Không ngừng mở rộng quyền lợi người tham gia
16/02/2024 06:57 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Từ năm 1995, hệ thống chính sách BHXH và việc thực hiện chính sách đã được cải cách toàn diện. Theo đó, BHXH chính thức được mở rộng và thực hiện (bắt buộc) đối với NLĐ thuộc các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước, được thực hiện trên nguyên tắc “đóng- hưởng”; thiết lập hệ thống cơ quan BHXH các cấp để thực hiện việc quản lý và giải quyết chế độ BHXH (tách riêng giữa quản lý nhà nước về BHXH và thực hiện chính sách BHXH); hình thành quỹ BHXH trên cơ sở NLĐ và người SDLĐ đóng góp, được quản lý tập trung, hạch toán độc lập với NSNN (được Nhà nước bảo hộ).
Đối với chính sách BHXH bắt buộc: Việc tham gia BHXH đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ (từ đủ 3 tháng trở lên), từ việc chỉ áp dụng đối với đơn vị sử dụng từ 10 NLĐ đã mở rộng đối với đơn vị sử dụng từ 1 lao động trở lên. Tiếp đó, thời hạn của HĐLĐ thuộc diện tham gia BHXH giảm từ 3 tháng xuống còn 1 tháng. Bổ sung đối tượng là người quản lý DN, người điều hành HTX có hưởng tiền lương, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ năm 2018, việc thực hiện chính sách BHXH bắt buộc còn được thực hiện đối với NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Đối với chính sách BHXH tự nguyện: Bắt đầu được thực hiện từ năm 2008, đối tượng tham gia ban đầu được áp dụng đối với NLĐ là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Từ Luật BHXH năm 2014 đã được mở rộng là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Việc hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện được thực hiện từ năm 2018.
Với 2 loại hình BHXH trên, số người tham gia BHXH đã có sự phát triển đáng ghi nhận:
- Số người tham gia BHXH bắt buộc năm 1995 là hơn 2,27 triệu người, đến năm 2023 đã tăng lên trên 16 triệu người, gấp hơn 7,5 lần.
- Số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2008 là 6.110 người đến năm 2023 đã tăng lên 1,83 triệu người, gấp khoảng 270 lần.
a. Về chế độ ốm đau:
Gia tăng số ngày (tăng thêm 10 ngày) được hưởng chế độ BHXH do nghỉ ốm trong năm đối với NLĐ có thời gian đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên. Bổ sung danh mục các bệnh điều trị dài ngày từ 11 bệnh (năm 1995) tăng lên đến 332 bệnh(1) (năm 2023).
Nhờ vậy, số lượt người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau trong năm đã tăng từ 825.400 lượt người (năm 1996) lên đến 9,6 triệu lượt người (năm 2022), gấp 11,6 lần.
b. Về chế độ thai sản:
Tăng thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con của lao động nữ từ 4 tháng lên 6 tháng(2). Bổ sung chế độ thai sản đối với lao động nam khi vợ sinh con, trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ(3) .
Nhờ vậy, số lượt người được giải quyết hưởng chế độ thai sản trong năm đã tăng từ 86.100 lượt người (năm 1996) lên đến 1,2 triệu lượt người (năm 2022), gấp 13,9 lần. Đặc biệt, từ khi bổ sung chế độ thai sản đối với lao đông nam khi vợ sinh con đã có khoảng 230.000 lao động nam được giải quyết hưởng chế độ này mỗi năm.
c. Về chế độ BH TNLĐ-BNN
Sửa đổi cách tính trợ cấp TNLĐ-BNN theo từng % bị suy giảm khả năng lao động của NLĐ thay vì cách tính theo bậc, khoảng. Ngoài ra, bổ sung, hoàn thiện danh mục BNN, từ 21 BNN (năm 1998) lên 35 BNN (năm 2023). Bổ sung các chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho NLĐ bị TNLĐ-BNN khi trở lại làm việc, hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ-BNN.
Hiện nay, bình quân mỗi năm cơ quan BHXH giải quyết cho khoảng 4.600 lượt người hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN một lần; 2.200 người hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN hằng tháng và đảm bảo chi trả trợ cấp TNLĐ-BNN hằng tháng cho hơn 54.000 người.
d. Về chế độ hưu trí
Mở rộng các phương thức đóng BHXH tự nguyện cho NLĐ, đặc biệt là phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng ngay lương hưu khi hết tuổi lao động. Bổ sung một số trường hợp NLĐ được hưởng trợ cấp BHXH khi bị mắc bệnh hiểm nghèo, hưởng lương hưu khi bị lây nhiễm HIV/AIDS. Nhiều lần bổ sung, hoàn thiện danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm từ 239 (năm 1995) lên đến hơn 1.600 nghề (năm 2020)(4) .
Trong giai đoạn 1995- 2023, thực hiện quy định của pháp luật về BHXH về điều chỉnh lương của người nghỉ hưu, Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành 23 lần điều chỉnh lương hưu, theo đó mức lương mưu hiện hưởng của người nghỉ hưu năm 2023 đã được điều chỉnh tăng từ 21 đến 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995. Sửa đổi quy định đảm bảo quyền lợi hưởng lương hưu của người phải chấp hành hình phạt tù trong thời gian hưởng lương hưu.
Nhờ vậy, tính đến nay, cả nước có 3,28 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng (có tính chất như lương hưu), trong đó có 1,05 triệu người hưởng từ nguồn NSNN đảm bảo với mức hưởng lương hưu bình quân 4,7 triệu đồng/tháng; 2,23 triệu người hưởng từ nguồn quỹ BHXH đảm bảo với mức lưởng lương hưu bình quân 5,6 triệu đồng/tháng.
đ) Về chế độ tử tuất
Gia tăng mức hưởng trợ cấp mai táng đối với người lo mai táng cho NLĐ tham gia BHXH, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng bị chết (tăng từ 8 lần mức lương cơ sở- tiền lương tối thiểu- lên thành 10 lần mức lương cơ sở). Tăng mức hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ 40% lên 50% mức lương cơ sở.
Hiện nay, bình quân mỗi năm cơ quan BHXH giải quyết cho khoảng 80.000 người được hưởng trợ cấp mai táng, 19.000 người được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và 64.000 người được hưởng trợ cấp tuất một lần. Số người hưởng trợ cấp tuất hằng tháng tính lũy kế đến nay là khoảng 113.000 người.
Như vậy, có thể thấy qua 29 năm triển khai thực hiện, chính sách BHXH ngày càng chứng tỏ được vai trò là một trong các trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.
Chính sách BHXH đang góp phần đảm bảo cuộc sống cho hơn 22 triệu người (18,25 triệu NLĐ đang tham gia đóng góp vào quỹ BHXH và 3,28 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng). Mỗi năm, có gần 10 triệu lượt NLĐ được giải quyết hưởng chế độ ốm đau; 1,2 triệu lượt NLĐ được giải quyết hưởng chế độ thai sản, hơn 7.000 NLĐ được giải quyết hưởng chế độ TNLĐ-BNN, hơn 70.000 người được giải quyết chế độ hưu trí và hơn 80.000 thân nhân của NLĐ được giải quyết chế độ tử tuất.
Theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2/6/2023 của Quốc hội khóa XV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này tiếp tục đề xuất các quy định nhằm mở rộng quyền lợi đối với NLĐ tham gia BHXH. Cụ thể:
1. Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng, hướng đến mục tiêu BHXH toàn dân.
Theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đề xuất công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do NSNN đảm bảo(5) (giảm 5 tuổi so với quy định hiện hành của Luật Người cao tuổi là 80 tuổi). Ước tính việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp thêm khoảng 800.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (hằng tháng) và BHYT.
2. Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm
Điều này sẽ tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu; giúp tăng thêm người cao tuổi, người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng trợ cấp hằng tháng.
3. Chính sách liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và tầng BHXH cơ bản
NLĐ khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng do quỹ BHXH chi trả cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của NLĐ; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng BHYT do NSNN đảm bảo. Như vậy, với đề xuất này, NLĐ khi đến tuổi nghỉ hưu mà có số năm đóng BHXH thấp (dưới 15 năm) sẽ có thêm một lựa chọn nữa để được hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng thay vì nhận BHXH một lần.
4. Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Bổ sung 5 nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, đó là:
- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh;
- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố;
- Người quản lý DN, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của DN tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành HTX, liên hiệp HTX không hưởng tiền lương;
- NLĐ làm việc không trọn thời gian (NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt);
- NLĐ và người SDLĐ không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, trừ hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động.
Theo ước tính, với đề xuất này sẽ có thêm 2,5 triệu NLĐ thuộc diện tham gia BHXH (bắt buộc).
5. Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện
NLĐ tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con hoặc có vợ sinh con, nếu đủ điều kiện về thời gian tham gia BHXH sẽ được nhận trợ cấp thai sản một lần (2 triệu đồng) cho mỗi con sinh ra. Quy định này làm tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện. Nguồn kinh phí thực hiện do NSNN đảm bảo, vì vậy, người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng góp thêm, nhưng lại được hưởng thêm trợ cấp thai sản khi sinh con. Nhìn chung, đối với người tham gia BHXH tự nguyện nói chung (đặc biệt là đối với người đang tham gia là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo) điều này rất có ý nghĩa bởi có thêm một khoản tiền để sử dụng khi sinh con.
Như vậy, có thể thấy rõ, sửa đổi Luật BHXH lần này có nhiều đề xuất gia tăng quyền lợi cho NLĐ so với các lần sửa đổi trước. Đó cũng là minh chứng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta quyết tâm thực hiện mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới BHXH toàn dân.
(1)- Thông tư số 46/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế ban hành Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.
(2)- Luật BHXH năm 2006.
(3)- Luật BHXH năm 2014.
(4)- NLĐ thực hiện các công việc thuộc Danh mục này và có đóng BHXH thì sẽ được nghỉ hưởng lương hưu ở tuổi sớm hơn (không quá 05 tuổi so với NLĐ làm việc trong điều kiện lao động bình thường).
(5)- Kế thừa và phát triển một phần quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi đang được quy định tại Luật Người cao tuổi.
Bài: Ths. Trần Thành Nam Đồ họa: Hà Hùng
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?