Giải bài toán quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

31/08/2020 09:53 AM


Tỉnh Bình Thuận hiện có 8 bệnh viện (BV) tuyến tỉnh (trong đó có 01 BV tư nhân), 01 BV tư nhân tuyến huyện, 10 Trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện 12 phòng khám (PK) đa khoa (02 PK tư nhân) và 98 trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện chức năng khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT). Song nhiều cơ sở y tế đang quá tải bệnh nhân, làm ảnh hưởng đến chất lượng KCB.

Hiện nay, trang thiết bị y tế của các bệnh viện, các Trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được đầu tư ngày càng đồng bộ và hiện đại, đã tạo điều kiện cho người dân được chăm sóc sức khỏe ngày một tốt hơn. Thế nhưng, có một thực tế là, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ngày càng tăng cao đã gây áp lực không nhỏ lên các bệnh viện, các TTYT. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, trung bình mỗi năm có hơn 2,2 triệu lượt người KCB BHYT tại các cơ sở y tế trên địa bàn, công suất sử dụng giường bệnh có nơi vượt trên 130% giường kế hoạch, số lượt khám bệnh vượt 65 người/ bàn khám/1 ngày. Sự quá tải ở các bệnh viện, các TTYT gây rất nhiều khó khăn cho cả bệnh nhân và người thân của họ.

BS. Trần Quốc Hùng - Phó Giám đốc phụ trách TTYT thành phố Phan Thiết cho biết, hiện tại, TTYT Thành phố bố trí 13 bàn khám bệnh và đã phải tận dụng hết tất cả bác sĩ để thực hiện KCB. Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn luôn xảy ra đặc biệt là ở những bàn khám nội khoa với các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường... Trung bình mỗi ngày, TTYT này tiếp nhận khám từ 900 đến 1.000 lượt, các bàn khám nội khoa luôn vượt quá quy định theo Thông tư 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế (65 người/bàn/ngày). Cũng theo BS. Hùng, nếu nói một cách lạc quan thì tình trạng quá tải thể hiện nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe được nâng lên, TTYT bảo đảm được công tác KCB, phục vụ tốt người bệnh nói chung và đối tượng tham gia BHYT nói riêng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài 91.477 thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại TTYT thì chính sách thông tuyến KCB BHYT cũng góp phần tạo nên tình trạng quá tải cho TTYT. Bởi một số đối tượng đăng ký KCB ban đầu tuyến xã của các huyện lân cận như Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc cũng thường tập trung về TTYT TP.Phan Thiết để khám bệnh.

Hiện nay, cơ sở vật chất và nhân lực của một số cơ sở y tế còn thiếu, số giường bệnh tăng chậm so với tốc độ gia tăng dân số. Trong khi đó, mô hình bệnh tật thay đổi, xã hội ngày càng phát triển, nhận thức và sự tiếp cận thông tin về sức khỏe của người dân ngày càng cao, nhu cầu tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngày càng tăng… đã khiến người bệnh và gia đình họ luôn có xu hướng muốn được điều trị tại các bệnh viện tuyến trên,  những nơi có điều kiện trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề cao. Trong khi đó, trang thiết bị của y tế tuyến xã chưa đáp ứng được nhu cầu KCB nên tâm lý người bệnh hầu hết đều muốn chuyển lên tuyến trên...

Để khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện, các TTYT,  nhiều năm qua ngành Y tế Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng KCB. Theo đó, các đơn vị đã bố trí sắp xếp lại quy trình KCB, sắp xếp lại các khoa phòng hợp lý, hạn chế bớt các phòng hành chính, phòng làm việc, mở rộng thêm bàn khám bệnh... Nhiều cơ sở y tế cũng đã thực hiện cải cách thủ tục hành chánh, giảm phiền hà cho người bệnh như: Áp dụng phát số khám tự động, ứng dụng khoa học công nghệ trong thanh toán viện phí. Bên cạnh đó, còn tiếp tục chủ động đầu tư mở rộng thêm cơ sở KCB, mở rộng quy mô cơ sở KCB. Đến nay, nhiều TTYT tuyến huyện đã được đầu tư xây mới như: TTYT huyện Hàm Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Tánh Linh, huyện Hàm Tân, huyện Phú Quý ... Ngoài ra, còn chú trọng thực hiện Đề án 1816 cử cán bộ chuyên môn luân phiên hỗ trợ tuyến dưới, góp phần nâng cao chất lượng KCB, giảm chuyển tuyến trên...

Tuy nhiên, những biện pháp giảm tải mà ngành Y tế Bình Thuận đang triển khai mới chỉ giải quyết được một phần bài toán quá tải bệnh nhân. Về lâu dài, để việc giảm tải đạt được hiệu quả, bền vững hơn, rất cần có những biện pháp khả thi và năng động hơn nữa. Trong đó, đặc biệt quan trọng là “chiến lược” nâng cao năng lực khám và điều trị của các cơ sở y tế tuyến dưới; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tâm lý và thói quen của người bệnh, tránh tình trạng cứ có bệnh thì phải lên Bệnh viện tuyến trên.

Nâng cao chất lượng đào tạo và chế độ, chính sách cho y, bác sĩ phục vụ tại cơ sở cũng là một giải pháp hữu hiệu. Bởi chính lực lượng này sẽ giúp tư vấn cho bệnh nhân đi đúng hướng, bệnh nào cần điều trị tại chỗ, bệnh nào phải chuyển lên tuyến trên… Song để làm được điều này, chỉ riêng ngành Y tế khó có thể thực hiện mà cần có sự chia sẻ trách nhiệm từ nhiều phía. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng Bệnh viện quá tải và đáp ứng được nhu cầu KCB BHYT ngày càng cao của nhân dân.

BS. Đặng Minh Thông

  • Lượt truy cập:
  • Tháng này:
  • Hôm nay:
  • Đang trực tuyến: 1