Hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT chăm sóc sức khỏe toàn dân

23/06/2020 09:39 AM


Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách quan trọng trong hệ thống An sinh xã hội được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, được triển khai sâu rộng trên phạm vi cả nước. Với mức đóng không cao nhưng khi không may ốm đau, bệnh tật người tham gia BHYT sẽ được khám, chữa bệnh (KCB) chu đáo, không phân biệt giàu nghèo. Tuy nhiện, hiện nay đa phần người tham gia BHYT thuộc diện đối tượng chính sách; cán bộ hưu trí; công chức, viên chức, người lao động tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị; học sinh, sinh viên; người thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo; trẻ em dưới 6 tuổi. Riêng các hộ gia đình, lao động làm nghề tự do, buôn bán nhỏ, làm nông, ngư, lâm, diêm nghiệp tham gia BHYT hộ gia đình không nhiều, trong khi đây là đối tượng chiếm số đông ở cộng đồng và cần được vận động tham gia BHYT.

Ngày 14/11/2008, tại kỳ họp Quốc hội khóa XII, Luật bảo hiểm y tế được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2009. Đây chính là đánh dấu sự kiện Luật bảo hiểm y tế (BHYT) đầu tiên của nước ta và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg lấy ngày 01/7 hàng năm là Ngày BHYT Việt Nam. Ngày BHYT Việt Nam như một điểm nhấn quan trọng, đề cao giá trị nhân văn, mang ý nghĩa nhân đạo, tính cộng đồng của chính sách BHYT, phù hợp với đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.  Ngay từ năm 1992, Điều 39, Hiến pháp nước ta đã quy định “…thực hiện bảo hiểm y tế, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe”.

Chính sách BHYT đã triển khai hơn 28 năm, trong đó hơn 11 năm thực hiện Luật BHYT, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó là nhận thức của các tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của các cấp, các ngành về thực hiện chính sách BHYT ngày càng được nâng lên. Tổ chức thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét. Việc mở rộng các nhóm đối tượng cơ bản đã được thực hiện theo đúng lộ trình của luật.

Tính đến 31/5/2020, Bình Thuận đã có 984.679 người tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ 85,1% dân số toàn tỉnh. Mạng lưới khám, chữa bệnh (KCB) BHYT được mở rộng, chất lượng KCB và sự hài lòng của người dân có thẻ BHYT khi đi KCB từng bước được nâng lên. Người dân đã được tiếp cận và chăm sóc sức khỏe từ nguồn quỹ BHYT ngay tại cộng đồng dân cư và nhiều dịch vụ y tế hiện đại. 

Khám chữa bệnh tại một cơ sở y tế

Công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện Luật BHYT có những chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo và có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT đã trở thành một trong các giải pháp để hoàn thành các tiêu chí xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Đồng thời qua thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Đặc biệt, chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia BHYT được đưa vào hệ thống chỉ tiêu kinh tế, xã hội của nhiều địa phương.  

Kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Thực hiện nghiêm Luật BHYT hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”. Để thực hiện tốt chủ đề này, trách nhiệm không chỉ riêng ngành BHXH mà rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với những giải pháp cụ thể.

Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến chính sách BHYT, tích cực triển khai thực hiện "Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2020" của tỉnh Bình Thuận; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT, nhất là Luật BHYT sửa đổi, bổ sung tới các nhóm đối tượng, nâng cao nhận thức nhân dân về trách nhiệm và quyền lợi trong thực hiện chính sách BHYT góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo động lực thúc đẩy toàn dân tích cực tham gia; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng KCB BHYT, cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán KCB BHYT, quản lý và sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả; tăng cường sự phối hợp liên ngành, sự phối hợp giữa Sở Y tế và BHXH tỉnh, giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB; Nâng cao năng lực hệ thống quản lý nhà nước về BHYT từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn; Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB BHYT để tăng cường công tác quản lý và kiểm soát chi phí; Triển khai mạnh mẽ các giải pháp để mở rộng đối tượng, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, tập trung quyết liệt vào các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT thấp và lao động các khối doanh nghiệp, đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình. Quan tâm tới tổ chức và hoạt động của đại lý thu BHYT tại các xã, phường, thị trấn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân được tiếp cận thông tin và tham gia BHYT; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật BHYT, quy chế chuyên môn khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí KCB tại các cơ sở KCB.  Đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đóng và hưởng BHYT, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về BHYT. 

Đặng Minh Thông

  • Lượt truy cập:
  • Tháng này:
  • Hôm nay:
  • Đang trực tuyến: 1