Truyền thông chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đa dạng, thiết thực, hiệu quả.

15/03/2024 03:32 PM


Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, đem đến quyền lợi, sức khỏe, bảo đảm an toàn và chất lượng cuộc sống trọn đời của người tham gia, góp phần thực hiện công bằng xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Do đó, việc truyền thông về chính sách BHXH, BHYT luôn được BHXH tỉnh Bình Thuận chú trọng và đặc biệt quan tâm.

Công tác truyền thông được BHXH tỉnh Bình Thuận thực hiện thường xuyên, liên tục, có chương trình, kế hoạch cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng. Hình thức truyền thông đa dạng, thiết thực, nội dung truyền thông luôn tập trung vào phân tích ý nghĩa, tầm quan trọng, tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT, lợi ích của BHXH, BHYT đối với mỗi người dân cũng như toàn xã hội; về mức đóng, mức hưởng, phương thức tham gia, thủ tục tham gia BHXH, BHYT và làm rõ trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, trường học, doanh nghiệp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Truyền thông làm rõ sự cần thiết, ý nghĩa của việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT và sửa đổi Luật BHXH; những Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung nhất là những điểm mới về tăng thêm quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT.

Trong công tác truyền thông, BHXH tỉnh Bình Thuận luôn chú trọng đến những nhóm người chưa tham gia BHXH, BHYT, trong đó chủ yếu những người ở vùng nông thôn, lao động tự do, người lao động ở các khu vực ngoài nhà nước, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình;  học sinh, sinh viên; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn, thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn, thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 nhưng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì không thuộc nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng; các chủ sử dụng lao động, nhất là các chủ doanh nghiệp tư nhân…

Truyền thông về Luật BHYT sửa đổi, bổ sung quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật BHYT, để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện; quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi. Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở, người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 01 năm, đại diện hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đóng đủ số tiền thuộc trách nhiệm phải đóng vào quỹ BHYT; quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB) khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến; quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người tham gia BHYT đặc biệt là đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số, bảo trợ xã hội, thân nhân người có công với cách mạng, người dân đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, các xã đảo, huyện đảo...

Chú trọng đến điểm mới của Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, đã bổ sung thêm cũng như điều chỉnh quy định về một số đối tượng thuộc nhóm tham gia BHYT do ngân sách Nhà nước đóng bao gồm: Bổ sung mới người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3, Điều 12, Luật BHYT.  Sửa đổi quy định về 02 đối tượng: Người thuộc diện hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật và trợ giúp xã hội; Người thuộc hộ gia đình nghèo theo chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn nghèo áp dụng cho từng giai đoạn.

Truyền thông về chính sách BHXH tự nguyện luôn nhấn mạnh về quyền lợi được hưởng của người tham gia, cụ thể: Hưởng lương hưu hàng tháng, nhận trợ cấp một lần, trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất một lần và được cấp thẻ BHYT miễn phí khi nghỉ hưu để hưởng quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh BHYT…                   

Phương Danh

  • Lượt truy cập: 2630291
  • Tháng này: 4424
  • Hôm nay: 210
  • Đang trực tuyến: 1410