Đề án 06 là nhiệm vụ then chốt, quan trọng và là “điểm sáng” của chuyển đổi số quốc gia
11/07/2024 07:31 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 10/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính- Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ.
Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới điểm cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ủy ban; lãnh đạo các địa phương, tập đoàn, DN lớn về CNTT.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại điểm cầu trụ sở Chính phủ
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh- Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam; các Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh và các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam tham dự Phiên họp tại điểm cầu BHXH Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh- Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của BHXH Việt Nam tham dự tại điểm cầu trụ sở Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người". "Nhiệm vụ quan trọng hiện nay của chúng ta như thúc đẩy tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cũ, khai phá các động lực tăng trưởng mới, các ngành mới nổi… đều có quan hệ mật thiết đến chuyển đổi số"- Thủ tướng chia sẻ. Đồng thời cho rằng, Đề án 06 được xác định là nhiệm vụ then chốt, quan trọng và là một trong những "điểm sáng", "mô hình hay" của chuyển đổi số quốc gia.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Bên cạnh đó, tổ chức triển khai quyết liệt Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở, được người dân, DN đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai các DVC trực tuyến.
Các đại biểu tham dự Phiên họp tại điểm cầu BHXH Việt Nam
Cũng theo Thủ tướng, để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, phía trước còn rất nhiều việc phải làm; còn có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ; có những việc khó có thể hoàn thành nếu không chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, nhất quán, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06, thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá thẳng thắn, rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động năm 2024 và những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024.
Đồng thời, nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ (thuộc trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương, đơn vị nào, xác định nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm.
Cùng với đó, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện (phát triển hạ tầng số; cung cấp DVC trực tuyến; phát triển CSDL quốc gia, kết nối chia sẻ thông tin, hình thành dữ liệu lớn; đào tạo và phát triển nhân lực; các mô hình, cách làm hay của một số bộ, ngành, địa phương...) và xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mang tính đột phá thời gian tới.
Báo cáo của Bộ TT-TT tại Phiên họp cho biết, chuyển đổi số quốc gia trong 6 tháng đầu năm đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, DVC trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ TTHC) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%).
Toàn bộ 63 địa phương (tăng 14 địa phương so với cuối năm 2023) đã ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng DVC trực tuyến; 15/63 địa phương (tăng 2 địa phương so với cuối năm 2023) đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng DVC trực tuyến.
Kinh tế số 6 tháng đầu năm ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Doanh thu lĩnh vực CNTT (kinh tế số ICT) ước đạt 1.928.311 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2023. Giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, hệ thống thông tin qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia 6 tháng đầu năm tăng 67% so với cùng kỳ năm 2023.
Về hạ tầng số, toàn quốc có thêm khoảng 687.000 hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng so với cuối năm 2023, nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng đạt 82,2% (tăng 2,6% so với cuối năm 2023 là 79,6%).
Đại diện Bộ Công an cũng báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả triển khai Đề án 06 trong 6 tháng đầu năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Theo đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các thành viên Tổ công tác đã tích cực triển khai Đề án 06.
Kết quả, đến nay có 18 bộ, ngành và toàn bộ 63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Tỷ lệ tra cứu, xác thực, khai thác thông tin dân cư phục vụ giải quyết TTHC ngày càng tăng. Bộ Công an phối hợp hỗ trợ làm sạch, tạo lập dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, đáng chú ý đã xác thực 97,6 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý; xác thực, đồng bộ và làm giàu CSDL quốc gia về dân cư với thông tin của 24,55 triệu hồ sơ điện tử của học sinh, giáo viên; thực hiện đồng bộ dữ liệu về NLĐ, việc làm của 23 nghìn sinh viên sau tốt nghiệp và dự báo xu hướng nghề nghiệp…
Cổng DVC quốc gia đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, CSDL của các cơ quan, đơn vị; cung cấp 4.535 DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia (chiếm 72,2% tổng số TTHC). Đáng chú ý, đối với 2 DVC liên thông “Đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng” triển khai chính thức trên toàn quốc từ 10/7/2023. Đến nay, toàn quốc đã tiếp nhận 1.052.261 hồ sơ liên thông khai sinh (tăng 618.746 hồ sơ so với tháng 12/2023) và 240.772 hồ sơ liên thông khai tử (tăng 206.954 hồ sơ so với tháng 12/2023).
Đối với nhiệm vụ triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, trong thực hiện chi trả an sinh xã hội, đến nay 63 địa phương thực hiện chi trả qua tài khoản cho 1.960.749 người với số tiền trên 8.280 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có khoảng 74% số người hưởng các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị (tăng hơn 8% so với năm 2023). Toàn quốc đã có 1.801.395 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân...
Tại Phiên họp, lãnh đạo các bộ, cơ quan đã trình bày tham luận về chuyển đổi số quốc gia như: Giải pháp phát triển thương mại điện tử bền vững, mở rộng quy mô nền kinh tế số; chuyển đổi số và đẩy mạnh thương mại điện tử để thúc đẩy phát triển kinh tế số; số hóa kinh tế ngành để phát triển kinh tế số; triển khai thúc đẩy nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp...
Tại Phiên họp, lãnh đạo các bộ, cơ quan cũng trình bày tham luận về Đề án 06. Trong đó, có một số nội dung nổi bật như: Giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số ngành ngân hàng; ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng.
Hà Thủy
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02
Tọa đàm, Sinh hoạt ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3
Thăm, chúc Tết gia đình chính sách
Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021