Thủ tướng: "Tăng lương cơ sở nhưng lạm phát tăng không đáng kể"
06/08/2024 07:55 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 với chương trình thảo luận gồm nhiều nội dung quan trọng.
Mở đầu phiên họp, Chính phủ đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Mở đầu phiên họp, Chính phủ đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vừa qua toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, tấm gương mẫu mực về học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh; nhà lãnh đạo thể hiện đầy đủ tài năng, phẩm chất, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Theo Thủ tướng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn quan tâm tới hoạt động của Chính phủ và thường xuyên có các chỉ đạo với Chính phủ, Thủ tướng, kể cả trong lúc nằm viện những ngày cuối đời.
Trước yêu cầu nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng cho biết Trung ương đã họp để kiện toàn chức danh Tổng Bí thư, hôm 3/8.
Theo đó, Trung ương đã thống nhất bầu Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm làm Tổng Bí thư với tỷ lệ phiếu bầu tuyệt đối 100%. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Tăng lương cơ sở nhưng vẫn kiểm soát được tình hình
Thông tin về một số điểm nổi bật của tháng 7 và 7 tháng đầu năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trong đó, ông đề cập 3 điểm đáng lưu ý là biến động chính trị, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn; xung đột leo thang (Ukraine, Biển Đỏ, Dải Gaza); kinh tế toàn cầu còn rủi ro, có tín hiệu phục hồi chậm và thiếu vững chắc…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, theo người đứng đầu Chính phủ. Lý do, bởi Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu còn có hạn, một tác động nhỏ bên ngoài cũng gây ảnh hưởng lớn ở bên trong.
Dù vậy, nhờ nỗ lực chung của cả hệ thống, Thủ tướng cho biết tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 tiếp tục xu hướng tích cực, đạt kết quả tốt hơn tháng 6; tính chung 7 tháng tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết lĩnh vực.
Cụ thể, tăng trưởng được thúc đẩy ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, có thặng dư.
"Điều đáng mừng là 60/63 tỉnh, thành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng; nhiều vấn đề tồn đọng được tập trung tháo gỡ; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện", Thủ tướng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh điều đáng ghi nhận là vừa qua, Chính phủ đã tiết kiệm chi, tăng thu, cơ cấu lại thu chi, đầu tư để tiết kiệm khoảng 700.000 tỷ đồng cho việc tăng lương cơ sở. Và điều đáng mừng là khi tăng lương vẫn kiểm soát được tình hình, lạm phát tăng không đáng kể.
Chuẩn bị tốt các nội dung cho Hội nghị Trung ương 10 và kỳ họp thứ 8 của Quốc hội
Bên cạnh kết quả đạt được, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức, nhất là sức ép lạm phát còn cao; tình hình sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao.
Trong khi đó, kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm; còn tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, né tránh nhiệm vụ; an ninh trật tự trên một số địa bàn tiềm ẩn phức tạp…
Tại phiên họp lần này, Thủ tướng yêu cầu phân tích, đánh giá kỹ lưỡng những mặt được, chưa được, bài học kinh nghiệm cho nhiệm vụ tháng 8 và thời gian tới.
"Dự báo tình hình thời gian tới, nhất là tháng 8 và từ nay đến cuối năm để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 7% không? Muốn vậy, hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương phải làm gì để tạo đột phá?", Thủ tướng đặt vấn đề.
Ông cũng định hướng các bộ, ngành cần hướng dẫn cụ thể hơn nữa, các địa phương phải chủ động hơn, phản ứng chính sách tốt hơn; tập trung giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng truyền thống, đẩy mạnh động lực tăng trưởng mới…
Với tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm", Thủ tướng yêu cầu tăng cường giám sát, kiểm tra, thi đua khen thưởng và xử lý các vi phạm kịp thời.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý chú trọng các nội dung cụ thể, các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, làm tốt công tác chuẩn bị Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII và kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Phạm Chính
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?