Vững tin thực hiện nhiệm vụ năm 2022
07/01/2022 07:15 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, trong năm 2021, toàn ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT. Những kết quả đạt được sẽ tạo tiền đề để toàn Ngành vững tin thực hiện nhiệm vụ được giao năm 2022. Nhân dịp năm mới 2022, Tạp chí BHXH đã phỏng vấn Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh.
* PV: Năm 2021, cùng với cả nước, ngành BHXH Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, toàn Ngành đã phải nỗ lực cao độ và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, được Quốc hội, Chính phủ cũng như xã hội đánh giá cao. Tổng Giám đốc có thể chia sẻ về kết quả đạt được?
- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh:
Như chúng ta đã biết, do tác động của đại dịch COVID-19, trong năm vừa qua, kinh tế- xã hội nước ta bị ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh đó, ngành BHXH Việt Nam cũng gặp vô vàn khó khăn, áp lực. Tùy từng địa bàn, từng thời điểm, các hoạt động thường xuyên của cơ quan BHXH Việt Nam, nhất là việc tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT gặp nhiều hạn chế. Tại các địa phương “vùng đỏ”, đặc biệt là ở phía Nam, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN bị đình trệ, tình trạng NLĐ mất việc làm xảy ra nhiều, số NLĐ tham gia BHXH, BHYT bị giảm sâu… Về BHYT, khi Quyết định 861/QĐ-TTg có hiệu lực, số người tham gia cũng giảm mạnh do một lượng lớn người dân không còn được NSNN hỗ trợ đóng BHYT. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách giảm đóng vào quỹ BH TNLĐ-BNN và quỹ BH thất nghiệp cũng như tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là những yếu tố khiến chỉ tiêu thu BHXH, BHYT năm 2021 thêm nhiều áp lực.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại phiên họp của Ủy ban TVQH
Tuy nhiên, với quyết tâm cao, sự nỗ lực cố gắng của toàn thể CCVC, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã để lại không ít dấu ấn, khẳng định vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; góp phần quan trọng đảm bảo đời sống người dân, NLĐ trong bối cảnh dịch bệnh.
Dấu ấn đầu tiên chính là, toàn Ngành vẫn thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên như: Bảo đảm chi trả các chế độ BHXH, BHYT đúng, đủ, linh hoạt, nhất là chi trả lương hưu, mở rộng chi trả qua tài khoản ATM nên đã hạn chế việc tiếp xúc, đi lại của người hưởng, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Điều đó giúp khoảng 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được đảm bảo quyền lợi, không phát sinh ca nhiễm dịch bệnh trong quá trình chi trả.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh trò chuyện với NLĐ Công ty TOTO Việt Nam
Mặc dù phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng quỹ BHYT đã đảm bảo quyền lợi cho khoảng 125,22 triệu lượt người KCB. Các chế độ khác như: BH thất nghiệp, ốm đau, thai sản, DS-PHSK được cơ quan BHXH giải quyết đúng quy định. Toàn Ngành cũng đã giải quyết khoảng 94.056 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; giải quyết khoảng 7,76 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK. Phối hợp với ngành LĐ-TB&XH giải quyết cho 857.000 người hưởng các chế độ BH thất nghiệp, trong đó có khoảng 839.220 người hưởng trợ cấp thất nghiệp và khoảng 17.800 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề.
Đặc biệt, vượt lên những khó khăn, thách thức, với tinh thần biến “nguy” thành “cơ”, toàn Ngành đã nỗ lực rất lớn để thực hiện công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Tính đến cuối năm 2021, cả nước có khoảng 16,578 triệu người tham gia BHXH, tăng 414.000 người (tăng 2,56%) so với năm 2020, chiếm 33,8% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, BHXH bắt buộc khoảng 15,159 triệu người, BHXH tự nguyện khoảng 1,419 triệu người. Số tham gia BH thất nghiệp đạt khoảng 13,438 triệu người, tăng 95.000 người (0,7%) so với năm 2020, chiếm 27,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số tham gia BHYT đạt khoảng 88,83 triệu người, tăng 794.000 người (tăng 0,9%) so với năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.
Bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên, BHXH Việt Nam cùng với các bộ, ngành liên quan còn tham mưu xây dựng và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ NLĐ và DN gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 116-NQ/CP, toàn Ngành đã lập tức vào cuộc triển khai với tinh thần khẩn trương nhất, phát huy tối đa hiệu quả hệ thống CSDL sẵn có để hỗ trợ nhanh nhất tới NLĐ và DN.
Ngành BHXH Việt Nam luôn chủ động nâng cao tinh thần phục vụ
Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, chỉ sau 7 ngày, toàn Ngành đã hoàn thành việc điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ BH TNLĐ-BNN cho 375.000 đơn vị, tương ứng 11,238 triệu NLĐ với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng; thành lập Đoàn công tác để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn tại Hà Nội và 19 tỉnh, thành phía Nam; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 5 ngày xuống còn 1 ngày làm việc. Tính đến ngày 28/12/2021, đã giải quyết cho 846 đơn vị với 160.218 NLĐ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 113,7 tỷ đồng; xác nhận danh sách cho 3.012.864 NLĐ của 70.804 đơn vị SDLĐ để hưởng các chính sách hỗ trợ.
Thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP và Quyết định 28/2021/QĐ-TTg, trong vòng 5 ngày (đến ngày 5/10/2021), toàn Ngành đã hoàn thành gửi thông báo giảm mức đóng (1% xuống 0%) vào quỹ BH thất nghiệp đến 363.600 đơn vị SDLĐ, với số tiền điều chỉnh giảm trên 7.595 tỷ đồng; đến ngày 20/12/2021 đã giải quyết chi hỗ trợ cho 12,8 triệu NLĐ với số tiền 30.320 tỷ đồng.
Có thể nói, đằng sau mỗi con số nêu trên là hàng loạt công việc được triển khai, với sự nỗ lực, cố gắng rất lớn, không quản ngày đêm, ngày nghỉ, ngày lễ của đội ngũ cán bộ BHXH, nhất là ở cơ sở, ở những địa bàn có số lượng NLĐ, số DN đóng BHXH, BHYT lớn. Kết quả đó còn cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của toàn Ngành trong việc bảo đảm an sinh xã hội đất nước; góp phần đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân đưa đất nước từng bước vượt qua đại dịch.
* Dấu ấn đạt được phải nói là rất đặc biệt. Vậy, theo Tổng Giám đốc, đâu là những bài học để ngành BHXH Việt Nam tiếp tục phát huy trong thời gian tới?
- Trong bối cảnh đại dịch tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, hơn bao giờ hết, việc thích ứng an toàn và linh hoạt với trạng thái bình thường mới là yêu cầu bắt buộc Ngành phải thực hiện. Thực tế cho thấy, toàn Ngành đã phát huy được tinh thần này và rút ra được những bài học kinh nghiệm sâu sắc, để sẵn sàng cho những yêu cầu, nhiệm vụ được giao ngày càng cao.
Thứ nhất, tranh thủ, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với công tác BHXH, BHYT; chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Cơ quan BHXH địa phương phải chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp, lồng ghép chỉ tiêu, nhiệm vụ BHXH, BHYT với các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, chính sách an sinh xã hội tại địa phương nhằm huy động cả hệ thống chính trị cùng chung tay vào cuộc.
Hai là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn liền với việc xây dựng các quy trình, quy chế; cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát huy vai trò của người đứng đầu; kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ CCVC; biểu dương, khen thưởng kịp thời; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Ba là, công tác truyền thông phải đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng, phong tục tập quán, đặc điểm từng vùng miền; đồng thời, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, chủ động, kịp thời, đi trước một bước, nhằm tạo sự đồng thuận, nhận thức đúng về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT.
Bốn là, tích cực đơn giản hóa, cắt giảm các TTHC; tăng cường ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chuyển đổi số; đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, đảm bảo tốt nhất quyền lợi và tăng mức độ hài lòng của các chủ thể tham gia BHXH, BHYT.
Năm là, phối hợp với các ngành giải quyết đồng thời, hài hòa 2 vấn đề quan trọng, đó là: Vừa giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng; vừa kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ, đảm bảo thu- chi, đầu tư tăng trưởng hiệu quả, an toàn và tối ưu nguồn quỹ BHXH, BHYT.
Sáu là, phát huy tính linh hoạt để đảm bảo thực thi hiệu quả, mục tiêu cuối cùng là bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Linh hoạt cũng là yêu cầu, bài học rút ra với các nhiệm vụ thường xuyên của Ngành, như: Bố trí, sắp xếp CCVC làm việc từ xa, giải quyết công việc online; cân đối yêu cầu nhiệm vụ đột xuất với những tình huống phải thực hiện thường xuyên… Bên cạnh đó, còn phải linh hoạt trong công tác thu, truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT với các hình thức online trên nền tảng số, Internet, mạng xã hội… Ngoài ra, phải chủ động dự báo, xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh, lường trước tình huống phát sinh để ứng phó kịp thời.
Bảy là, sử dụng hiệu quả hơn nữa hệ thống CSDL quốc gia về bảo hiểm. Trong năm vừa qua, ngành BHXH Việt Nam đã kết nối chủ động hơn với các bộ, ngành, qua đó tối ưu hóa tính năng của CSDL quốc gia về bảo hiểm (phục vụ tiêm vắc-xin, phòng chống COVID-19…). Hệ thống CSDL này đã giúp cơ quan BHXH triển khai nhanh việc hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 tới hàng trăm nghìn DN và hàng chục triệu NLĐ chỉ trong khoảng thời gian ngắn… Do đó, toàn Ngành cần thường xuyên rà soát, cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu, từ đó phục vụ hiệu quả cho việc dự báo, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, điều hành.
* Vậy, trong năm 2022, ngành BHXH Việt Nam sẽ hướng tới những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể như thế nào, thưa Tổng Giám đốc?
- Năm 2022, tình hình kinh tế- xã hội chắc chắn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường. Ngay cả khi dịch được kiểm soát, quá trình phục hồi sản xuất của DN cũng như đời sống của người dân cũng cần một khoảng thời gian nhất định để trở lại như trước. Vì vậy, nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, nhất là tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT càng trở nên quan trọng.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh và Giám đốc BHXH TP.Hà Nội nghe phản ánh từ đại diện DN
Trong bối cảnh đó, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên như: Đảm bảo thật tốt quyền lợi BHXH, BHYT của người dân, NLĐ; chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH kịp thời, an toàn, đúng quy định; thanh toán chi phí KCB BHYT đúng, đủ; quản lý và sử dụng hiệu quả các quỹ BHXH, BHYT. Toàn Ngành cũng cần phát huy triệt để những bài học kinh nghiệm, lường trước những khó khăn, xây dựng các kịch bản phù hợp để thực hiện chính sách BHXH, BHYT bền vững; tập trung phát triển người tham gia và thu BHXH, BHYT ngay từ đầu năm.
Đặc biệt, trong năm 2022, ngành BHXH Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành phát huy vai trò tham mưu, xây dựng chính sách, trọng tâm là tham mưu sửa đổi Luật BHXH và Luật BHYT, đảm bảo phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số theo hướng sâu hơn, rộng hơn ở các hoạt động nghiệp vụ, tập trung phát triển hơn nữa ứng dụng VssID; ứng dụng hiệu quả CNTT vào việc cải cách TTHC; tăng cường kết nối dữ liệu với các cơ sở KCB, các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan liên quan cũng như với các hệ thống CSDL quốc gia khác… Đây là nền tảng quan trọng để Ngành tiếp tục hiện đại hóa toàn diện bộ máy quản lý, đem lại lợi ích và nâng cao sự hài lòng từ phía người dân, DN, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng sẽ sớm trình và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là định hướng quan trọng để Ngành tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.
Với các cấp ủy, chính quyền địa phương, mong rằng các Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố… tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Nhất là quan tâm, huy động ngân sách địa phương hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; chỉ đạo các sở, ngành phối hợp thực hiện chính sách BHXH, BHYT; tăng cường thanh tra, kiểm tra, yêu cầu các đơn vị, DN tuân thủ nghiêm Luật BHXH, Luật BHYT.
Từ thực tiễn và kết quả đạt được trong năm 2021, hơn bao giờ hết, chúng ta nhận thấy rõ vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội với trụ cột chính là BHXH, BHYT. Đây là điểm tựa, là nền tảng thiết yếu để đảm bảo an sinh bền vững, ổn định đời sống người dân trong mọi tình huống khó khăn có thể xảy ra. Chính vì vậy, BHXH Việt Nam cũng mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa, tạo thuận lợi để công tác tổ chức thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT ngày càng hiệu quả, tạo nền tảng phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn tiếp theo.
* Trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc!
Minh Đức (Thực hiện)
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?