Vinh danh và biểu dương những tấm gương người có công tiêu biểu

23/07/2024 02:23 PM


Sáng 23/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tri ân người có công (NCC) với cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.

Chế độ ưu đãi NCC ngày càng nâng cao

Bắt đầu chương trình Hội nghị, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng toàn thể đại biểu tham dự đã dành phút mặc niệm, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, đồng bào đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Các đại biểu mặc niệm, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, đồng bào đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa" đối với NCC với cách mạng và thân nhân. Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi NCC với cách mạng.

Đối tượng NCC ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao, gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội. Ngay trong dịp tháng 7 lịch sử này, Chủ tịch nước đã tặng quà cho gần 1,4 triệu NCC và thân nhân của NCC. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP quy định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi NCC từ 2,05 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng (tăng 35,7%). “Đây là mức tăng cao nhất qua các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng trong nhiều thập kỷ qua, được dư luận xã hội và NCC, thân nhân hoan nghênh, ủng hộ”- ông Dung nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các đại biểu tham dự Hội nghị

Cũng theo ông Dung, các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. 10 năm qua (2013-2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình NCC; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn; 2.412 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên được quan tâm, chăm sóc, tu bổ. Cụ thể, cả nước đã tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang trên 3000 nghĩa trang liệt sĩ, trên 4000 công trình ghi công liệt sĩ. Tiến hành chuẩn hoá thông tin bia mộ liệt sĩ, trong đó riêng 2 năm qua đã điều chỉnh 20.000 bia mộ đang ghi “Liệt sĩ vô danh”, đến nay cả nước tuyệt đại bộ phận thống nhất ghi “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” theo quy định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà các đại biểu NCC tham dự Hội nghị

Qua 6 năm, ngành LĐ-TB&XH đã giải quyết được căn bản trên 7.000 hồ sơ, trong đó trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, phần lớn là liệt sĩ trong thời kỳ chống Pháp và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đây là việc làm vô cùng khó khăn do thời gian đã quá lâu, hồ sơ thất lạc, người giao nhiệm vụ không còn sống, đồng đội, người làm chứng đều đã mất…

“Những kết quả đó mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng, phần nào xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm của chúng ta đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc. Đồng thời, ghi nhận những nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH trong thời gian vừa qua đối với công tác này”- ông Dung chia sẻ.

Luôn tri ân, quan tâm những người đã hy sinh xương máu cho đất nước

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành nhấn nút kích hoạt, chính thức ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Việc xây dựng Ngân hàng gen liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ không chỉ mở ra hy vọng cho hơn 300.000 gia đình NCC, mà còn là niềm mong mỏi của toàn Đảng và nhân dân cả nước rằng tương lai không xa, tất cả các liệt sĩ sẽ được quy tập và xác định được danh tính...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Hội nghị Tri ân NCC với cách mạng hôm nay diễn ra trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào cả nước trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta, người luôn đặc biệt quan tâm chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng. Theo Thủ tướng, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam; là dịp để toàn dân, toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và NCC...

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do và nhân dân được ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. Đángc chú ý, 77 năm qua, chính sách ưu đãi NCC với cách mạng không ngừng được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện bài bản, nghiêm túc. Đời sống của NCC và gia đình không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành nhấn nút kích hoạt ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin

"Theo thống kê, có 99% hộ gia đình NCC có mức sống bằng hoặc hơn mức sống chung tại khu vực sinh sống. Điều này cũng là một biểu hiện của việc thực hiện chủ trương như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh “không hy sinh môi trường, xã hội, công bằng xã hội vì sự phát triển kinh tế đơn thuần”. Đây cũng là một vấn đề quan tâm đặc biệt của Tổng Bí thư lúc sinh thời”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo Thủ tướng, việc kích hoạt Ngân hàng gen liệt sĩ và thân nhân hôm nay giúp sớm hoàn thành giám định hơn 20.000 hài cốt liệt sĩ, phấn đấu xác định danh tính 60% liệt sĩ trong các nghĩa trang. Đồng thời, Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với nhiều gia đình, khi thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi A1 tại tỉnh Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, thấy rất nhiều mộ liệt sĩ vẫn đề những dòng chữ “mộ liệt sĩ chưa biết tên”, “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.

Theo Thủ tướng, cả nước còn khoảng 180.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, còn 300.000 hài cốt liệt sĩ trong các nghĩa trang chưa xác định được danh tính. Do đó, việc hình thành Ngân hàng gen với khoảng 600.000 mẫu giám định cả hài cốt liệt sĩ và thân nhân, nhằm xác định danh tính các mộ liệt sĩ còn “khuyến danh” hiện nay…

Vũ Thu

  • Lượt truy cập: 2555581
  • Tháng này: 4424
  • Hôm nay: 3439
  • Đang trực tuyến: 626