Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đảm bảo quyền lợi người tham gia

26/08/2020 09:31 AM


Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến y tế cơ sở, là mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cơ sở, tạo thuận lợi cho nhân dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, nhanh nhất và thuận tiện nhất, giảm chi phí không cần thiết, thực hành tiết kiệm, tập trung nguồn lực đầu tư, sử dụng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người tham gia BHYT nói riêng và người dân nói chung.

Cùng với quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT giai đoạn 2012-2015 và 2020; Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 2332/QĐ- UBND của UBND tỉnh Bình Thuận về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHYT được BHXH Bình Thuận đẩy mạnh cùng với vai trò thiết thực của chính sách BHYT trong đời sống đã giúp người dân nhận thức đầy đủ hơn về bản chất nhân văn của chính sách BHYT từ đó chủ động tham gia như một biện pháp hữu hiệu để chăm lo sức khỏe cho cá nhân cũng như các thành viên trong hộ gia đình.

BHXH tỉnh Bình Thuận đang đẩy mạnh cải cách và đổi mới phương thức giám sát việc tăng cường dịch vụ y tế tới gần dân, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT ngay từ tuyến y tế cơ sở. BHXH tỉnh thường xuyên phối hợp với Sở Y tế triển khai việc KCB BHYT từ tuyến cơ sở, luôn đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, phấn đấu 100% số trạm y tế xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh có tổ chức KCB cho người tham gia BHYT, đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chánh trong việc KCB BHYT và thanh toán chi phí KCB BHYT. Cơ quan BHXH phân công giám định viên thường trực tại các cơ sở KCB BHYT để phối hợp với cơ sở KCB giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi người bệnh đi KCB BHYT, luôn đảm bảo quyền lợi cho người tham gia; BHXH tỉnh cử cán bộ tham gia vào Hội đồng đấu thầu thuốc của Sở Y tế để đúc kết rút kinh nghiệm từ thực tiễn và đề xuất, kiến nghị triển khai thực hiện đề án đấu thầu tập trung nhằm mục đích tăng cường khả năng quản lý, kiểm soát chi phí thuốc, vật tư y tế theo định hướng hợp lý, an toàn, hiệu quả...

Chính sách BHYT được thực hiện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Hơn 25 năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân đã được cải thiện. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao đời sống nhân dân, trong đó chăm sóc sức khỏe cho người lao động, cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước và mọi thành phần xã hội là một nhu cầu không thể thiếu. Chính vì vậy, BHXH tỉnh cũng như ngành Y tế và các cấp, ngành liên quan phải luôn tìm giải pháp và hướng đi đúng đắn nhằm nâng cao hơn nữa công tác KCB cho nhân dân, những đối tượng tham gia BHYT.

Những năm qua, việc KCB cho bệnh nhân có thẻ BHYT ở Bình Thuận ngày càng khởi sắc, được người dân tin tưởng. Quyền lợi BHYT của người dân ngày càng được mở rộng và nâng cao, giúp người dân thấy được vai trò thiết thực của chính sách BHYT với an sinh của bản thân, gia đình và xã hội. Năm 2018, Bình Thuận có hơn 2,1 triệu lượt người KCB bằng thẻ BHYT từ tuyến xã, phường, thị trấn đến tuyến trung ương với tổng chi phí hơn 657,2 tỷ đồng; năm 2019 có hơn 2,2 triêu lượt người KCB với chi phí hơn 710,6 tỷ đồng và 07 tháng đầu năm 2020 đã có hơn 1,2 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT với chi phí hơn 370,2 tỷ đồng, lượt KCB tăng, chi phí cho KCB cũng tăng. Do sự phát triển kinh tế - xã hội, cơ chế quản lý tài chính hiện hành, nhu cầu sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao của người bệnh...Ngoài ra khi thực hiện KCB theo BHYT, tại các cơ sở y tế số lượng bệnh nhân đến KCB ngày một đông, các bệnh như tiểu đường, tăng huyết áp, máu nhiễm mỡ... ngày càng nhiều, các bệnh nhân thuộc đối tượng hưu trí, người lớn tuổi mắc các bệnh mãn tính đến khám với tỷ lệ ngày càng cao.  

Để đáp ứng được nhu cầu KCB cho người tham gia BHYT, ngành Y tế cần tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo các cơ sở KCB giám sát chuyên môn, nghiệp vụ định kỳ, đột xuất để phát hiện và điều chỉnh kịp thời những vi phạm về quy chế chuyên môn tại khoa, phòng, bệnh viện. Giám đốc các cơ sở KCB chỉ đạo nâng cao chất lượng chăm sóc toàn diện người bệnh, chú trọng thái độ ứng xữ của nhân viên y tế với người bệnh, đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại để bảo đảm chẩn đoán, điều trị tại cơ sở KCB, hạn chế việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ của ba thành phần: Cơ quan BHXH, cơ sở khám chữa bệnh BHYT và người bệnh có thẻ BHYT, có như thế mới cải thiện được chất lượng, nâng cao hiệu quả KCB cho người tham gia BHYT.

Đặng Minh Thông

  • Lượt truy cập:
  • Tháng này:
  • Hôm nay:
  • Đang trực tuyến: 1