Cần đổi mới phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT

03/05/2024 02:22 PM


Thực hiện Nghị định số 46/2018/NĐ- CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế (BHYT) quy định việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) và cơ sở KCB theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ và thanh toán theo định suất. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chủ yếu áp dụng phương thức thanh toán chi phí theo giá dịch vụ.

ẢNH MINH HỌA

Nỗ lực hướng tới hiệu quả trong thực hiện chính sách BHYT, trong đó quan trọng nhất là cải cách phương thức thanh toán. Theo đánh giá, việc thực hiện thanh toán theo phí dịch vụ quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ bộc lộ những điểm còn hạn chế, đòi hỏi cần có sự thay đổi để đảm bảo có sự đồng thuận lớn giữa các bên trong thực hiện chính sách BHYT, đó là đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, hài hòa lợi ích của cơ sở cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh  cho người bệnh BHYT và sử dụng hiệu quả, an toàn nguồn quỹ khám, chữa bệnh  BHYT. Cần phải xem xét đổi mới phương thức thanh toán nhằm đảm bảo phát triển bền vững việc tham gia BHYT, trong đó có tăng cường phát triển y tế cơ sở và sử dụng hiệu quả nguồn lực y tế. Mục tiêu của chúng ta là đảm bảo chính sách BHYT thực hiện tốt vai trò cơ chế tài chính công căn bản trong hoạt động chăm sóc sức khỏe, là chìa khóa để đạt bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân theo các nguyên tắc: Tiếp cận công bằng, sử dụng nguồn lực hợp lý, bảo vệ tài chính cho người bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Tính ổn định là một trong các điểm mạnh của thực hiện chính sách BHYT, gói quyền lợi BHYT đầy đủ, tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT dễ dàng và tổng chi từ nguồn quỹ BHYT cho khám, chữa bệnh ngày càng tăng. Đáng chú ý, quỹ BHYT đang chi cho nhiều dịch vụ y tế như chăm sóc sức khỏe ban đầu, phẫu thuật, thủ thuật, sinh con, xét nghiệm,  chẩn đoán hình ảnh (MRI, PET-CT), khám bệnh, khám thai, giường bệnh, y học cổ truyền, phục hồi chức năng, vật tư y tế, thuốc, hoá chất điều trị...

Tuy nhiên, thực tế triển khai chính sách BHYT cũng cho thấy không ít khó khăn, đặc biệt là yêu cầu sử dụng hiệu quả nguồn quỹ BHYT. Nhiều chính sách hiện nay tạo ra hiệu ứng “khuyến khích tăng cung ứng dịch vụ y tế” như tự chủ tài chính Bệnh viện trong khi đang sử dụng phương thức thanh toán theo phí dịch vụ; xã hội hóa trang thiết bị y tế, liên doanh liên kết; quy định được thu thêm chênh lệch giá; chính sách thông tuyến huyện trên toàn quốc, thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh nội trú. Trong khi đó, chúng ta vẫn đang thiếu các “công cụ” kiểm soát chi phí như tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị chưa đầy đủ hoặc hướng dẫn theo hướng mở; chưa có tiêu chí nhập viện nội trú; không có cơ chế kiểm soát số lượng, chất lượng dịch vụ cung ứng… Đồng thời, cơ chế chính sách cũng chưa thực sự bảo vệ quyền lợi người tham gia BHYT như chưa có chế tài xử phạt đủ mạnh đối với trường hợp không đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế cho người bệnh BHYT. Chế tài xử phạt khi chỉ định dịch vụ y tế không hợp lý gây lãng phí nguồn lực y tế.

Những đánh giá ban đầu về tác động chính sách thông tuyến cho thấy sự gia tăng tiếp cận dịch vụ y tế tuyến huyện và điều trị nội trú ở tuyến tỉnh, nhưng cũng tăng nguy cơ cấp dịch vụ y tế chuyên khoa quá mức cần thiết. Sự gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT cũng tăng nhiều nhất trong những năm đầu thực hiện chính sách này, đồng thời tỷ lệ sử dụng dịch vụ y tế tư nhân đã tăng lên. Chính sách thông tuyến cũng cản trở việc triển khai cơ chế thanh toán theo định suất đối với dịch vụ ngoại trú thuộc phạm vi chăm sóc sức khỏe ban đầu…

Tính đến 31/12/2023, toàn tỉnh Bình Thuận đã có hơn 2,1 triệu lượt người đi KCB BHYT với số tiền được quỹ BHYT thanh toán hơn 1.289 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 2 triệu lượt người KCB BHYT tại tỉnh, với số tiền hơn 779,4 tỷ đồng và 184.381 lượt người đi KCB ngoại tỉnh với số tiền hơn 509,7 tỷ đồng. Năm 2023 vượt nguồn kinh phí là 101,7% so với dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT theo Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 20/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Bình Thuận là 762,2 tỷ đồng và bổ sung là 18,2 tỷ đồng, vượt 12,5 tỷ đồng.

Phương Danh

  • Lượt truy cập: 2615876
  • Tháng này: 4424
  • Hôm nay: 609
  • Đang trực tuyến: 48