Người khám, chữa bệnh dịch vụ sẽ “móc thêm hầu bao”
15/10/2020 08:09 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Từ ngày 1/7/2020, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) công lập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chính thức áp dụng giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế (theo Nghị quyết 07/2020/NQ- HĐND của HĐND tỉnh).
Điều này đồng nghĩa với việc người chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) phải KCB dịch vụ sẽ “móc thêm hầu bao”. Cụ thể, hơn 1.950 dịch vụ y tế, bao gồm có 3 nhóm dịch vụ áp dụng cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh tăng: Giá dịch vụ KCB, kiểm tra sức khoẻ; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật (DVKT) và xét nghiệm.
Để người dân hiểu đúng và đầy đủ vấn đề này, đồng thời “chống sốc” trong dân khi giá dịch vụ KCB thay đổi theo chiều hướng tăng, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị định.
Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền để người dân hiểu về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể là xóa bỏ bao cấp qua giá, thực hiện giá thị trường đối với các dịch vụ công có sự kiểm soát của Nhà nước. Đồng thời chuyển dần ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho các cơ sở KCB sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá DVYT.
Riêng Sở Y tế, tập trung chỉ đạo các cơ sở KCB tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp để bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ KCB. Công khai bảng giá dịch vụ bằng bảng mica hoặc bảng điện tử tại khoa khám bệnh, nơi đón tiếp, nơi thanh toán viện phí, trên Trang thông tin điện tử của đơn vị để người bệnh biết, thuận lợi cho việc thực hiện.
Đồng thời chỉ đạo các cơ sở KCB cần chủ động sử dụng ngân sách được giao và nguồn thu, Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để: Sửa chữa, cải tạo, mở rộng khoa khám bệnh, mua sắm, bổ sung bàn khám, trang thiết bị, dụng cụ khám bệnh, tăng cường và hợp đồng thêm nhân lực để tăng số bàn khám, phòng khám không để người bệnh chờ lâu; mua sắm bổ sung bàn, ghế, giường, tủ, các trang thiết bị của các buồng bệnh, thay thế các trang thiết bị cũ, hư hỏng không đáp ứng yêu cầu chuyên môn, cải thiện các điều kiện phục vụ người…
Ngoài ra, các cơ sở KCB cần cải tiến việc thanh toán viện phí, áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; cải tiến khâu cấp phát thuốc để giảm thời gian chờ thanh toán viện phí cũng như lấy thuốc của người bệnh; cải tiến khu vực đón tiếp, bố trí nhân viên hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh khi làm các thủ tục KCB. Thực hiện các giải pháp để giảm dần tình trạng nằm ghép, xây dựng và triển khai các Đề án bệnh viện vệ tinh, kết hợp trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân giữa các bệnh viện trên địa bàn. Tổ chức tập huấn, thực hiện theo đúng quy trình chẩn đoán và điều trị.
Các cơ sở KCB còn phải thu đúng theo giá dịch vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định, không thu thêm của người bệnh các chi phí đã tính trong giá dịch vụ (trừ các chi phí vật tư, hóa chất, chưa tính vào giá đã được ghi chú cụ thể). Không được thu tiền đối với người nhà vào thăm nuôi người bệnh dưới các hình thức như tiền áo vàng, tiền quần áo người nhà bệnh nhân. Theo dõi chặt chẽ các quy định của Chính phủ và của Bộ Y tế có liên quan đến giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của Nhà nước, khi có sự thay đổi thì chủ động tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh kịp thời, đúng quy định.
Nghị quyết 07 cũng nêu rõ, chỉ có nhóm giá khám bệnh, ngày giường điều trị là khác nhau theo hạng BV, còn lại các DVKT, xét nghiệm đều thực hiện thống nhất một mức giá tại tất cả các cơ sở KCB trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, điều khác nhau cơ bản giữa người có thẻ BHYT và người chưa tham gia BHYT là người có thẻ BHYT đã được quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí, còn lại phần cùng chi trả tối đa là 20% cho các dịch vụ nằm trong danh mục.
Nhưng nếu người bệnh có thời gian tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục trở lên tính từ thời điểm người đó tham gia BHYT đến thời điểm đi KCB và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến thì được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí người bệnh không phải cùng chi trả 20%.
Riêng người bệnh chưa có thẻ BHYT thì phải chi trả 100% toàn bộ chi phí KCB. Như vậy, khoản tiền người bệnh không có thẻ BHYT phải chi trả khi đi KCB so với mức giá hiện hành sẽ là con số không nhỏ. Đặc biệt, những bệnh nhân cần sử dụng các DVKT cao, thì mức chi 100% từ tiền túi rất lớn, ví dụ như chụp PET/CT chi phí tối đa đã lên tới gần 20 triệu đồng/ 1 lần chụp ; chi phí PET/CT mô phỏng xạ trị gần 21 triệu đồng/ 1 lần chụp...
Rõ ràng, người dân Bình Thuận chưa có thẻ BHYT sẽ chịu tác động không nhỏ khi điều chỉnh chi phí KCB ngoài BHYT theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh. Vì thế, tham gia BHYT là cần thiết, hướng tới BHYT toàn dân để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân khi đi khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Đừng để khi rủi ro ập đến mà chưa có thẻ BHYT sẽ đối mặt tình trạng nghèo hóa bởi chi phí y tế.
Đặng Minh Thông
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?