Nhiều “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 được tháo gỡ kịp thời

10/06/2024 02:57 PM


Sáng 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết một năm tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.

Tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; lãnh đạo các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và trụ sở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh- Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của BHXH Việt Nam tham dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ; Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cùng thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 của BHXH Việt Nam tham dự tại điểm cầu trụ sở BHXH Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc triển khai Đề án 06 là một trong những “điểm sáng” của chuyển đổi số ở nước ta thời gian qua. Theo Thủ tướng, việc triển khai Đề án 06 đã mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cung cấp tiện ích cho người dân, DN. Đáng chú ý, Đề án 06 đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đổi mới phương thức quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, “ngủ quên trong chiến thắng”. “Cách đây một năm, trong quá trình triển khai Đề án 06, chúng ta đã nhận diện nhiều khó khăn, thách thức và “điểm nghẽn” cần phải tập trung tháo gỡ ngay, liên quan đến pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn, nguồn nhân lực”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ (tại văn bản số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023). Đồng thời, đã ban hành chỉ thị yêu cầu thực hiện đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu thuế, ngân hàng, viễn thông... để định danh, xác thực cá nhân, tổ chức trên môi trường điện tử; phòng ngừa hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới (Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023).

Cũng theo Thủ tướng, Hội nghị lần này sẽ tập trung sơ kết một năm triển khai tháo gỡ các “điểm nghẽn” của Đề án 06. Qua đó, góp phần đẩy mạnh cung cấp DVC trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch; hình thành hệ sinh thái công dân số và cung cấp nhiều tiện ích cho người dân; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp; cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững; phòng chống tiêu cực, gian lận thương mại và thất thoát thuế.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá một cách thẳng thắn, khách quan, nêu bật những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc; đặc biệt cần phát hiện được nguyên nhân, phân tích rõ các bất cập thì mới xây dựng được giải pháp để hóa giải khó khăn, thách thức, bất cập, từ đó chuyển đổi trạng thái nhanh. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của các cấp, ngành và địa phương trong triển khai Đề án 06 và Chỉ thị số 18; chỉ ra bài học kinh nghiệm, xác định rõ các quan điểm, phương hướng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong ngắn hạn và dài hạn; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ đạo mới, bài bản và hiệu quả, bền vững hơn nữa.

Tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Văn Long- Thứ trưởng Bộ Công an đã trình bày Báo cáo kết quả một năm triển khai Công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết các “điểm nghẽn” về Đề án 06. Theo đó, thời gian qua, Tổ công tác triển khai Đề án của Chính phủ phát huy vai trò thường trực, duy trì giao ban hằng tháng và trực tiếp làm việc với từng bộ, ngành để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu BHXH Việt Nam

Cụ thể, về cải cách TTHC, cung cấp DVC trực tuyến, đến nay đã đơn giản hóa 763/1.084 TTHC được giao tại 19 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ (đạt 70%), trong đó có 7/19 bộ, ngành đã thực hiện 100% phương án đơn giản hóa. Tỷ lệ công bố TTHC đúng hạn đạt cao nhất tại các bộ, ngành đạt 14,28%; tỷ lệ đồng bộ công bố, công khai quá trình giải quyết TTHC đạt 66%. Tại địa phương, tỷ lệ công bố TTHC đúng hạn đạt 75%, tỷ lệ đồng bộ công khai quá trình giải quyết TTHC đạt 43,25%.

Tính đến hết tháng 4/2024, Cổng DVC quốc gia đã cung cấp 4.510 DVC trực tuyến (chiếm 71,7% trong tổng số 6.287 TTHC), trong đó có 3.688 DVC trực tuyến toàn trình. Đến nay, đã có 15/22 bộ, ngành đã hoàn thành công bố danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện DVC trực tuyến toàn trình. Trong đó, riêng việc cung cấp 25 DVC thiết yếu theo Đề án số 06 đã giúp hằng năm tiết kiệm cho Nhà nước và xã hội gần 3.500 tỷ đồng.

Đối với 2 nhóm DVC trực tuyến liên thông “Đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” triển khai chính thức trên toàn quốc từ 10/7/2023, giúp cắt giảm từ 21 ngày xuống còn 4 ngày làm việc, người dân chỉ khai thông tin một lần để giải quyết 3 TTHC.

Cùng với đó, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ CCCD gắn chip và thu nhận trên 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,88 triệu tài khoản. Tích hợp, sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập Cổng DVC quốc gia và các ứng dụng của các bộ, ngành với trung bình khoảng 150.000 lượt đăng nhập/ngày từ đầu năm 2024 đến nay. Dự kiến tiết kiệm được 32 tỷ đồng mỗi tháng.

Về hạ tầng công nghệ, theo báo cáo của Bộ TT-TT, trên cơ sở kết quả rà soát của 55/63 địa phương và 17/30 bộ, ngành, trong đó có 100 hệ thống thông tin đã kết nối hoặc có nhu cầu kết nối CSDL quốc gia về dân cư, xác định có 79/100 hệ thống thông tin đáp ứng tất cả các tiêu chí an toàn, an ninh mạng (tương đương 79%); 82/100 hệ thống thông tin đã thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng.

Về dữ liệu, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 25,66%; của địa phương đạt 29,74%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các bộ, ngành đạt 25,68%, địa phương đạt 34,85%. Đến nay, đã có 18 bộ, ngành, 1 DNNN, 3 DN viễn thông và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; tỷ lệ tra cứu, xác thực, khai thác thông tin dân cư phục vụ giải quyết TTHC ngày càng tăng. Chỉ riêng trong tháng 4/2024, đã tiếp nhận 1,53 tỷ yêu cầu tra cứu thông tin…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cũng chỉ ra các nhóm vấn đề còn tồn tại, hạn chế với các “điểm nghẽn” về pháp lý, DVC trực tuyến, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn bảo mật; nguồn lực triển khai.

Tiếp đó, thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương đã có những ý kiến góp ý, đề xuất giải pháp để tháo gỡ vướng mắc cũng như tổ chức triển khai bảo đảm đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Đề án.

Hà Thủy

  • Lượt truy cập: 2584316
  • Tháng này: 4424
  • Hôm nay: 488
  • Đang trực tuyến: 2510