4.500 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia
01/03/2024 03:30 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thông tin tại Phiên họp thứ ba của Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ diễn ra vừa qua.
Báo cáo tại Phiên họp cho thấy, năm 2023, Tổ Công tác đã cơ bản hoàn thành 12/13 nhiệm vụ, Hội đồng Tư vấn hoàn thành 11/15 nhiệm vụ theo Kế hoạch hoạt động. Cũng theo báo cáo, việc đổi mới thực hiện, giải quyết TTHC được chú trọng, đến nay có hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến của bộ, ngành đạt 30,4%, tăng 1,4 lần so với năm 2022; địa phương đạt 37,4%, tăng 3,7 lần. Tỉ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC tại Bộ, ngành là 28,59%, tăng 11%, còn địa phương là 39,48%, tăng 31,44%.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: TTHC trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp. Một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện xử lý hồ sơ công việc toàn trình trên môi trường điện tử, vẫn còn tình trạng tiếp nhận hồ sơ điện tử nhưng quy trình xử lý bên trong lại bằng giấy, ảnh hưởng đến việc cung cấp kết quả điện tử và tái sử dụng dữ liệu đã có trong hệ thống thông tin giải quyết TTHC. TTHC nội bộ trong từng cơ quan chưa được cắt giảm, đơn giản hóa; một số thành viên chưa phát huy vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo đôn đốc các bộ, ngành, địa phương được phân công phụ trách triển khai các nhiệm vụ được giao.
Tại phiên họp, đại diện các hiệp hội DN trong và ngoài nước nêu một số bất cập, vướng mắc về thuế xuất nhập khẩu tại chỗ, bảo hiểm xã hội, lãi suất các khoản vay cũ, bảo vệ môi trường, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa...
Trên cơ sở kết quả phiên họp, ngày 28/2, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 71/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương và từng thành viên Tổ công tác, thành viên Hội đồng tư vấn phát huy vai trò, nêu cao tinh thần trách nhiệm tập trung triển khai các nhiệm vụ bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Các bộ, ngành, địa phương và thành viên Tổ Công tác duy trì việc trao đổi thông tin, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị giữa các thành viên Tổ công tác, các bộ, ngành, địa phương và các thành viên Hội đồng tư vấn. Tăng cường làm việc, đối thoại bằng hình thức phù hợp để lắng nghe, nhận diện rào cản về các thủ tục, cơ chế, chính sách, pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân để kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo tháo gỡ.
Khẩn trương nghiên cứu, trả lời bằng văn bản các phản ánh, kiến nghị của thành viên Hội đồng tư vấn, hoàn thành trong tháng 3/2024, đồng thời gửi Văn phòng Chính phủ- Cơ quan thường trực Tổ Công tác để theo dõi, đôn đốc.
Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong từng Bộ, ngành, địa phương và giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau. Thúc đẩy triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Từng thành viên Tổ Công tác tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách TTHC tại các Bộ, ngành, địa phương được phân công phụ trách; nghiên cứu giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử, năng lượng tái tạo… để thích ứng với xu thế hiện nay.
Các thành viên Hội đồng Tư vấn chủ động nắm bắt, cung cấp thông tin, tài liệu chi tiết, rõ ràng về các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, TTHC là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống của người dân, đồng thời sắp xếp thứ tự ưu tiên cần giải quyết và đề xuất giải pháp, báo cáo Tổ trưởng Tổ Công tác, đồng thời gửi Cơ quan thường trực Tổ Công tác- Văn phòng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ- Cơ quan thường trực Tổ Công tác và Hội đồng tư vấn theo dõi, đôn đốc việc triển khai của các bộ, ngành, địa phương và từng thành viên Tổ công tác, thành viên Hội đồng Tư vấn. Tổng hợp kết quả thực hiện, nhất là các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, kịp thời báo cáo Tổ trưởng Tổ Công tác để chỉ đạo tháo gỡ, thúc đẩy.
Năm 2024, Tổ Công tác và Hội đồng Tư vấn cần có một số chuyên đề thực tiễn cuộc sống và hoạt động kinh doanh đang đặt ra để xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ.
Hà Thủy
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02
Tọa đàm, Sinh hoạt ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3
Thăm, chúc Tết gia đình chính sách
Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021