnh phải tiếp tục hậu kiểm, phối hợp với Cục Thuế rà soát, đối chiếu để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. “Chúng tôi đánh giá cao hiệu ứng ngày ra quân phát triển BHXH toàn dân (23/5), riêng một ngày Hải Dương đã có 420 người tham gia mới và trong tháng 5 đã vận động mới được 1.514 người tham gia BHXH tự nguyện. Đây là sự cố gắng của tập thể cán bộ BHXH cũng như Bưu điện. Từ nay đến cuối năm, BHXH tỉnh sẽ triển khai các biện pháp để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch”- bà Hương khẳng định.

Trong khi đó, theo BHXH tỉnh Bắc Giang, đến hết tháng 5/2020, tỉnh có 7 đơn vị đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với trên 2.100 lao động và hơn 5,8 tỷ đồng; 9 đơn vị đề nghị xác nhận lao động hưởng trợ cấp với hơn 300 lao động. Với đơn vị xin dừng đóng, Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ tỉnh và BHXH tỉnh đã thành lập đoàn giám sát để kiểm tra chặt chẽ, nên đảm bảo chính xác. Công tác phát triển BHXH tự nguyện cũng tăng nhiều, trong ngày ra quân (23/5), Bắc Giang đã phát triển được trên 700 người. Đặc biệt, BHXH bắt buộc tại Bắc Giang tăng so với các địa phương khác là do một DN đăng ký tham gia mới cho trên 7.000 lao động…

Còn theo BHXH tỉnh Gia Lai, ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công cho từng cán bộ, bộ phận đôn đốc thu nộp. Tỉnh cũng thành lập các tổ đến tận DN lập biên bản, xác định nhiều DN dừng đóng, tạm hoãn HĐLĐ, sa thải lao động không đúng quy định, nên đã có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế rà soát thông tin để khai thác tăng mới số DN, NLĐ tham gia BHXH. Vì vậy, đến nay, đã có 66 đơn vị tham gia mới BHXH bắt buộc.

Tăng cường vận động lao động tham gia BHXH

Cũng theo Ban Thu, trong tháng 5 có một số tỉnh giảm đối tượng tham gia BHXH, như: Bình Dương (giảm 20.537 người); Đồng Nai (giảm 8.333 người); Long An (giảm 4.953 người); Ninh Bình (giảm 3.636 người)… Đáng chú ý, một số tỉnh có số người tham gia BHYT giảm nhiều so với năm 2019 và vẫn chưa có dấu hiệu tăng lại như: TP.HCM (giảm 57.481 so với tháng 4/2020 và giảm 267.696 người so với năm 2019); Đồng Nai (giảm 2.921 so với tháng 4/2020 và giảm 95.973 người so với năm 2019); Bình Dương (giảm 79.416 so với tháng 4/2020 và giảm 129.267 người so với năm 2019)…

Để giải quyết bài toán này, ông Dương Văn Hào cho rằng, BHXH các tỉnh cần tiếp tục phối hợp đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế. Rà soát, nắm bắt tình hình SDLĐ tại các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đôn đốc DN đóng vào quỹ ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, BHYT, BH thất nghiệp theo đúng quy định. Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho các đại lý thu và từng nhân viên đại lý. Có kế hoạch thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất đối với đơn vị nợ kéo dài, đơn vị trốn đóng (trừ các đơn vị tạm dừng đóng) theo đúng hướng dẫn của BHXH Việt Nam…

Nhấn mạnh trách nhiệm của Bưu điện trong công tác thu và phát triển đối tượng, ông Chu Quang Hào- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết: Trong tháng 5/2020, Bưu điện Việt Nam đã phát triển mới được hơn 40.000 người tham gia BHXH tự nguyện và từ nay đến cuối năm bình quân một tháng phải phát triển hơn 43.000 người. Với sự vào cuộc của các đơn vị, mục tiêu phát triển 400.000 người tham gia BHXH tự nguyện chắc chắc sẽ hoàn thành. “Sau dịch Covid-19 cho thấy cơ hội phát triển BHXH rất lớn, bởi người dân đã thấy được nếu được hưởng chế độ, trong đó có chế độ BHXH là điều kiện ổn định nhất. BHXH và Bưu điện đã làm được những việc như chi trả lương hưu tại nhà gộp 2 tháng cho người hưởng- được Chính phủ và người hưởng đánh giá cao. Người tham gia BHXH tự nguyện đã nhìn thấy hành động nhân văn, trân quý; khi nhận thức đầy đủ sự ổn định chính sách, nhất là trong điều kiện khó khăn thì người dân sẽ đồng tình tham gia. Đây là điều kiện vô cùng lớn trong phát triển BHXH tự nguyện nói riêng và BHXH nói chung”- ông Hào khẳng định.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh, ngành BHXH phải duy trì công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Nhiều tỉnh giữ vững được đối tượng tham gia BHXH, BHYT; chủ động phương án làm việc với DN; xây dựng kịch bản thực hiện nhiệm vụ “trong khó khăn vẫn có nhiều điểm sáng”. Đáng chú ý, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình giảm không đáng kể, đặc biệt trong tháng 5/2020 đã có gần 50.000 người tham gia BHXH tự nguyện.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, tháng 6/2020 là tháng thi đua yêu nước, xây dựng chỉ tiêu đánh giá thi đua cũng như động viên khen thưởng; đồng thời từng địa phương biến các chỉ tiêu được giao thành kế hoạch hành động cụ thể. Do đó, Trung tâm Truyền thông cần đề xuất phát động các cuộc thi đua hằng tháng, hằng quý với những chủ đề riêng và phải khẳng định chính sách BHXH, BHYT là của Nhà nước, được Nhà nước bảo hộ; người dân KCB được quỹ BHYT đảm bảo; người nghỉ hưu trí được quỹ BHXH đảm bảo; người tham gia BHXH bắt buộc khi bị thất nghiệp được đảm bảo quyền lợi…

“Với BHXH bắt buộc, phát động tỉnh nào phát triển 6 tháng đầu năm nhiều nhất; rà soát đơn vị dừng đóng đúng nhất (danh sách đối chiếu hồ sơ), báo giảm chấm dứt HĐLĐ đúng nhất (dừng đóng, nghỉ không lương, tạm hoãn HĐLĐ…) và nợ đọng BHXH thấp nhất. Với BHXH tự nguyện thì phát động chỉ tiêu tham gia mới tăng cao, tái tục giữ vững. Bên cạnh đó, cần phát triển, giữ vững tỷ lệ tham gia BHYT; động viên những tập thể, cá nhân phát triển BHXH tự nguyện nhiều nhất… Đặc biệt, ngành BHXH và Bưu điện cần tăng cường phối hợp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, coi việc triển khai phát triển BHXH, BHYT là nhiệm vụ chung”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu lưu ý.

V.Thu