Một số đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách BH thất nghiệp
09/11/2021 07:41 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đại dịch COVID-19 diễn ra trong thời gian dài và phức tạp đã tàn phá nền kinh tế thế giới, làm xáo trộn cuộc sống người dân, nhất là người dân nghèo. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), thế giới đã có khoảng 25 triệu người thất nghiệp do đại dịch COVID-19. Việt Nam cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực kiềm chế dịch bệnh và có những giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép”- vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính riêng trong quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… So với quý trước, số lao động chịu tác động xấu bởi đại dịch trong quý III tăng thêm 15,4 triệu người.
Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7% và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%.
Cũng trong 9 tháng đầu năm, cả nước có 45.100 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32.400 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%... Bình quân mỗi tháng trong thời gian này có 10.000 DN rút lui khỏi thị trường.
Để hỗ trợ cho NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, trong đó có nhiều chính sách liên quan đến BH thất nghiệp. Tiếp sau đó là Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Quyền lợi của NLĐ và người SDLĐ tham gia BH thất nghiệp
Tham gia BH thất nghiệp mang lại lợi ích cho cả NLĐ và người SDLĐ. Bởi NLĐ được đảm bảo một phần thu nhập khi gặp rủi ro bị mất việc làm/thất nghiệp, được tham gia vào các chương trình nhằm phòng ngừa thất nghiệp và nếu không may bị thất nghiệp thì được hỗ trợ tìm kiếm việc làm, sớm có cơ hội quay trở lại thị trường lao động.
Với việc tham gia BH thất nghiệp, người SDLĐ được hỗ trợ kinh phí để đào tạo nghề, duy trì việc làm cho NLĐ từ quỹ BH thất nghiệp. Quyền lợi đó được quy định trong Luật Việc làm số 38/2013/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể:
NLĐ làm việc theo HĐLĐ hoặc HĐ làm việc với thời hạn từ 3 tháng trở lên đều thuộc đối tượng tham gia BH thất nghiệp bắt buộc. Khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ/HĐ làm việc theo quy định, nếu đã đóng BH thất nghiệp đủ 12 tháng trong thời gian 24 tháng (hoặc 36 tháng đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng mùa vụ) trước khi chấm dứt hợp đồng, thì sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, với thời gian hưởng từ 3 đến 12 tháng tùy thuộc vào số tháng đóng BH thất nghiệp. Mức hưởng 1 tháng bằng 60% tiền lương bình quân. Ngoài ra, NLĐ còn được hưởng BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm: Người bị thất nghiệp, nếu có nhu cầu, được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
Hỗ trợ học nghề: NLĐ bị thất nghiệp, nếu đã đóng BH thất nghiệp đủ 9 tháng trong vòng 24 tháng trước khi thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 6 tháng, mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ: Người SDLĐ được hỗ trợ kinh phí để thực hiện hoạt động này khi đủ điều kiện, gặp khó khăn khi lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu/công nghệ sản xuất, kinh doanh.
Vai trò quan trọng của BH thất nghiệp trong đại dịch
Đại dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến tình trạng việc làm và thu nhập của hàng triệu lao động. Trong bối cảnh đó, trợ cấp BH thất nghiệp là “cứu cánh” cho những NLĐ thất nghiệp, giúp họ có cuộc sống ổn định để yên tâm thực hiện các biện pháp giãn cách của Chính phủ, góp phần giảm thiểu lây lan dịch bệnh.
Đối với người SDLĐ, sẽ giảm chi phí chi trả/hỗ trợ cho NLĐ bị mất việc làm, thất nghiệp, đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn, buộc phải thu hẹp sản xuất.
Đối với Nhà nước, ngân sách sẽ giảm bớt gánh nặng hỗ trợ cho NLĐ trong thời gian dịch bệnh.
Nhìn về cả chặng đường phát triển chính sách BH thất nghiệp hơn 10 năm qua, cho thấy BH thất nghiệp có vai trò to lớn đối với cả xã hội. Chính sách này ngày càng được hoàn thiện theo hướng bền vững hơn, từ chủ yếu là trợ cấp cho NLĐ bị thất nghiệp, sang tập trung vào các biện pháp phòng ngừa thất nghiệp và hỗ trợ NLĐ quay trở lại thị trường lao động. Hàng năm, đã có hàng trăm nghìn người được hưởng trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ đào tạo nghề; số chi năm sau cao hơn năm trước và đặc biệt tăng cao ở năm 2020- năm đầu tiên chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Như vậy, số người hưởng trợ cấp BH thất nghiệp năm 2020 tăng 20% so với năm 2019. Tổng số chi BH thất nghiệp qua các năm cũng tăng nhanh và gần tiệm cận với số thu. Năm 2020 là năm đầu tiên chịu ảnh hưởng của COVID-19, số chi BH thất nghiệp tăng hơn 34% so với năm 2019. Mặc dù vậy, so với số người bị ảnh hưởng về việc làm bởi đại dịch COVID-19 thì số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp còn hạn chế. Còn nhiều người chưa được hưởng từ chính sách này, do không thuộc đối tượng tham gia BH thất nghiệp hoặc không được chủ SDLĐ đóng BH thất nghiệp.
Về hoạt động hỗ trợ người SDLĐ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ, mặc dù đã có quy định nhưng lại chưa có DN nào được hưởng khoản hỗ trợ này. Bởi điều kiện hưởng khắt khe, nên nhiều DN không tiếp cận được…
Để hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, ngày 1/7/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và ngày 7/7/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg hướng dẫn thực hiện. Theo đó, có 3 đối tượng được thụ hưởng gồm:
- Người SDLĐ có đủ các điều kiện: Đóng đủ BH thất nghiệp cho NLĐ từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; Phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định; Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với doanh thu cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; Có phương án, hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ;
- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp: phối hợp với đơn vị SDLĐ xây dựng phương án và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Một số đề xuất
Thứ nhất, mở rộng diện bao phủ
Số người tham gia BH thất nghiệp còn khiêm tốn so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, chưa kể do ảnh hưởng của đại dịch, số người tham gia BH thất nghiệp năm 2020 còn giảm so với năm 2019. Do đó, để BH thất nghiệp thực sự là chỗ dựa cho NLĐ về việc làm; đồng thời để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa NLĐ ở các ngành nghề, khu vực kinh tế khác nhau, cần tiếp tục tăng diện bao phủ của BH thất nghiệp.
Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, để nâng cao nhận thức của NLĐ và người SDLĐ thực hiện quyền và nghĩa vụ tham gia BH thất nghiệp. Từng bước mở rộng đối tượng tham gia BH thất nghiệp như: NLĐ làm việc theo HĐLĐ thời hạn dưới 3 tháng, làm việc theo hợp đồng cung cấp dịch vụ như: Shipper, đại lý, tư vấn viên...
Thứ hai, xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến
Đối với người thất nghiệp, bên cạnh việc hưởng trợ cấp thất nghiệp thì vấn đề cốt lõi mà họ quan tâm là làm thế nào để có việc làm. Mặc dù hiện tại, NLĐ được các Trung tâm DVVL tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, nhưng hiện nay phạm vi hoạt động của các trung tâm này còn hẹp, chưa có sự kết nối rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Hơn nữa, trong đại dịch, việc trực tiếp đến các Trung tâm DVVL để được tư vấn, giới thiệu việc làm là khó, do đó, cần xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối thông tin việc làm không chỉ riêng trong nước mà cả ngoài nước. Ngoài thông tin về vị trí việc làm còn trống tại thời điểm hiện tại, sàn còn có nhiệm vụ dự báo nhu cầu việc làm trong tương lai để định hướng NLĐ, người SDLĐ chọn ngành nghề đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực.
Thứ ba, đổi mới hoạt động đào tạo nghề
Đào tạo nghề là biện pháp tích cực nhằm sớm đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho người tham gia BH thất nghiệp hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa hấp dẫn. Danh mục ngành nghề đào tạo ít, không phù hợp với nhu cầu thị trường, chủ yếu là cắt may, nấu ăn, lái xe; trang thiết bị dạy nghề lạc hậu; trình độ đào tạo chỉ dừng lại ở mức sơ cấp… Cho nên, để NLĐ có thể thoát khỏi thất nghiệp sau khi học nghề, các chương trình đào tạo nghề cần thiết thực hơn, gắn với nhu cầu thực tế. Các Trung tâm DVVL cần gắn kết với các DN để gửi NLĐ học nghề, bởi các DN có hệ thống máy móc hiện đại, hơn nữa lại có nhu cầu tuyển dụng. Cần mở rộng hình thức đào tạo nghề cho NLĐ lựa chọn. NLĐ cũng có thể tự chọn ngành nghề và nơi đào tạo, có thể bỏ thêm chi phí để được lựa chọn phù hợp với nhu cầu, Trung tâm DVVL chỉ làm nhiệm vụ giám sát.
Thứ tư, mở rộng điều kiện để người SDLĐ được hỗ trợ đào tạo
Mở rộng điều kiện hỗ trợ và đơn giản hóa TTHC để người SDLĐ dễ tiếp cận hơn với chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Việc tăng cường đào tạo nghề tại DN sẽ giúp công tác đào tạo nghề gắn liền với nhu cầu thực tế, NLĐ tăng cơ hội việc làm, DN thì có thể dễ dàng tuyển dụng lao động phù hợp, có thể làm việc ngay.
Tóm lại, chính sách BH thất nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với cả 3 bên: NLĐ, người SDLĐ và Nhà nước. Đây là công cụ hữu hiệu nhằm thực hiện an sinh xã hội bền vững, đặc biệt là trong thời kì đất nước có những biến động lớn như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng hay suy thoái kinh tế…
TS.Hoàng Bích Hồng, TS.Mai Thị Hường- Trường ĐH Lao động- Xã hội
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?