Tăng cường các giải pháp để khắc phục việc chậm đóng BHXH của các doanh nghiệp

17/01/2024 07:56 AM


Chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài của các doanh nghiệp không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Các doanh nghiệp chế biển hải sản xuất khẩu gặp nhiều khó khăn

Năm 2023, cơ quan BHXH đã thực hiện quyết liệt triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm số tiền chậm đóng của các đơn vị, doanh nghiệp. Đến hết tháng 12/2023 số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, của các đơn vị, doanh nghiệp còn 134.707 triệu đồng (đạt tỷ lệ 3,79%, thấp hơn chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao 0,05%); số tiền chậm đóng phải tính lãi là 84.117 triệu đồng (đạt tỷ lệ 2,84%, thấp hơn chỉ tiêu giao 0,14%). Tuy nhiên, số tiền chậm đóng phải thu tăng 16.132 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2022, tương ứng tỷ lệ tăng 13,6%. Các đơn vị, địa phương có tỷ lệ tiền chậm đóng phải thu cao hơn chỉ tiêu giao như: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi.

Nguyên nhân số tiền chậm đóng của các đơn vị, doanh nghiệp còn ở mức cao chủ yếu là do: Các doanh nghiệp phục hồi chậm, nguồn lực tài chính ưu tiên phục hồi hoạt động sau đại dịch Covid còn hạn chế; tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn do thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng, để tiền chậm đóng kéo dài (chậm đóng kéo dài 87.361 triệu đồng, chiếm 64,52% tổng số tiền chậm đóng). Có nhiều doanh nghiệp chậm đóng với số tiền lớn và kéo dài nhiều tháng, nhiều năm; các đơn vị này đã được thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an… nhưng vẫn chưa khắc phục, (trong đó có 15 đơn vị chậm đóng từ 01 đến trên 9 tỷ đồng/đơn vị với tổng số tiền trên 65 tỷ đồng) đã ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người lao động, làm phát sinh khiếu nại, khiếu kiện và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương. Mặt khác, số tiền chậm đóng khó thu của các đơn vị, doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, mất tích hoặc ngừng hoạt động và tiền ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT chiếm 16,6% số tiền chậm đóng. Trong đó, ngân sách nhà nước chưa thanh toán số tiền đóng và hỗ trợ đóng BHYT các năm trước đây số tiền 6.493 triệu đồng; số tiền chậm đóng khó thu của các 365 đơn vị phá sản, giải thể, mất tích, ngừng hoạt động hơn 15.870 triệu đồng (bao gồm tiền lãi chậm đóng). Số tiền này khả năng thu hồi thấp do đến thời điểm hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn xử lý. Hơn nữa, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT còn thấp nên chưa đủ tính răn đe đối với các đơn vị có hành vi vi phạm…

Để khắc phục tình trạng nói trên, ngành BHXH đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, ngành hữu quan tăng cường biện pháp hậu kiểm, thanh tra chuyên ngành đột xuất đơn vị chậm đóng. Hàng tháng công khai trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách các đơn vị chậm đóng từ 03 tháng trở lên và công khai những đơn vị sau khi có kết luận thanh tra nhưng chưa khắc phục. Gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 49.403 lượt đơn vị. Tổ chức đôn đốc thu trực tiếp các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên tại 1.183 đơn vị; mời 292 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên làm việc trực tiếp… nên số tiền các đơn vị thu sau đôn đốc được trên 92.446 triệu đồng.

Năm 2024, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, để giảm tối đa số đơn vị và số tiền chậm đóng, ngành BHXH đã triển khai các giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện chính sách BHXH; triển khai thực hiện tốt Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hồ sơ, chế độ BHXH, BHYT, BHTN; cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động. Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Kế hoạch-Đầu tư để nắm bắt thông tin về số đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động; số đơn vị được thành lập mới hoặc giải thể, phá sản; số lao động; tiền lương… để đôn đốc, vận động đăng ký tham gia BHXH cho người lao động. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc đóng BHXH cho người lao động của các doanh nghiệp; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị có hành vi trốn đóng, đóng không đúng mức quy định, chậm đóng BHXH…nhằm giảm dần số đơn vị và số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị vào quỹ; bảo đảm quyền lợi của người lao động.

H. NHẬT

  • Lượt truy cập: 2641651
  • Tháng này: 4424
  • Hôm nay: 2498
  • Đang trực tuyến: 643