Xác định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chính sách Bảo hiểm y tế
08/10/2020 01:47 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách quan trọng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của nước ta, được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, triển khai sâu rộng trên phạm vi cả nước. Với mức đóng không cao nhưng khi không may bị ốm đau, bệnh tật kể cả những bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn, người tham gia BHYT sẽ được khám, chữa bệnh (KCB) chu đáo, không phân biệt giàu nghèo. Tuy nhiên, để thực hiện đến năm 2020 toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 90% tỷ lệ người dân tham gia BHYT theo Quyết định 1167/QĐ- CP ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016- 2020, đang là vấn đề cần được quan tâm.
Nhận thức của một số người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chính sách BHYT chưa đầy đủ; tính chia sẽ cộng đồng còn hạn chế; người dân tham gia BHYT đạt tỷ lệ còn thấp; một số đơn vị tổ chức doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện chính sách BHYT cho người lao động; tình trạng nợ đọng BHYT ngày càng tăng cả số đơn vị và số tiền; một số cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở chưa thực sự vào cuộc. Bên cạnh đó chất lượng khám, chữa bệnh ở một số cơ sở y tế nhất là y tế tuyến xã, phường, thị trấn chưa đáp ứng nhu cầu, chưa tạo được lòng tin trong nhân dân dẫn đến tình trạng vượt tuyến khiến chi phí thanh toán đa tuyến tăng cao. Tình trạng lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng thuốc …vẫn còn xảy ra. Những điều này đang là rào cản đối với chính sách BHYT, nhất là việc thu hút đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, ảnh hưởng đến lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.
Với ý nghĩa to lớn và vai trò quan trọng đối với mỗi cá nhân và cả cộng đồng, việc tham gia BHYT là nghĩa vụ của mỗi người dân, cùng với đó còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta, thể hiện sự hỗ trợ tương thân, tương ái trong chăm sóc sức khỏe. Không ai trong chúng ta có thể tránh được ốm đau bệnh tật, cũng không biết được khi nào bị bệnh, mức độ nặng hay nhẹ, chi phí khám, chữa bệnh cao hay thấp …trong khi giá dịch vụ y tế ngày một tăng, thuốc, vật tư y tế ngày càng đắt đỏ hơn… với ngân quỹ từng cá nhân sẽ khó bù đắp đủ. Nhưng nếu hợp sức thành một quỹ chung để giúp trang trải chi phí lúc rũi ro thì việc bù đắp đó dễ dàng và thuận lợi. Vì thế, tham gia BHYT mang lại lợi ích thiết thực được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị khi ốm đau bệnh tật, giúp người dân phòng ngừa rũi ro về sức khỏe, kinh tế gia đình không bị đảo lộn khi không may bị mắc bệnh tật. Chính sách y tế cũng góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo đảm bảo công bằng và an sinh xã hội khi hàng triệu người bệnh có thu nhập thấp, người nghèo mắc các bệnh nặng có chi phí lớn được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB.
Số người tham gia BHYT hộ gia đình phần lớn là những người có bệnh và nguy cơ mắc bệnh cao; mức đóng BHYT của các đối tượng này chưa tương xứng với mức độ gia tăng của chi phí KCB, cùng với tình trạng lạm dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật cao… còn xãy ra ở một số cơ sở KCB. Trong khi đó nguyên tắc cơ bản của hoạt động BHYT là lấy số đông bù cho số ít, nếu nguồn quỹ BHYT chỉ có sự tham gia của người có nhu cầu KCB thì sẽ dẫn đến bội chi. Tăng nhanh số lượng người tham gia BHYT, thực hiện lộ trình hơn 90,7% tỷ lệ người dân trên cả nước tham gia BHYT vào năm 2020 là một trong những nhân tố quan trọng nhất của chính sách BHYT, là cơ sở để đảm bảo chính sách an sinh xã hội. Bởi khi đông đảo người dân tham gia BHYT, nguồn quỹ BHYT được hình thành đủ lớn và đủ bền vững sẽ đảm bảo nhu cầu KCB, chăm sóc sức khỏe của người dân. Mặt khác, người dân có thẻ BHYT như là phao cứu sinh đảm bảo cuộc sống khi không may bị rũi ro bệnh tật. Trong thực tế những người giàu có nếu không may bị mắc bệnh hiểm nghèo cũng trở nên túng thiếu.
Các cấp, các ngành, các địa phương cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHYT đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức “mình vì mọi người, mọi người vì mình” cho nhân dân. Các cấp các ngành, chính quyền địa phương cần khảo sát thực trạng số người chưa tham gia BHYT, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch để tăng nhanh diện bao phủ người tham gia BHYT, gắn chặt nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, trong đó coi trọng bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT. Tích cực vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chung tay cùng với nhà nước giúp người cận nghèo có thêm kinh phí mua thẻ BHYT (ngân sách Trung ương hỗ trợ 70% mức đóng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 20% mức đóng, còn 10% cá nhân tự đóng)
Để đạt được mục tiêu đề ra cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong nhân dân giúp họ hiểu rõ ý nghĩa tầm quan trọng của chính sách BHYT để tích cực tham gia thực hiện, tập trung vào các đối tượng nông dân, tiểu thương, người làm dịch vụ nhỏ, người cận nghèo, học sinh sinh viên, các chủ sử dụng lao động nhất là chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sản xuất kinh doanh cá thể. Bên cạnh đó, ngành y tế cần tăng cường chỉ đạo kiểm soát viện phí, chất lượng dịch vụ KCB đồng thời đầu tư nhiều hơn nữa cho y tế tuyến cơ sở để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Đặng Minh Thông
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?