Vận động tiến tới BHYT toàn dân

02/05/2024 03:57 PM


Sau khi có Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư “ Về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 68-KH/TU, ngày 06/01/2010 và Chỉ thị số 49-CT/TU, ngày 11/3/2014 để chỉ đạo thực hiện CT 38-CT/TW

Bệnh viện khu vực La Gi chạy thận cho bệnh nhân BHYT

100% huyện, thị xã, thành phố đã đưa chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia BHYT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo nhiệm kỳ và hàng năm, gắn với thực hiện tiêu chí BHYT trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) phối hợp với các ngành chức năng và địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng nhanh số người tham gia BHYT; tăng tỷ lệ bao phủ BHYT hàng năm. Nếu năm 2014, toàn tỉnh vận động được 690.485 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 57,48% dân số, thì năm 2019 tăng lên 991.014 người tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ bao phủ 96,17% dân số; năm 2023, toàn tỉnh có 1.141.761 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ chiếm 92,28% dân số; năm 2024 phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT Chính phủ giao là 93,55% dân số.

Đạt được kết quả nói trên trước hết là do công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện đa dạng với nhiều loại hình. Ngoài tuyên truyền trên các kênh truyền thông, cơ quan BHXH các cấp tổ chức hơn 1.000 hội nghị tuyên truyền, đối thoại trực tiếp chính sách BHXH, BHYT cho hơn 25.500 lượt người tham dự; biên soạn, in ấn hơn 1,9 triệu ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp; tổ chức treo 6.320 pano, cờ phướn, băng rôn truyền thông; tổ chức hơn 350 cuộc tuyên truyền lưu động chính sách BHXH, BHYT tại các địa bàn, khu dân cư…Từ năm 2017 khi Hệ thống thông tin giám định BHYT được đưa vào sử dụng, cơ sở khám chữa bệnh (KCB) kết nối liên thông dữ liệu và gửi dữ liệu chi phí KCB BHYT điện tử đầy đủ giúp xác định kịp thời và chính xác số liệu cơ sở KCB đề nghị thanh toán làm cơ sở để BHXH tỉnh tổng hợp báo cáo BHXH Việt Nam thực hiện cấp kinh phí kịp thời và đúng quy định. Đến nay, tất cả cơ sở KCB BHYT đã kết nối, liên thông dữ liệu với hệ thống giám định BHYT của cơ quan BHXH để thực hiện giám định tự động trên phần mềm. Đây là một bước cải cách lớn trong quy trình tổ chức, triển khai việc thực hiện KCB BHYT. Cơ quan BHXH đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức thẩm định, đánh giá nguyên nhân vượt quỹ, vượt trần đối với các cơ sở KCB. Qua đó, phân tích xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan làm căn cứ để thanh quyết toán chi phí KCB BHYT cho cơ sở KCB. (bao gồm chi đăng ký ban đầu, chi đa tuyến đến nội tỉnh và chi đa tuyến đến ngoại tỉnh/đa tuyến đi ngoại tỉnh, chi chăm sóc sức khoẻ ban đầu, chi thanh toán trực tiếp). Nhờ vậy, quỹ BHYT nhìn chung được bảo toàn và cân đối trong cả giai đoạn 15 năm (Giai đoạn 2009 - 2014, chiếm tỷ lệ 89,9%; giai đoạn 2015 - 2019, chiếm tỷ lệ 102,3% và giai đoạn 2020 - 2024, chiếm tỷ lệ 93,3%). Ngành BHXH đã phối hợp với cơ quan thanh tra, tổ liên ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHYT để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi tiêu cực, gian lận, trục lợi BHYT. Mặt khác, tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu về chính sách khi tham gia BHYT. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính được quan tân thực hiện thường xuyên. Hầu hết các cơ sở y tế đã củng cố, sắp xếp lại các khoa, phòng, tăng cường nhân lực tại các khâu tiếp đón, khám bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, thu viện phí, cấp phát thuốc; công khai thời gian, quy trình khám bệnh, bảng giá viện phí. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong chi trả, giải quyết chế độ BHYT, trong KCB như: Việc dùng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID, VNelD, CCCD gắn chip…Công tác cải cách thủ tục hành chính đã giúp nâng cao chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đem lại niềm tin và sự hài lòng cho người tham gia BHYT.

Tuy nhiên việc phát triển số người tham gia BHYT vẫn còn những tồn tại, vướng mắc, đó là: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHYT. Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm và thiếu bền vững. Việc chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm pháp luật BHYT, nhất là tình trạng nợ tiền đóng BHYT; chưa có biện pháp xử lý triệt để tiền chậm đóng BHYT kéo dài...

Trong thời gian tới, để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về phát triển người tham gia BHYT và chỉ tiêu được Chính phủ giao theo từng năm, đảm bảo tỷ lệ bao phủ BHYT đến năm 2025 đạt trên 95%, hướng tới bao phủ BHYT toàn dân, cần tiếp tục quán triệt, triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị số 38-CT/TW “về đẩy
mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”. Giải quyết đầy đủ, kịp thời chính sách cho người tham gia BHYT; ngăn ngừa hành vi trục lợi BHYT; đẩy mạnh các giải pháp kiểm soát chặt chẽ quỹ KCB BHYT, đảm bảo an toàn nguồn quỹ KCB BHYT. 

L. THANH

  • Lượt truy cập: 2616044
  • Tháng này: 4424
  • Hôm nay: 777
  • Đang trực tuyến: 270