Ghét nhau mới bảo… đừng tham gia BHYT!
04/02/2020 07:29 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Khi ngã bệnh và điều trị với chi phí quá lớn, vợ chồng anh Cường mới thấy tấm thẻ BHYT thật quý giá. Thậm chí, việc tham gia BHYT chưa đủ 5 năm liên tục còn khiến họ tiếc nuối…
Chuyện nhà anh Cường
Anh Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1976, trú quận Bình Tân, TP.HCM) được bà con trong khu phố yêu mến bởi luôn chí thú làm ăn. Rời Quảng Nam vào TP.HCM mưu sinh với 2 bàn tay trắng, anh Cường gặp chị Ngọc cũng là đồng hương, rồi đến với nhau hồi năm 2002 bằng trái tim và tinh thần lập nghiệp cháy bỏng. Với tay nghề làm mộc khéo léo, anh Cường vất vả làm lụng, rồi hùn vốn cùng bạn bè gầy dựng được xưởng mộc, còn chị Ngọc tranh thủ buôn bán kiếm thêm lo cho mái ấm gia đình…
Nhờ BHYT, nhiều người khó khăn đã được hỗ trợ kịp thời
Những tưởng cuộc đời êm đềm mãi, nào ngờ hồi cuối năm 2018, anh Cường bất ngờ đổ bệnh. Các bác sĩ xác định anh mắc bệnh bạch cầu dạng tủy cấp với nhiều bệnh lý nền và không ít bệnh cơ hội kéo theo. May cho anh Cường, sau một năm điều trị, anh đã hồi phục. Dù sụt mất 20kg nhưng hiện anh đã có thể đến xưởng mộc để hướng dẫn chuyên môn cho anh em.
“Cứ tưởng tiêu đời rồi, còn sống là may lắm. Có điều, mình còn điều trị dài hơn nữa, còn tốn kém nữa, người thân cũng còn cực với mình nhiều lắm…”- anh Cường chia sẻ. Theo lời chị Ngọc, đến 25/12/2019 là tròn một năm ngày anh Cường ngã bệnh. “Tính tổng chi phí y tế và phát sinh trong quá trình điều trị cả năm trên 600 triệu đồng. Đó là nhờ có tham gia BHYT hộ gia đình nên chỉ đồng chi trả 20% thôi, chứ không tham gia BHYT chắc em phải bán nhà để lo cho anh ấy mất…”- chị Ngọc kể.
Nói về việc tham gia BHYT, chị Ngọc tỏ vẻ tiếc nuối: “Hai đứa nhỏ, một đứa học lớp 9, một đứa học lớp 2 thì có thẻ BHYT ở trường rồi nên chỉ có em với anh Cường tham gia BHYT hộ gia đình. Hồi thanh toán chi phí lần đầu tiên ở BV, nghe mấy người làm thủ tục nói nếu em tham gia sớm hơn để đủ 5 năm thì không phải lo khoản đồng chi trả. Giờ ngồi nghĩ lại thấy tiếc thật, vì thẻ BHYT của em với anh Cường mới hơn 3 năm thôi. Nhưng mà nói đi cũng phải nói lại, dù đồng chi trả một khoản tiền cũng không nhỏ, nhưng nếu hồi đó em không sáng suốt tham gia BHYT thì giờ này đã mất luôn căn nhà, tương lai tụi nhỏ cũng mờ mịt luôn…”- chị Ngọc trải lòng.
Riêng với anh Cường, lại sức một tí là anh lao ra xưởng ngay. “Hồi đó mình làm 10 phần, giờ còn chừng 3-4 phần nên phải tranh thủ. Dù không còn đầy đủ sức khỏe như trước nhưng an ủi một điều là mình vẫn còn mạng sống để là trụ cột tinh thần trong nhà, tụi nhỏ còn cha… Mà nhắc đến vụ này là phải cảm ơn BHYT rồi, thiếu tấm thẻ BHYT thì mình không mồ xanh cỏ, thì cả nhà cũng phải quay trở lại gần 20 năm trước sống đời phòng trọ”- anh Cường tâm tình.
Trong một lần nói về Luật BHYT, bà Nguyễn Kim Phương- chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã lưu ý rằng, tên gọi BHYT là cách nói ngắn gọn, cho thuận tiện, thực ra tên đầy đủ phải là “BHYT xã hội”. Theo bà Phương, 2 chữ “xã hội” gắn liền với BHYT mới thể hiện đầy đủ và trực quan sinh động ý nghĩa của sự sẻ chia.
Trong trường hợp anh Cường, sự sẻ chia thấy rất rõ. Với số tiền đóng BHYT gần 800.000 đồng/năm, nhưng quỹ BHYT đã chi trả cho toàn bộ quá trình điều trị của anh đến gần 1 tỉ đồng. Số tiền ấy chính là từ những người tham gia BHYT nhưng may mắn hơn là vẫn còn khỏe mạnh. Họ cũng chính là các em HSSV, những công nhân đang tuổi xuân thì, hay những thanh niên nam nữ tràn đầy sinh lực trong xã hội… Những người trẻ khỏe này nếu không tham gia BHYT thì quỹ BHYT sao có thể hình thành để lúc gặp rủi ro như anh Cường mới có cơ hội được cứu sống, bảo toàn tính mạng?
Anh Cường chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp có chi phí điều trị lớn và được quỹ BHYT chi trả. Thời gian gần đây, nhiều cơ quan truyền thông đã viết về trường hợp bệnh nhân P.H.N (sinh năm 1984, trú tỉnh Vĩnh Long) đã được quỹ BHYT chi trả gần 13 tỉ đồng chi phí KCB trong giai đoạn 2017-2019. Bệnh nhân N. mắc bệnh thiếu yếu tố VIII di truyền và được điều trị tại TP.HCM- đây là bệnh khó chữa và có chi phí tiền thuốc khá cao, nếu không duy trì liệu trình điều trị thì bệnh nhân khó bảo toàn tính mạng. Thế mới thấy, sự sẻ chia của BHYT mang ý nghĩa hết sức to lớn!
Trong dịp cuối năm vừa qua, truyền thông cũng đồng loạt đưa tin hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đang áp giá dịch vụ y tế mới ngoài danh mục BHYT chi trả. Tại TP.HCM và những đô thị lớn, giá viện phí đối với người chưa tham gia BHYT tăng “kịch trần” theo khung giá của Bộ Y tế ban hành. Vậy nên, với những người chưa tham gia BHYT, chắc chắn phải cân nhắc để tránh tình trạng “trở tay không kịp”. Mới đây, trên chuyến xe từ Cà Mau về TP.HCM, một phụ nữ ngoài 50 tuổi quê huyện Năm Căn lên thăm người thân nằm viện, kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện. Theo chị, hàng ngàn người ở Cà Mau vì nuôi tôm công nghiệp thất bát phải bỏ quê đến Bình Dương làm công nhân. “Riết rồi ở Cà Mau người ta kháo nhau rằng, cứ ghét người nào thì bảo họ đi nuôi tôm là xong”- người phụ nữ cay đắng chia sẻ. Với các biến động viện phí trong thời gian qua, chúng tôi bỗng giật mình khi ai đó nói ngang: “Nếu ghét ai đó thì mới bảo họ… đừng tham gia BHYT!”.
Đỗ Bá
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02
Tọa đàm, Sinh hoạt ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3
Thăm, chúc Tết gia đình chính sách
Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021