Thực trạng cấp và sử dụng thẻ BHYT Trẻ em dưới 6 tuổi

15/06/2020 03:55 PM


Từ đầu năm đến nay, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bình Thuận đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp để triển khai kết nối, liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em từ dưới 6 tuổi theo quy định. Tính đến ngày 10/6/2020, đã có 124/124 xã, phường, thị trấn kết nối liên thông dữ liệu khai sinh với Bộ Tư pháp và toàn tỉnh đã cấp thẻ 5.425 thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, việc sử dụng thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh (KCB) cho trẻ dưới 6 tuổi chưa thật sự có hiệu quả, một số trẻ em đã được cấp thẻ BHYT nhưng cha mẹ các bé vẫn không sử dụng thẻ BHYT để đi KCB cho con mình mà sử dụng giấy tờ khác như giấy khai sinh, giấy chứng sinh…

Khám chữa bệnh cho trẻ em tại cơ sở KCB.

Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có hơn 48.536 lượt trẻ em dưới 6 tuổi KCB bằng thẻ BHYT, với tổng chi phí hơn 12,6 tỷ đồng; đồng thời cũng có hơn 1.460 lượt trẻ em dưới 6 tuổi KCB bằng giấy tờ khác (chưa có thẻ BHYT) với tổng chi phí hơn 2 tỷ đồng. Nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn còn dùng giấy khai sinh đi KCB. Cũng chính vì dùng giấy khai sinh khi đi KCB nên không ít phụ huynh có con nhỏ, bệnh nặng hay bệnh nhẹ đều đến bệnh viện tuyến tỉnh. Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh phải gánh hàng nghìn trường hợp KCB vượt tuyến, trái tuyến. Nhiều trường hợp bệnh thông thường, chỉ cần điều trị tại tuyến cơ sở nhưng gia đình vẫn đưa bé đến bệnh viện tuyến trên. Điều này gây tốn kém cho gia đình và quá tải cho bệnh viện tuyến trên.  

Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định: Trẻ em dưới 6 tuổi đến khám bệnh, chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định… Chính điều này khiến nhiều bậc phụ huynh tỏ ra không quan tâm tới thẻ BHYT cho con mình, không ít cha mẹ do chưa nhận thức được ý nghĩa của việc có thẻ BHYT nên không quan tâm làm thủ tục để trẻ được cấp thẻ BHYT. Bên cạnh đó, do một số cán bộ tư pháp UBND xã, phường, thị trấn lập hồ sơ cấp thẻ BHYT chưa kịp thời nên dẫn đến việc đối với trẻ em dưới 6 tuổi sử dụng giấy tờ khác để đi KCB

Với quy định sử dụng giấy khai sinh thay thế thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi vô tình đã tạo tâm lý thờ ơ, khiến nhiều người bỏ quên chiếc thẻ BHYT của con mình. Có thẻ BHYT cũng được mà không cũng chẳng sao, thậm chí nhiều cha mẹ trẻ được cấp thẻ BHYT rồi nhưng khi đưa con đi KCB vẫn không mang theo mà sử dụng bằng giấy khai sinh để không phải cùng chi trả phần trăm do vượt tuyến. Hiện nay, BHXH tỉnh Bình Thuận đang triển khai thực hiện liên thông cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi trên toàn tỉnh qua Hệ thống phần mềm đăng ký khai sinh điện tử của Bộ Tư pháp, việc liên thông là khi thực hiện cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi trên hệ thống đăng ký khai sinh điện tử của Bộ Tư pháp, UBND cấp xã chuyển ngay đến các cơ quan liên quan (Bộ Tư Pháp, BHXH Việt Nam, Trung tâm dịch vụ hành chính công trực tuyến của tỉnh). Sau đó, BHXH Việt Nam sẽ cấp mã số BHXH tự động chuyển về cho BHXH tỉnh làm thủ tục cấp thẻ (địa phương không phải lập thủ tục đề nghị và chờ BHXH Việt Nam cấp mã số BHXH như trước khi thực hiện phần mềm này). Kết quả, thẻ được chuyển về UBND cấp xã để cấp cho người dân qua dịch vụ công bưu điện. Điều này giúp thông tin đi nhanh, đồng bộ giữa các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương.

Việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi hiện nay được thực hiện rất nhanh chóng và thuận tiện. Như thế, trách nhiệm đầu tiên để trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT là thuộc về cha mẹ của trẻ, phải đăng ký để trẻ em được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội từ khi trẻ mới lọt lòng. Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, nhằm đảm bảo quyền lợi cho trẻ khi đi KCB, cũng như tạo sự chủ động cho các cơ sở y tế tiếp nhận KCB cho trẻ em./.

Đặng Minh Thông

  • Lượt truy cập:
  • Tháng này:
  • Hôm nay:
  • Đang trực tuyến: 1