Hướng dẫn tiếp nhận, lập hồ sơ kiến nghị khởi tố vi phạm pháp luật BHXH, BHYT

05/02/2020 03:42 PM


(baobaohiemxahoi.vn) BHXH Việt Nam vừa có Công văn số 239/BHXH-PC gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn về việc tiếp nhận, xử lý thông tin; lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với những hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT theo quy định tại Điều 214, Điều 215, Điều 216 Bộ luật Hình sự.

      Theo đó, BHXH các tỉnh và BHXH các huyện tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm qua hoạt động phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của các cá nhân, tổ chức; công tác rà soát, hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện giải quyết hoặc chi trả chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT của cơ quan BHXH; thông tin từ các cơ quan nhà nước có liên quan trong quá trình phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu; các kênh tiếp nhận thông tin khác theo quy định của pháp luật.

      Sau khi tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, BHXH các địa phương phải ghi vào sổ tiếp nhận đầy đủ thông tin tố giác, kèm tài liệu, chứng cứ (nếu có). Trường hợp cá nhân, tổ chức trực tiếp đến phản ánh, kiến nghị thì phải ghi vào sổ tiếp nhận và lập biên bản.

      Các thông tin, tài liệu, chứng cứ sau khi được tiếp nhận được chuyển đến Phòng Thanh tra-Kiểm tra (thuộc BHXH tỉnh); bộ phận đầu mối (thuộc BHXH huyện). Các đầu mối này chủ trì, phối hợp với các phòng/bộ phận nghiệp vụ liên quan theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện phân loại, xử lý thông tin, đối chiếu với hồ sơ, dữ liệu thu/giải quyết/chi trả hiện đang quản lý; tham mưu cho Giám đốc hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra, xác minh thông tin theo quy định để có kết luận cụ thể về hành vi vi phạm, làm căn cứ kiến nghị khởi tố vụ án; lập hồ sơ kiến nghị khởi tố, gửi đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo hướng dẫn tại công văn này.

      Đối với vụ việc vi phạm có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nếu xét thấy cần thiết thì trước khi chính thức kiến nghị khởi tố, cơ quan BHXH tổ chức họp liên ngành (gồm BHXH, cơ quan CSĐT, Viện KSND cùng cấp và các cơ quan liên quan) để phân tích, đánh giá tính chất, mức độ trên cơ sở những tài liệu đã thu thập được. Trường hợp liên ngành thống nhất xác định vụ việc đã rõ dấu hiệu tội phạm, cơ quan BHXH có văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền kèm theo hồ sơ, tài liệu có liên quan để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự.

      Sau tiếp nhận, BHXH cấp tỉnh, hoặc BHXH cấp huyện lập hồ sơ kiến nghị khởi tố gồm các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ liên quan (có thể là bản photo, bản chính hoặc bản sao hợp pháp) hoặc bản chuyển đổi từ tài liệu, dữ liệu điện tử bảo đảm tính pháp lý theo quy định. Hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 214, Điều 215 gồm: Văn bản kiến nghị khởi tố vụ án của cơ quan BHXH cấp tỉnh/huyện; hồ sơ giải quyết/chi trả các chế độ thể hiện hành vi gian lận chiếm đoạt tiền BHXH, BH thất nhiệp, BHYT từ 10 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng trở lên); các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ liên quan để chứng minh hành vi gian lận chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hoặc gây thiệt hại; biên bản, kết luận kiểm tra, xác minh và các tài liệu, chứng cứ khác (nếu có)…

      Riêng đối với Điều 216, cần kèm theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được lập đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định (được thực hiện từ ngày 1/1/2018 trở đi), kèm theo các giấy tờ như: Quyết định thanh tra; biên bản làm việc, tài liệu xác minh sự việc; biên bản vi phạm hành chính; kết luận thanh tra-kiểm tra. Tài liệu chứng minh hành vi trốn đóng với thời gian từ đủ 6 tháng trở lên và thỏa mãn một trong hai dấu hiệu sau: Số tiền trốn đóng từ 50 triệu đồng trở lên hoặc trốn đóng từ 10 người trở lên (tính từ 1/1/2018 trở đi)…

      Cũng theo hướng dẫn, căn cứ quy định của pháp luật, mức độ và tính chất vi phạm, tình hình thực tế, khi nhận thấy hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các Điều 214, Điều 215, Điều 216 của Bộ luật Hình sự, Giám đốc BHXH cấp tỉnh hoặc BHXH cấp huyện theo phân cấp quản lý và thẩm quyền, quyết định việc gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố hình sự; gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tiếp đến cơ quan điều tra cấp tỉnh/huyện theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC; đồng thời gửi Viện KSND cùng cấp văn bản kiến nghị khởi tố (tại phần nơi nhận để biết).

      Công văn cũng nêu rõ, Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam) chủ trì tham mưu, hướng dẫn các đơn vị thuộc hệ thống BHXH Việt Nam trong công tác kiến nghị khởi tố, tham gia tố tụng; tổng hợp chung tình hình thực hiện kiến nghị khởi tố của các địa phương, báo cáo Tổng Giám đốc theo quy định.

      Ban Thực hiện chính sách BHXH, Ban Thực hiện chính sách BHYT, Ban Thu, Vụ Thanh tra-Kiểm tra và các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố giải quyết vướng mắc khi phát sinh các nội dung liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ do các đơn vị phụ trách trong quá trình kiến nghị khởi tố.

       BHXH cấp tỉnh và cấp huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến để cá nhân, tổ chức trên địa bàn hiểu rõ, đầy đủ các quy định về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và các nội dung liên quan đến tội danh trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định tại Điều 214, Điều 215, Điều 216 của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP. Thiết lập Phòng/Bộ phận đầu mối; chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra cấp tỉnh/huyện và nhận thông báo kết quả tiếp nhận, giải quyết kiến nghị khởi tố bảo đảm thủ tục, hồ sơ theo đúng quy định. Đại diện tham gia tố tụng hoặc cử người được ủy quyền tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án; quản lý, lưu trữ hồ sơ kiến nghị khởi tố theo quy định...

VT (Báo BHXH online)

  • Lượt truy cập:
  • Tháng này:
  • Hôm nay:
  • Đang trực tuyến: 1