Khuyến khích Doanh nghiệp hỗ trợ trẻ em trong đại dịch Covid-19
29/10/2021 07:13 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trẻ em phải chịu những tác động nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch mang lại: bị hạn chế trong việc đến trường, các hoạt động vui chơi, giải trí, chịu ảnh hưởng từ những tổn thất về kinh tế, thậm chí chịu những tổn thương về tâm lý khi mất đi người thân...
Ngày 28/10, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em (CRG), Nhóm Công tác về quyền trẻ em (CRWG) và Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam (SNPO) tổ chức Hội thảo Hỗ trợ trẻ em trong đại dịch Covid-19: Vì lợi ích tốt nhất của trẻ, với sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế (Save the Children).
Sự kiện nằm trong chuỗi Hội thảo Tạo xu hướng– Dẫn dắt thay đổi 2021: Dấu ấn DN có trách nhiệm trong đại dịch Covid-19. Hoạt động nhằm tạo không gian chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các DN phối kết hợp cùng các tổ chức xã hội và nhà nước trong chiến lược thúc đẩy các chương trình phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội của DN, hỗ trợ đối tượng trẻ em và thanh niên trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Chuỗi hội thảo kỳ vọng sẽ thu hút sự tham gia của các DN, các tổ chức xã hội, viện trường và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, truyền thông để tạo nên các trao đổi hiệu quả tích cực và truyền cảm hứng. Hội thảo Hỗ trợ trẻ em trong đại dịch Covid-19: Vì lợi ích tốt nhất của trẻ là sự kiện mở đầu cho chuỗi Hội thảo này.
Đánh giá cao chuỗi các Hội thảo về chủ đề trách nhiệm của DN trong việc hỗ trợ trẻ em trong đại dịch Covid-19, bà Vũ Thị Kim Hoa– Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB & XH) chia sẻ: “Là cơ quan chuyên trách về đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em, chúng tôi trân trọng cảm ơn sự chung tay, phối hợp và hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị, DN và toàn xã hội. Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, sự tham gia của các bên liên quan cũng vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sự hỗ trợ lâu dài cho các em”.
Kể từ xuất hiện vào đầu năm 2019, đại dịch Covid-19 đã tạo nên những ảnh hưởng và tác động tới toàn thế giới trên mọi lĩnh vực: kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế,.. Đặc biệt, trẻ em vốn là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, nay lại các chịu những tác động nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch mang lại: bị hạn chế trong việc đến trường, các hoạt động vui chơi, giải trí, chịu ảnh hưởng từ những tổn thất về kinh tế, thậm chí chịu những tổn thương về tâm lý khi mất đi người thân
Theo phân tích chả bà Nguyễn Phương Linh– Viện trưởng MSD: “Trong những ngày tháng này, Covid-19 đã để lại những ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới trẻ em, chúng ta lại càng thấy vai trò của tất cả các bên liên quan trong hỗ trợ trẻ em trong đại dịch Covid-19, và những nhu cầu phát sinh của trẻ em trong đại dịch hầu hết đều là các nhu cầu khẩn cấp hiện tại, đồng thời cũng đòi hỏi nhu cầu hỗ trợ lâu dài. Đó là các nhu cầu về an sinh xã hội, về học tập, về vui chơi, về sức khoẻ thể chất và tinh thần... và cả nhu cầu tổng thể tất cả các vấn đề trên đối với trẻ em mồ côi do đại dịch.
Bà Nguyễn Phương Linh cho rằng: Ngoài các chính sách hỗ trợ rất kịp thời của nhà nước, chúng ta còn có sự chung tay hỗ trợ đến từ các bên liên quan, đặc biệt là DN. “Tuy nhiên cũng có những câu hỏi đặt ra như: Liệu sự hỗ trợ ồ ạt tại thời điểm hiện tại, tuy rất đáng quý nhưng có lâu dài, có đáp ứng được đúng và hết các nhu cầu của trẻ? Liệu mọi sự trợ giúp, tuy là good-will – là với tinh thần rất tốt, rất mong muốn hướng thiện nhưng đã hiệu quả nhất chưa? Có hiệu quả không? Có gây hại gì không? Có vì lợi ích tốt nhất của trẻ? Tôi nghĩ rằng, trong cảm xúc, và các hành động, việc dừng lại 1 chút để tư duy, suy nghĩ làm sao để sự hỗ trợ, vừa đúng vừa đủ, vừa kịp thời và vừa có chiến lược dài lâu, vừa vì lợi ích tốt nhất của trẻ có lẽ chính là điêu mà tất cả chúng ta nên trăn trở. Hội thảo ngày hôm nay để chia sẻ nỗ lực, thách thức và các bài học kinh nghiệm trong hỗ trợ trẻ em của tất cả các bên liên quan với một mong muốn duy nhất - vì lợi ích tốt nhất của trẻ”, Viện trưởng MSD bày tỏ băn khoăn.
Đại diện Nhóm Công tác về quyền trẻ em, ông Lê Ngọc Bảo đưa ra khuyến nghị: “Sự đồng hành và hỗ trợ của các DN, mạnh thường quân tới trẻ em mồ côi nên được điều phối thật tốt để có thể hỗ trợ cho trẻ được chăm sóc trong môi trường gia đình. Những hỗ trợ này phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc của Công ước LHQ về Quyền trẻ em, Luật Trẻ em 2016 và các văn bản pháp lý khác có liên quan. Ngoài ra, sự hỗ trợ và đồng hành của các DN, mạnh thường quân trong việc nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em nói chung hoặc các chương trình tập huấn nâng cao năng lực cán bộ trẻ em, cán bộ công tác xã hội ở các địa phương cũng rất cần thiết. Chúng tôi cam kết Phối hợp và chia sẻ nguồn lực trong các hoạt động vận động chính sách, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các địa phương đặc biệt về nhân lực, kỹ thuật, kinh nghiệm và bài học từ các mô hình dự án, chương trình đào tạo giảng viên nguồn… nhằm điều phối tốt và hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em của Việt Nam”.
Phản hồi ý kiến của các diễn giả tại hội thảo, bà Vũ Thị Kim Hoa bày tỏ: “Các cơ quan quản lý nhà nước cũng mong muốn lắng nghe ý kiến của các bên liên quan để đưa ra những chính sách, biện pháp hỗ trợ trẻ em tức thì. Và các DN cũng cần nhanh chóng đưa ra các chương trình để hỗ trợ trẻ em sớm nhất có thể. Một trong những chỉ đạo, nhiệm vụ quan trọng của Bộ LĐ-TB&XH là hỗ trợ lâu dài cho trẻ em và gia đình để trẻ em được bảo vệ và được sống cùng gia đình, vì lợi ích tốt nhất của trẻ”.
Thái An
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?