Vận dụng quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động
12/03/2020 07:27 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
(baohiemxahoi.gov.vn) Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Song song với phòng, chống dịch, phải tận dụng mọi cơ hội để duy trì và phát triển kinh tế.
Ngay từ những ngày đầu chống dịch Covid-19, Chính phủ đã xác định tập trung thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế- xã hội. Đến thời điểm này, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp, người lao động và cả nền kinh tế đang bộc lộ ngày càng rõ.
Việc cần làm ngay là thực hiện nghiêm các biện pháp nêu trong Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/3/2020. Đây là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là các biện pháp về: cân đối, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; kịp thời áp dụng các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch, thực hiện gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng; gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tạm dừng đóng BHXH và không tính lãi phạt chậm nộp cho các đối tượng bị ảnh hưởng...
Ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội
Theo ông Bùi Sỹ Lợi: “Có thể nói rằng, “gói giải cứu” này khác với tất cả các “gói giải cứu” mà Chính phủ đã thực hiện trước đây. Tôi đánh giá đây là những chính sách rất tốt, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng ta không đánh đổi lợi ích kinh tế lấy tính mạng, sự an toàn của người dân là rất đúng, nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không phát triển được kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Phải tận dụng mọi cơ hội để duy trì và phát triển kinh tế, trong đó vai trò “bà đỡ” của Nhà nước lúc này là hết sức quan trọng.”
Ông cũng lưu ý thêm, do tác động của dịch bệnh Covid-19, một số doanh nghiệp phải đóng cửa, hoặc tạm dừng hoạt động dẫn đến thất nghiệp hoặc thất nghiệp tạm thời. Cần rà soát, thống kê và kịp thời chi trả BH thất nghiệp cho người lao động bị thất nghiệp để họ có thể bảo đảm được cuộc sống hàng ngày và có thể được đào tạo, nâng cao tay nghề hoặc có thể chuyển sang ngành nghề khác, duy trì được thu nhập. Đây là vấn đề hết sức quan trọng vì nếu không, người lao động sẽ dễ bị khó khăn kép: Vừa chống đỡ với dịch bệnh Covid-19, vừa chống đỡ với việc không có thu nhập, không bảo đảm được cuộc sống của bản thân và gia đình.
“Đối với các doanh nghiệp hiện đang phải tạm dừng sản xuất do thiếu nguyên liệu, do không xuất khẩu được hàng hóa thì có thể tranh thủ thời gian này tổ chức đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho người lao động. Có thể dùng một phần Quỹ BH thất nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc này. Với khoảng 70 nghìn tỷ đồng kết dư của Quỹ BH thất nghiệp hiện nay, theo tôi, có thể vận dụng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.” ông Lợi nhấn mạnh.
Phạm Tú
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?