Hiệu quả từ chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT nội trú tuyến tỉnh
08/02/2021 08:51 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo khoản 6 Điều 22 Luật bảo hiểm y tế (BHYT), từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi mức hưởng theo đúng quy định cho người tham gia BHYT khi tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước. Những quy định mới này đang là tin hết sức vui mừng với người tham gia BHYT.
Ông Nguyễn Minh Trí, ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, cho biết: “Chính sách thông tuyến lần này có lợi cho người dân chúng tôi rất nhiều, nếu mắc bệnh cần nằm điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh nào cũng được BHYT chi trả như đúng qui định. Bây giờ, giá dịch vụ kỹ thuật y tế ngày càng tăng cao, nếu chẳng may mắc bệnh mà không có BHYT thì sẽ tốn kém rất nhiều”. Còn bà Trần Thị Hường, ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc cũng phấn khởi cho rằng, quy định thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú BHYT giúp người dân có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế. Trước kia, khi muốn nằm viện điều trị, người dân phải đến những cơ sở y tế đăng ký KCB ban đầu rồi dựa vào tình trạng bệnh lý mới được quyết định chuyển lên tuyến trên để điều trị. “Ốm đau, bệnh tật là điều không ai muốn, khi mắc bệnh ai cũng mong muốn được điều trị tại các cơ sở KCB chất lượng tốt. Giờ đây, khi BHYT đã thông tuyến tỉnh điều trị trong toàn quốc, người dân có quyền lựa chọn cơ sở KCB cùng tuyến tỉnh mà mình muốn để điều trị”, bà Hường bày tỏ.
Việc thông tuyến tỉnh nội trú trên phạm vi toàn quốc là điều hết sức thuận lợi cho người tham gia BHYT, đồng thời đây cũng động lực để tất cả các bệnh viện, Trung tâm y tế (TTYT) tiếp tục nâng cao chất lượng KCB, khi chất lượng được nâng lên, người được hưởng lợi chính là bệnh nhân. Theo quy định của Luật BHYT từ ngày 01/01/2021, nếu người bệnh có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện, nhưng điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, dù không cần giấy chuyển viện người bệnh vẫn được coi là điều trị đúng tuyến. Quy định này tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, hoặc bệnh nhân ở tỉnh xa, đi công tác, làm việc tại địa phương khác. Quyền lợi người bệnh được mở rộng, thuận lợi hơn trong KCB BHYT, đây sẽ là động lực quan trọng để người dân tích cực tham gia BHYT. Từ đó, tiến tới lộ trình bao phủ BHYT toàn dân…
Hơn 01 tháng triển khai thông tuyến tỉnh KCB BHYT nội trú, số lượng bệnh nhân đến KCB BHYT ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận không có nhiều biến động. Theo ThS. BS. Vũ Cao Thiện, Trưởng Phòng kế hoạch - tổng hợp Bệnh viện đa khoa tỉnh, bình quân mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân điều trị nội trú, không cao hơn so với thời điểm trước ngày 01/01/2021. Tuy nhiên, bệnh viện cũng thực hiện nghiêm quy định khám sàng lọc bệnh nhân để nhận bệnh nhân điều trị nội trú, tránh tình trạng bệnh nhân đổ dồn lên tuyến trên dù là bệnh nhẹ. Thời gian qua, bệnh viện đã tập trung nâng cao chất lượng KCB, đầu tư máy móc hiện đại, đào tạo đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng giỏi, đã thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên sâu tạo điều kiện để bệnh nhân tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương
Là cơ quan triển khai thực hiện các chế độ chính sách khám chữa bệnh BHYT, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã tập trung triển khai các giải pháp để đảm bảo việc thực hiện thông tuyến tỉnh trong KCB BHYT nội trú kịp thời, đúng quy định. BHXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách thông tuyến KCB BHYT nội trú để người tham gia BHYT được biết và thực hiện. Phối hợp với cơ sở y tế đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT khi đi KCB. Cùng với đó, BHXH tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám định chặt chẽ, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, cũng như sử dụng quỹ BHYT hợp lý, hiệu quả.
Quy định thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh đối với người có thẻ BHYT rất được người dân đồng tình. Tuy nhiên, người dân cần hiểu đầy đủ quy định về thông tuyến tỉnh nội trú để tránh sự lãng phí không cần thiết cả về thời gian và tiền của khi đi KCB…Đối với trường hợp người tham gia BHYT tự đi KCB nội trú tại các cơ sở KCB BHYT tuyến tỉnh là trường hợp đi KCB không đúng tuyến nhưng được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB nội trú theo mức hưởng như đi KCB đúng tuyến, không được hưởng chế độ không cùng chi trả chi phí KCB như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật BHYT. Đồng thời, phần chi phí cùng chi trả của người bệnh trong trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến không được xác định là điều kiện để cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm. Vì vậy, để người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT, trong đó có quyền lợi không phải đồng chi trả đối với các chi phí KCB thuộc phạm vi được hưởng BHYT khi đủ điều kiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật BHYT, khuyến khích người tham gia BHYT đi KCB đúng tuyến, đúng quy định./.
Đặng Minh Thông
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?