Ứng dụng AI để báo chí thực hiện đúng trách nhiệm xã hội của mình

26/08/2024 08:42 AM


Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Tác động của trí tuệ nhân tạo đối với báo chí: Thách thức và cơ hội”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Nhà báo Lê Quốc Minh- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Trí tuệ nhân tạo (AI) và báo chí hiện là một chủ đề mang tính thời sự và nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan báo chí, truyền thông, cũng như những người làm báo trên cả nước”.

Nhà báo Lê Quốc Minh đánh giá cao vai trò của AI đối với các cơ quan báo chí

Theo Nhà báo Lê Quốc Minh, trong vài thập kỷ qua, các cơ quan báo chí trên thế giới trải qua nhiều khó khăn, do nguồn thu quảng cáo và đặt mua báo in suy giảm. Do đó, các công nghệ AI nếu được ứng dụng và triển khai sớm để tranh thủ tối đa sức mạnh, có thể có tác động tích cực giúp các cơ quan báo chí phát triển bền vững.

Tuy nhiên, AI cũng mang lại không ít thách thức, như tạo ra và lan truyền tin giả với nội dung chi tiết và trôi chảy, khiến người đọc khó có thể nhận ra đó là tin giả. Đồng thời, làm giảm doanh thu quảng cáo trong toàn bộ ngành báo chí. Đơn cử, tìm kiếm bằng AI có thể gây thiệt hại tới 1/3 tổng hoạt động kinh doanh của cơ quan báo chí…

Nhà báo Nguyễn Thị Hải Vân thông tin tại Hội thảo về thách thức và cơ hội của AI

Thông tin tại Hội thảo, Nhà báo Nguyễn Thị Hải Vân- Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí cũng cho biết, AI có thể giúp tổng hợp và phân tích dữ liệu nhanh chóng hơn, giúp các nhà báo tiết kiệm thời gian và nỗ lực trong quá trình nghiên cứu và sản xuất tin, bài.

Cũng theo Nhà báo Nguyễn Thị Hải Vân, việc triển khai thành công AI trong tòa soạn sẽ giúp cá nhân hóa nội dung, để phù hợp với sở thích và nhu cầu của từng đối tượng độc giả, tăng khả năng tương tác và độ hấp dẫn của các sản phẩm báo chí. Từ đó, các nhà báo sẽ mang đến cho độc giả những tin tức mà họ muốn, theo cách thức cá nhân hơn và bao phủ được nhiều chủ đề hơn.

Đáng chú ý, công nghệ deep-fake sử dụng AI để tạo ra video và hình ảnh giả mạo, trong đó người xem có thể thấy những hình ảnh hoặc video của các sự kiện hoặc nhân vật hoàn toàn không có thật. Điều này làm tăng khả năng lan truyền thông tin sai lệch thông qua các phương tiện truyền thông trực quan.

Các đại biểu tham dự Hội thảo 

Tại Hội thảo, các tham luận và ý kiến đóng góp, thảo luận đã tập trung gợi mở, làm rõ một số vấn đề như: Cách AI đang làm thay đổi phương thức sản xuất tin tức và ảnh hưởng đến sự sáng tạo, khách quan của báo chí; làm thế nào để báo chí tận dụng được lợi thế của AI mà vẫn giữ vững đạo đức nghề nghiệp và tính trung thực của thông tin.

Các đại biểu cũng làm rõ hành lang pháp lý cho báo chí cần thay đổi, bổ sung như thế nào khi việc sử dụng AI ngày càng phổ biến; AI hay con người (phóng viên, cơ quan báo chí) phải chịu trách nhiệm nếu thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến lợi ích của các cá nhân, tổ chức và xã hội; công tác đào tạo, bồi dưỡng sinh viên và các nhà báo Việt Nam trong thời đại số…

Theo các đại biểu, ứng dụng AI trong báo chí mang lại rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, AI do con người tạo ra, không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí. Do đó, để làm chủ và sử dụng được công cụ số nói chung và các phần mềm ứng dụng AI nói riêng, mỗi nhà báo cần phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một nhà báo cách mạng.

Bên cạnh đó, các nhà báo cũng phải luôn học hỏi, thảo luận, thử nghiệm để có thể làm chủ công nghệ, chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ con người. Còn các cơ quan báo chí chính thống phải nhanh chóng chủ động, có sự đầu tư phù hợp vào công nghệ để không bị thụt lùi, góp phần giúp báo chí Việt Nam thực hiện đúng trách nhiệm xã hội của mình.

PV

  • Lượt truy cập: 2489928
  • Tháng này: 4424
  • Hôm nay: 1084
  • Đang trực tuyến: 230