Dồn sức để hoàn thành kế hoạch thu và giảm nợ dưới 2,37%
13/10/2021 10:34 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Có thể nói, năm 2021 ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nói chung và BHXH Bình Thuận nói riêng gặp nhiều khó khăn trong công tác thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) do dịch bệnh Covid-19, nhất là từ cuối tháng 4/2021 đến nay đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 trên phạm vi cả nước. Tại Bình Thuận, thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16/CT-TTg, các địa phương còn lại thực hiện chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Do dịch bệnh Covid-19 nên nhiều đơn vị, doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh hoặc phải thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất nên chi phí lớn, doanh thu giảm sút, dẫn đến nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài, đời sống người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ riêng ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch đến nay đã có 187 doanh nghiệp ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn ngừng hoạt động; 181 cơ sở hoạt động cầm chừng. Từ tháng 5/2021 đến nay toàn bộ cơ sở giáo dục mầm non, giao thông vận tải tạm ngừng hoạt động. Trong tháng 7, 8, 9 nhiều doanh nghiệp may mặc, chế biến thủy sản xuất khẩu tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng đã ảnh hưởng lớn đến công tác thu, thu nợ. Nhiều doanh nghiệp khó khăn đã có văn bản đề nghị gia hạn dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; đề nghị giãn đóng, chậm đóng, miễn thu lãi chậm đóng đến cuối năm 2021; một số đơn vị, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, tạm ngừng hoạt động và không có khả năng đóng BHXH vì đã giảm hết số lao động. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp phá sản, giải thể, mất tích (không tồn tại, không hoạt động) khoảng 177 đơn vị, nợ khó thu trên 12.522 triệu đồng, đến nay chưa có văn bản xử lý dứt điểm nợ khó thu đối với các đơn vị này…
Từ những khó khăn nói trên của các đơn vị, doanh nghiệp, BHXH Bình Thuận cũng đã chung tay cùng các ngành hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (SDLĐ). Đến nay, BHXH Bình Thuận đã giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 3.797 lao động tại 13 doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng với tổng số tiền 22.472 triệu đồng. Thực hiện điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng cho 86.400 lao động với số tiền tạm tính là 27.945 triệu đồng. Đồng thời, xác nhận danh sách NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, lao động tham gia đào tạo cho 367 đơn vị với 9.556 lao động để có cơ sở thực hiệc các chính sách hỗ trợ khác cho NLĐ gặp khó khăn. BHXH Bình Thuận còn phối hợp các ngành liên quan giải quyết chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 từ quỹ BHTN theo Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong thời gian đại dịch Covid-19, song nhờ sự chủ động, quyết liệt và nắm bắt sát tình hình thực tiễn của từng địa bàn, từng địa phương trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, nên đã tạo được sự đột phá trong các hoạt động. Đến đầu tháng 10/2021 số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 85,7% kế hoạch và đang có xu hướng tăng dần do một số đơn vị sau giãn cách đã hoạt động trở lại. Số người tham gia BHTN đạt 84,7% kế hoạch. Số người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 53,9% kế hoạch, tăng 3.943 người (tăng 54,6%) so với cùng kỳ năm 2020. Số người tham gia BHYT đạt 92,3 kế hoạch; tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 87,2% dân số. Số thu toàn tỉnh đạt 67,3% dự toán, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN chiếm 5,87% dự toán thu.
Từ nay đến cuối năm thời gian còn lại không nhiều, song tình hình dịch bệnh đang được từng bước kiểm soát, các địa phương chuẩn bị bước vào trạng thái “bình thường mới”, sống chung với Covid-19 để phát triển sản xuất, kinh doanh, nên ngành BHXH có cơ hội dồn sức thực hiện nhiệm vụ đề ra năm 2021. Trong đó, trọng tâm là hoàn thành các chỉ tiêu thu; giảm tỷ lệ nợ xuống dưới 2,37%. Trong gần 03 tháng còn lại BHXH Bình Thuận tập trung thực hiện các biện pháp chủ yếu, đó là: Xác định thực hiện mục tiêu BHXH cho mọi NLĐ, BHYT toàn dân là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành; phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ đôn đốc thu, thu nợ BHXH, các Tổ khai thác phát triển người tham gia thông qua dữ liệu thuế năm 2019, 2020; phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để chỉ đạo cơ sở KCB thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về KCB BHYT; thực hiện chạy dữ liệu chi phí KCB BHYT trên phạm vi toàn tỉnh, kịp thời phát hiện những chỉ số gia tăng bất thường; tùy theo diễn biến của tình hình dịch bệnh để tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, nhất là người dân sinh sống ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, miền núi tham gia BHYT học sinh và BHYT hộ gia đình; tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với hệ thống Bưu điện tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức khác nhau đẩy nhanh số người tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao, trong điều kiện vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19; phát huy hiệu quả hoạt động của đại lý thu, tập trung vào các địa phương có tỷ lệ tham gia thấp để tích cực tuyên truyền, vận động người dân tiếp cận thông tin về chính sách BHXH, BHYT, qua đó khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT ổn định và bền vững.
Lê Thanh
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?