Đến năm 2025, tỷ lệ tham gia BHYT sẽ đạt 95% dân số

28/07/2021 07:49 AM


Chiều 27/7, với 95,19% số ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 với những chỉ tiêu cụ thể.

Theo đó, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700-5.000 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%; tỷ lệ bội chi NSNN giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP.

Về các chỉ tiêu xã hội, tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ mạnh đạt tối thiểu 67 năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28-30%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%, trong đó có 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Về các chỉ tiêu môi trường, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100% và nông thôn là 93-95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.

Để đạt các mục tiêu đề ra, Nghị quyết đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung thực hiện "mục tiêu kép", đó là vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân và an sinh xã hội. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số...

Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh không đánh đổi công bằng, tiến bộ xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa để thực sự là đột phá phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế. Từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; tiếp cận việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư. Thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng. Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện, nâng cao chất lượng DVYT, sức khỏe cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hài lòng của người dân với DVYT đạt trên 80%. Đẩy mạnh y tế dự phòng và nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, bảo đảm an toàn, an ninh y tế... Phát triển mạng lưới BV vệ tinh; quan tâm phát triển y tế cơ sở, y tế học đường. Thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu sản xuất vắc-xin, thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Bảo đảm cân đối quỹ BHXH trong dài hạn. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH là 45%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp là 35%...

Vũ Thu