TTBC: Chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống của mỗi người dân
09/07/2024 02:17 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chính sách BHYT là một trong những trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội. Với ý nghĩa, giá trị nhân văn, thiết thực, chính sách BHYT đã ngày càng phát triển và hoàn thiện, tạo điều kiện cho mọi người dân, nhất là các nhóm người yếu thế đều được tiếp cận, tham gia và thụ hưởng các lợi ích, giá trị nhân văn, thiết thực của chính sách ưu việt này.
Chính sách BHYT ra đời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Theo đó, các quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển BHYT toàn dân được thể chế hóa và đi vào đời sống, hệ thống pháp luật về BHYT được thường xuyên sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, thống nhất phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đến nay, các địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT, trong đó đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban với sự tham gia của các sở, ban, ngành trên địa bàn. Hầu hết người dân, các doanh nghiệp đều thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách BHYT và xác định việc tham gia BHYT vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, góp phần tăng trưởng bền vững độ bao phủ BHYT.
Độ bao phủ BHYT phát triển bền vững
Tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân. Năm 2008, toàn quốc có 39,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số, đến năm 2015 đạt tỷ lệ 74.87% thì đến hết năm 2023 đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số (tương ứng với 93,6 triệu người tham gia BHYT).
Đặc biệt, trong giai đoạn 2022 đến nay, mặc dù có nhiều khó khăn trong công tác phát triển đối tượng do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng diện bao phủ BHYT vẫn tăng hằng năm. Hầu hết tất cả các nhóm người có thu nhập thấp, người nghèo, người yếu thế trong xã hội đều đã được tham gia BHYT; được ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương hoặc huy động từ các nguồn lực khác để đóng, hỗ trợ đóng BHYT.
Chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng nâng cao
Hệ thống cơ sở y tế ngày càng được mở rộng, chất lượng dịch vụ y tế được Đảng và Nhà nước quan tâm và triển khai có hiệu quả, chuyên sâu, đặc biệt hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố, hoàn thiện.
Hiện nay, cả nước có gần 13 nghìn cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT (gồm khoảng 2.897 cơ sở KCB và gần 10.000 trạm y tế xã). Hệ thống KCB BHYT được tổ chức từ trung ương đến địa phương, gồm cả các cơ sở công lập và ngoài công lập đã giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận, sử dụng các dịch vụ KCB BHYT.
Số lượt người có thẻ BHYT đi KCB tăng qua từng năm. Trong 15 năm đã có trên 2.120 triệu lượt người KCB BHYT. Năm 2023 có trên 174 triệu lượt KCB BHYT (tăng gần 2 lần so với năm 2009) của trên 39 triệu người sử dụng thẻ BHYT.
Y tế cơ sở (gồm tuyến huyện và tuyến xã) chiếm 95% số cơ sở KCB BHYT. Giai đoạn 2018 - 2023, số lượt KCB tại tuyến y tế cơ sở chiếm khoảng gần 75% trong tổng số lượt KCB BHYT; số chi KCB BHYT tại tuyến này chiếm khoảng 34% tổng số chi KCB BHYT. Qua đó cho thấy vai trò quan trọng của y tế cơ sở trong việc khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT ở tuyến đầu, góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ y tế.
Quỹ BHYT – nguồn tài chính quan trọng chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Song song với việc tăng tỷ lệ bao phủ BHYT và chất lượng dịch vụ KCB BHYT, quỹ BHYT được bảo toàn, tăng trưởng bền vững qua các năm trong điều kiện các nguồn lực có hạn. Kiểm soát chi, chống trục lợi, gian lận quỹ được tăng cường; tối ưu hoá trong sử dụng nguồn quỹ BHYT, cân đối được thu chi và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Trong 15 năm qua, quỹ BHYT đã chi trả gần 1 triệu tỷ đồng cho KCB BHYT. Năm 2023, số chi KCB BHYT từ quỹ BHYT khoảng 123 nghìn tỷ đồng, gấp 8 lần so với năm 2009. Quỹ BHYT đã thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần chăm lo sức khỏe Nhân dân.
Cùng với đó, mức chi trả BHYT và Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT chi trả ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu KCB của người bệnh BHYT. Nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc điều trị đích để chữa trị bệnh ung thư cũng được được đưa vào danh mục chi trả của BHYT. Các loại vật tư thay thế đắt tiền như khớp háng nhân tạo, stent động mạch… đã được quỹ BHYT chi trả hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Về mức chi trả, Luật BHYT sửa đổi năm 2014 đã tăng mức chi BHYT cho người thuộc hộ gia đình nghèo từ 95% lên 100%; người cận nghèo từ 80% lên 95%; nhóm bảo trợ xã hội cũng được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí KCB. Năm 2023, mức chi KCB BHYT bình quân cho nhóm hưu trí là 6,3 triệu đồng/người; nhóm bảo trợ xã hội là 5 triệu đồng/người, trong đó, mức đóng BHYT bình quân của các nhóm đối tượng là 1.3 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, quy định về thông tuyến KCB BHYT đã tạo thuận lợi rất lớn cho người tham gia BHYT. Từ năm 2016, người tham gia BHYT có thể đến bất kỳ bệnh viện tuyến huyện nào để KCB và từ năm 2021, điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trong cả nước đều được hưởng quyền lợi như đúng tuyến.
Có thể nói, Quỹ BHYT đã thực sự mang ý nghĩa chia sẻ rất lớn, giữa người khoẻ và người có bệnh, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp. Thực tế những năm qua, ngoài việc chi trả chi phí KCB thông thường, nhiều trường hợp người bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm… đã được Quỹ BHYT chi trả lên tới hàng tỷ đồng/năm. Gần đây nhất như trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Quốc Trình (19 tuổi, ở Thanh Hóa) mắc căn bệnh đặc biệt hiếm Pemphigus á u, sau hành trình 7 tháng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai được quỹ BHYT chi trả gần 800 triệu đồng, đã trở về với cuộc sống bình thường.
“Đích” cuối cùng vì quyền lợi của người tham gia
Bên cạnh gia tăng quyền lợi KCB BHYT, thời gian qua, người tham gia BHYT còn được thụ hưởng nhiều lợi ích, tiện ích từ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số, thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được toàn ngành BHXH Việt Nam tập trung ưu tiên triển khai nhằm vừa tạo thuận lợi, phục vụ tốt người bệnh BHYT, vừa chống trục lợi, tối ưu quỹ BHYT.
Theo đó, số lượng thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện được ngành BHXH Việt Nam giản lược tối đa; đẩy mạnh giao dịch điện tử (người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, giao dịch trực tuyến với cơ quan BHXH 24/7): Bộ TTHC được cắt giảm từ 114 thủ tục (năm 2015) chỉ còn 25 thủ tục; trong đó 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 giúp người dân giao dịch với cơ quan BHXH nhanh nhất, cải cách, thuận lợi nhất.
Thực hiện Đề án số 06, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về Bảo hiểm do Cơ quan BHXH Việt Nam chủ trì xây dựng đã được tích hợp, kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và một số Bộ, ngành (đã xác thực hơn 95 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý với CSDL quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 86,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN). Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để liên thông, chia sẻ, phục vụ quản lý của Ngành và cải cách TTHC. Đến nay, 100% cơ sở KCB BHYT (12.851 cơ sở) trên toàn quốc đã triển khai KCB BHYT bằng Căn cước công dân, vừa rút ngắn thời gian, thủ tục KCB, nâng cao chất lượng phục vụ, vừa giúp quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, chống trục lợi quỹ. Qua đó, đã đem lại rất nhiều lợi ích: không chỉ giúp người bệnh được đơn giản hóa thủ tục KCB, không phải lo lắng việc bảo quản hay quên thẻ BHYT khi đi KCB mà còn đảm bảo tính bảo mật, an toàn dữ liệu thông tin KCB; tiết kiệm thời gian đón tiếp, hướng dẫn của cơ sở KCB; đồng thời quản lý Quỹ BHYT hiệu quả, chống trục lợi quỹ.
Cùng với đó, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phục vụ cho mục đích chuyên môn của cơ sở y tế cũng như trong quản lý chi phí KCB BHYT của cơ quan BHXH; liên thông dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe phục vụ dịch vụ công trực tuyến cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe...
Những kết quả tích cực đạt được đã góp phần khẳng định vai trò quan trọng của chính sách BHYT trong đời sống xã hội và cuộc sống của Nhân dân. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu BHYT toàn dân, thời gian tới cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ. Đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của Ngành BHXH Việt Nam mà còn là trách nhiệm của cộng đồng, để BHYT thực sự là tấm thẻ vàng bảo vệ sức khỏe của mỗi người dân./.
TTTT BHXH Việt Nam
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02
Tọa đàm, Sinh hoạt ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3
Thăm, chúc Tết gia đình chính sách
Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021