Xử phạt hành chính đối với hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT trong khám chữa bệnh
28/05/2020 03:24 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, thể hiện đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Sau hơn 25 năm thực hiện, đến nay BHYT đã mở rộng đến tất cả các thành phần trong xã hội. Chính sách BHYT đã giúp cho hàng trăm nghìn trường hợp vượt qua khó khăn về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Hàng năm, quỹ BHYT đã chi hàng nghìn tỷ đồng khám chữa bệnh (KCB) cho hàng trăm triệu lượt người. Nguyên tắc của BHYT là có đóng, có hưởng, cộng đồng cùng chia sẻ rủi ro, lấy số đông bù cho những người không may mắc bệnh, phải điều trị tốn kém tiền bạc. Thế nhưng, không ít người vẫn thờ ơ khi nói đến việc tham gia BHYT, khi mắc bệnh thì mượn thẻ BHYT của người khác để đi khám, chữa bệnh.
Vừa qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Tuy Phong đã phát hiện 01 trường hợp cho người thân mượn thẻ BHYT để đi khám, chữa bệnh. Đó là bà Hoàng Thị Xuân Thu, sinh năm 2000, thường trú tại khu phố 14, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong; chỗ ở hiện nay: Thôn 1 Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, có chồng là ông Nguyễn Minh Trí đã cho bà Nguyễn Thị Xiềng (là bác dâu) mượn thẻ BHYT để cho con gái là bà Hoàng Thị Tuyền, sinh năm 1992, sinh con tại TTYT huyện Tuy Phong. Bà Tuyền có chồng tên là Dương Tàu Nhẩu, hiện nay bà Tuyền đang ở quê chồng: Ấp 1, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Việc bà Thu cho bà Tuyền mượn thẻ BHYT để sinh con tại TTYT Tuy Phong là vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 37 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014; đây là hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định tại Điều 65 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Ngày 19/5/2020, BHXH tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 663/BHXH-TTKT kiến nghị Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Thuận ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT trong KCB của bà Thu. Ngày 21/5/2020, Chánh Thanh tra Sở Y tế Bình Thuận đã có Công văn số 27/SYT-TTr thông báo kết quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, theo đó đã ra Quyết định xử phạt đối với bà Thu, với mức xử phạt là 750.000 đồng. Đồng thời, Thanh tra Sở Y tế xét thấy hành vi sử dụng thẻ BHYT của người khác để đi khám, chữa bệnh đối với bà Hoàng Thị Tuyền, sinh năm 1992, thường trú tại: Ấp 1, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Thanh tra Sở Y tế kiến nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận củng cố hồ sơ đảm bảo việc xử lý không bỏ xót hành vi nêu trên đối với bà Hoàng Thị Tuyền theo đúng quy định của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật BHYT thì người tham gia BHYT có nghĩa vụ sử dụng thẻ BHYT đúng mục đích, không cho người khác mượn thẻ. Cùng với đó, khoản 2 Điều 65 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám, chữa bệnh. Từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại quỹ BHYT; từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại quỹ BHYT.
Đặc biệt, từ 01/01/2018, Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực, trong đó quy định rõ mức phạt khi dùng thẻ BHYT của người khác tại Điều 215: Sử dụng thẻ BHYT của người khác khám, chữa bệnh để hưởng chế độ BHYT trái quy định, chiếm đoạt tiền BHYT từ 10 triệu đến 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đến 200 triệu đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các Điều 174, 353 và 355 của Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tiền BHYT từ 100 triệu đến 500 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 200 triệu đến 500 triệu đồng… thì bị phạt tiền từ 100 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; Chiếm đoạt tiền BHYT hoặc gây thiệt hại trên 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đặng Minh Thông
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?