Triển khai Đề án 06: "Điểm sáng" trong chuyển đổi số quốc gia

29/12/2023 07:51 AM


Chiều 21/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Cùng tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Đại tướng Tô Lâm- Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06; lãnh đạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo một số DN nhà nước; thành viên tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đại diện một số DN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu trụ sở các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh- Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam. Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Đề án 06 có 7 quan điểm chỉ đạo lớn, với mục tiêu tổng quát ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; phục vụ phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là một Đề án có sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao, bởi vì chuyển đổi số là công việc rất khó khăn, chưa có tiền lệ, nếu không có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt thì khó có thể đạt được kết quả. “Có thể nói, một trong những “điểm sáng” của chuyển đổi số ở nước ta trong 2 năm qua là Đề án 06”- Thủ tướng nhận định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, 2 năm thực hiện Đề án 06 đã thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, DN đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; góp phần hạn chế tiêu cực, “tham nhũng vặt”; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, DN, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Tuy nhiên Thủ tướng cũng chỉ rõ, để hoàn thành các mục tiêu Đề án 06 đến năm 2025, phía trước còn rất nhiều việc phải làm; có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ, phải khẩn trương triển khai; có những việc nhìn thấy “nguy cơ” khó có thể hoàn thành nếu không chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, nhất quán, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng nhau thảo luận, phân tích, đánh giá thực chất tình hình, trung thực, khách quan, có minh chứng bằng số liệu cụ thể những kết quả đạt được trong 2 năm qua. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của đơn vị, địa phương mình. Cùng với đó thẳng thắn chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến; những vấn đề còn có khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và quá trình triển khai thực hiện và đề xuất các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, cũng như các quan điểm mới trong triển khai Đề án 06.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã báo cáo về công tác thực hiện đề án 06 thời gian qua trong đó nêu rõ, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện được tiến hành quyết liệt, thường xuyên, liên tục, bài bản với quyết tâm chính trị cao từ cấp Trung ương đến địa phương, đã ban hành 6 chỉ thị, 23 nghị quyết, 4 công điện với 413 nhiệm vụ; lãnh đạo Chính phủ đã họp giao ban 33 buổi. Nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng DN và người dân về thực hiện Đề án 06 ngày càng được nâng cao; đã đồng tình hưởng ứng và tham gia tích cực.

Đáng chú ý, triển khai dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và DN (đã có hơn 11,2 triệu tài khoản và hơn 35,4 triệu hồ sơ nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai 38/53 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm hằng năm trên 2,5 nghìn tỷ đồng).

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh-Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam

Về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đến nay, trong lĩnh vực an sinh xã hội đã có 51/63 tỉnh, thành phố thực hiện chi trả qua tài khoản cho 340.177 người với số tiền hơn 674,3 tỷ đồng; trong lĩnh vực BHXH đã có 64% số người hưởng các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản tại khu vực đô thị, tăng 3% so với năm 2022.

Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ giữa CSDL quốc gia, Căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử, BHXH đã xác thực sinh trắc học trên thẻ Căn cước công dân tại các cơ sở KCB, giảm quy trình 4 bước xuống còn 2 bước, thời gian trung bình xác thực là 6-13 giây, giúp cho người dân rtieets kiệm thời gian khi làm thủ tục; 100% cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc triển khai giải pháp KCB bằng thẻ Căn cước công dân gắn chip tích hợp thẻ BHYT.

Bên cạnh đó, các CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch, đất đai, tài chính, cán bộ, công chức, viên chức đang được hoàn thiện, kết nối, chia sẻ với CSDL quốc về dân cư. Tạo lập nền tảng, quan trọng để hình thành hệ sinh thái công dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, hoàn thành cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân; cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử.

Đẩy mạnh sử dụng nền tảng định danh điện tử (VneID), như đã tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, 16,8 triệu dữ liệu bảo hiểm y tế; làm thủ tục hàng không cho chuyến bay nội địa; khai báo lưu trú; giấy chứng nhận tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19; tích hợp thông tin cư trú của công dân…

Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân được được quan tâm, chú trọng, hiện có 63% hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước được phê duyệt cấp độ an toàn, tăng 32,5% so với năm 2022.

Tại Hội nghị, các địa phương, Bộ, ban, ngành cùng nhau thảo luận, nêu lên những tồn tại, hạn chế, đồng thời cùng tháo gỡ các vướng mắc “điểm nghẽn” liên quan đến pháp lý, triển khai các dịch vụ công thiết yếu; chia sẻ, cung cấp liên thông dữ liệu chuyên ngành; quản lý dữ liệu, an ninh an toàn… để người dân, DN thụ hưởng thành quả từ Đề án 06 nhiều hơn nữa.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá công tác chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện được tiến hành quyết liệt, thường xuyên, bài bản, với quyết tâm chính trị cao từ Trung ương đến địa phương. Nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng người dân và DN về Đề án 06 ngày càng được nâng cao, đề án nhận được ngày càng nhiều sự hưởng ứng và tham gia tích cực.

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tạo khuôn khổ cho chương trình Chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng được triển khai tích cực, hiệu quả. DVC trực tuyến, nền tảng thuộc CSDL quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân và DN. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư giữa các bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh.

Nền tảng quan trọng hình thành hệ sinh thái không gian số được tạo lập, qua đó phát triển kinh tế số-xã hội số. Bên cạnh đó, hoàn thành cấp 100% căn cước công dân gắn chip, trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu bảo mật dữ liệu cá nhân được quan tâm, chú trọng.

“Kết quả cho thấy việc triển khai Đề án 06 là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Chúng ta đã chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, mang lại kết quả cụ thể, thiết thực với từng bộ ngành, địa phương, người dân và DN, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững”- Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại trong công tác triển khai đề án như việc xây dựng pháp lý còn chậm; chất lượng DVC trực tuyến chưa cao; tỉ lệ số hoá hồ sơ còn thấp; công tác chỉ đạo, điều hành nhiều nơi chưa thật sự quyết liệt; việc phát triển hệ thống hạ tầng số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; công tác thông tin, truyền đến người dân còn hạn chế;...

Thủ tướng Chính phủ cũng gợi ý chọn chủ đề năm 2024 là “hoàn thiện thể chế, hạ tầng số hoá dữ liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh triển khai đề án 06, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp”. Đồng thời, nhấn mạnh kinh nghiệm nổi bật rút ra sau 2 năm thực hiện đề án gồm “tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm”; sự chủ động tích cực vào cuộc của các người đứng đứng đầu mang tính quyết định; sự kết hợp chặt chẽ giữa các địa phương, Bộ, ngành và người dân.

Hà Thủy

  • Lượt truy cập: 2644238
  • Tháng này: 4424
  • Hôm nay: 16
  • Đang trực tuyến: 136