Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát bằng mọi nguồn lực và cách làm mới
03/10/2024 02:21 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 1/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với MTTQ Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan về thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước. Tham dự cuộc họp có Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến nay, số nhà còn lại cần hỗ trợ là 153.881 căn, trong đó gồm: 106.967 nhà xây mới (68.565 hộ nghèo, 38.402 hộ cận nghèo); 46.914 nhà sửa chữa (27.188 hộ nghèo, 19.726 hộ cận nghèo). Mức hỗ trợ là 50 triệu đồng đối với hộ xây mới nhà ở và 25 triệu đồng đối với hộ sửa chữa nhà ở- bằng mức hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo hiện nay. Riêng Hà Nội và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Kinh phí cần huy động bổ sung để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khoảng 6.522,877 tỷ đồng, trong đó đã huy động được tại Lễ phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đến năm 2025” (ngày 13/4/2024) tại Hoà Bình là 320 tỷ đồng; kinh phí địa phương đã vận động được 44,178 tỷ đồng…
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” được phát động từ tháng 4/2024, đã triển khai và bước đầu có hiệu quả. Trong đó, các lực lượng đã tiên phong trong thực hiện phong trào như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, MTTQ Việt Nam…
Bên cạnh đó, thực tiễn triển khai phong trào cho thấy, cần tiếp tục đổi mới cách làm, phân công công việc cụ thể hơn, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc vào cuối năm 2025, chào mừng Đại hội XIV của Đảng và kỷ niệm 80 năm Quốc khánh và 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo Thủ tướng, qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo và theo dõi tình hình thực tế cho thấy, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, tự lo cho chính mình của người dân, cùng với sự giúp đỡ của làng xóm, họ hàng, các đoàn thể chính trị-xã hội, như: Thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh… Nhờ vậy, có những hộ cận nghèo, Nhà nước chỉ hỗ trợ hơn 50 triệu đã xây được nhà kiên cố với trị giá hơn 200 triệu đồng.
Đặc biệt, bài học kinh nghiệm quan trọng là cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với cách làm hiệu quả nhất; phát huy tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương và của cả các gia đình thụ hưởng chính sách; giảm khâu trung gian. Từ đó, triển khai nhanh chóng, thực chất, hiệu quả, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, người dân thụ hưởng thật.
Khi bắt đầu phát động phong trào, ước tính có khoảng 170.000 nhà tạm, nhà dột nát cần sửa chữa, xây mới, đến nay còn khoảng hơn 153.000 nhà. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu trong năm 2025 phải hoàn thành cả 3 nội dung: Hỗ trợ nhà ở cho người có công; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các Chương trình MTQG; sửa chữa, xây mới 153.000 nhà trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ Công an và Bộ LĐ-TB&XH phối hợp rà soát số liệu, thông tin về các hộ gia đình cần hỗ trợ trên CSDL quốc gia về dân cư. Phương châm là Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm chủ, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội hỗ trợ, kêu gọi người dân, DN tham gia ủng hộ với tinh thần cả nước chung tay, ai có gì giúp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều.
Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng nêu rõ, cần thành lập BCĐ do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, chỉ đạo chung triển khai cả 3 nội dung trên toàn quốc: Hỗ trợ nhà ở với người có công; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các Chương trình MTQG; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Phó Trưởng BCĐ; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH làm Phó Trưởng ban Thường trực; thành viên là Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Về nguồn lực, Thủ tướng nêu rõ, cần huy động đa dạng nguồn lực, từ nguồn lực Nhà nước; nguồn lực xã hội hóa; nguồn lực từ nỗ lực của chính các gia đình thụ hưởng chính sách; nguồn lực từ làng xóm, họ hàng… và sự ủng hộ của người dân, DN trên cả nước. “Phương thức là Trung ương, địa phương cùng làm, Nhà nước, DN, nhân dân cùng làm”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng, BCĐ sẽ phân công công việc cụ thể trên cơ sở báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH. Tại các địa phương (tỉnh, huyện, xã, thôn), thì Bí thư cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo. Các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng và thực hiện kế hoạch, đẩy mạnh truyền thông về nội dung này.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị phát động cao điểm 450 ngày đêm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên toàn quốc, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm. “Chúng ta quyết tâm chậm nhất tới 31/12/2025 sẽ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên cả nước”- Thủ tướng nêu rõ quyết tâm.
PV
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?