Thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và BHTN không dùng tiền mặt
31/07/2020 07:43 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
(baobinhthuan.com.vn) Hiện nay ngành BHXH đẩy mạnh việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng (thẻ ATM) để phục vụ người tham gia ngày càng tốt hơn. Điều đó đã góp phần quan trọng trong việc gia tăng số người nhận chế độ với phương thức thanh toán hiện đại, thuận tiện, phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Thực hiện chi trả BHXH, BHTN qua hệ thống ngân hàng
An toàn, tiết kiệm thời gian, chi phí
Song song với chi bằng tiền mặt, đến nay tất cả 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN qua tài khoản thẻ ATM với hàng trăm ngàn người hưởng hàng tháng. Với phương thức này, hàng tháng, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 vừa qua, việc chi trả qua tài khoản thẻ ATM đã giúp người hưởng hạn chế đi lại, tiếp xúc, đảm bảo được an toàn và giãn cách xã hội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với người lao động (NLĐ) hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp, phương thức chi trả không dùng tiền mặt còn góp phần hạn chế tình trạng đơn vị sử dụng lao động chiếm dụng, chậm chi trả tiền chế độ cho NLĐ... do đó, đảm bảo người tham gia được nhận chế độ đầy đủ, nhanh chóng, chính xác, kịp thời, an toàn, đúng thời gian quy định. Với cơ quan chi trả, việc tổ chức thực hiện phương thức này bảo đảm mục tiêu an toàn tiền mặt trong quá trình vận chuyển và lưu trữ, tránh được sai sót, giảm bớt áp lực, thời gian trong tổ chức chi trả và các bước trung gian qua chủ sử dụng lao động.
Chi trả BHXH, BHTN qua tài khoản cá nhân
Ngoài việc giao chỉ tiêu phấn đấu cho BHXH các tỉnh, BHXH Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chi trả an sinh xã hội qua hệ thống ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó tập trung tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích của phương thức chi trả này; yêu cầu Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chỉ đạo Bưu điện các cấp phối hợp với cơ quan BHXH, ban hành các văn bản hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người hưởng hiểu rõ hơn về tiện ích của việc giao dịch qua thẻ ATM, từ đó tích cực đăng ký tham gia.
Đặc biệt, để khuyến khích người hưởng nhận lương hưu và trợ cấp BHXH, BHTN qua tài khoản thẻ ATM, cơ quan BHXH hỗ trợ người hưởng chi phí mở tài khoản cá nhân lần đầu và chi phí chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người hưởng (nếu có). BHXH Việt Nam đã đề xuất với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng có cơ chế ưu đãi cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN nhận tiền qua tài khoản cá nhân (giảm phí mở thẻ, thanh toán hóa đơn, rút tiền mặt, các giao dịch đều được giảm hoặc miễn phí); tăng cường lắp đặt mở rộng hệ thống trụ ATM, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa để người lao động, người hưởng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ của ngân hàng mọi lúc, mọi nơi một cách dễ dàng, hiệu quả; cung cấp đủ lượng tiền; thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng hệ thống máy ATM.
Thời gian tới, BHXH Việt Nam xác định, mục tiêu quan trọng nhất của ngành trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao tỷ lệ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng, các tổ chức đại lý của ngân hàng; đẩy mạnh việc tổ chức cung cấp dịch vụ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN không dùng tiền mặt với dịch vụ đơn giản, thuận lợi, chi phí thấp để phục vụ cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có mức hưởng thấp. Như vậy, việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN qua tài khoản thẻ ATM đã mang lại nhiều tiện ích và đang được ngành BHXH tích cực đẩy mạnh, đạt những hiệu quả tích cực, góp phần thiết thực đem tới sự thuận tiện, hài lòng cho người tham gia. Hy vọng rằng, với những giải pháp và bước đi phù hợp, ngành BHXH không chỉ đạt mục tiêu mở rộng phương thức chi trả hiện đại mà còn góp phần tích cực hơn nữa trong việc thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 22/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Như Nguyễn
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT cho người lao ...
Phú Quý: Tổ chức khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp ...
Hội đồng Nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách ...
Vai trò Nhà trường trong công tác bảo hiểm y tế Học sinh - ...
Phú Quý: Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện với người ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?