Tiếp tục triển khai mạnh các giải pháp phát triển BHXH, BHYT

06/05/2024 03:05 PM


Sáng 6/5/2024, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị giao ban cơ quan BHXH Việt Nam tháng 5/2024. Tham dự có Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường cùng các Phó Tổng Giám đốc: Trần Đình Liệu, Lê Hùng Sơn, Đào Việt Ánh và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

Đến nay BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch, phương án, kịch bản điều hành cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, BHXH các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực.

Theo báo cáo tổng hợp (cập nhật vào 14h00 ngày 4/5/2024 trên hệ thống Data Warehouse), số người tham gia BHXH trên cả nước đạt 17,407 triệu người, tăng 1,73% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số tham gia BHXH bắt buộc là 15,954 triệu người, tăng 1,56% so với cùng kỳ năm 2023; BHXH tự nguyện là 1,453 triệu người, tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2023. Số người tham gia BH thất nghiệp đạt 14,249 triệu người, tăng 1,74% so với cùng kỳ năm 2023. Số người tham gia BHYT đạt 90,240 triệu người, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng số thu BHXH, BH thất nghiệp, BHYT của toàn Ngành thực hiện đến hết tháng 4/2024 tăng 14.184 tỷ đồng (tương đương 10,04%) so với cùng kỳ năm 2023.

Thông tin kỹ hơn về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ cho biết, đến nay, BHXH các địa phương đã xây dựng xong kịch bản thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2024 và nhanh chóng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Các chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương giao cụ thể đến các cấp xã.

So với tháng trước, đã có 50 tỉnh tăng số tham gia BHXH bắt buộc, 28 tỉnh tăng BHXH tự nguyện, 48 tỉnh tăng BHYT. Về công tác thu, hiện đang thực hiện đúng theo tiến độ; số chậm đóng từ 1-3 tháng đã giảm so với cùng kỳ năm trước, quy trình thu, đôn đốc giảm số chậm đóng đang dần được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn. Dù vậy, còn nhiều khó khăn thách thức để đạt chỉ tiêu được giao năm 2024.

Theo ông Hào, cần chỉ đạo BHXH các địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện việc tổ chức các hội nghị làm việc trực tiếp với đơn vị SDLĐ, yêu cầu nghiêm túc tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ.

“Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ sẽ soạn thảo bộ tài liệu hướng dẫn chi tiết việc tổ chức hội nghị làm việc trực tiếp với đơn vị SDLĐ, qua đó nâng cao hiệu quả thực hiện”, ông Hào nói.

Về BHXH tự nguyện, hiện nay, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương cũng đã được kiện toàn. Tuy nhiên, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của tổ/thôn trưởng; qua đó tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp 3 bên, bao gồm cơ quan BHXH, tổ chức dịch vụ thu và chính quyền cấp xã. BHXH các địa phương phải đảm bảo vai trò điều phối, phát triển hệ thống tổ chức dịch vụ thu; vừa đảm bảo không trống địa bàn nhưng cũng không được trùng chéo, lãng phí nguồn lực.

Ông Lê Nguyên Bồng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin cho biết, tới đây, sẽ cùng với đơn vị chuyên môn của Cục Thuế khai thác dữ liệu đảm bảo kịp thời, chất lượng hơn. Ông Bồng cũng đề nghị các đơn vị liên quan xây dựng quy trình để chuẩn hóa quá trình rà soát, đối chiếu dữ liệu do cơ quan thuế chuyển sang, qua đó, tinh giản thao tác nghiệp vụ, giảm thời gian xử lý, nâng cao hiệu quả khai thác.

Quá trình triển khai Đề án 06 của Ngành BHXH Việt Nam cũng được ông Bồng chia sẻ với nhiều thông tin tích cực. Việc đạt tỷ lệ cao về đồng bộ, xác thực giữa CSDL người tham gia BHXH, BHYT và CSDL quốc gia về Dân cư là yếu tố quan trọng để triển khai các nhiệm vụ tiếp theo; đem lại nhiều lợi ích cho cả cơ quan quản lý và người dân.

Về quản lý quỹ KCB BHYT, bà Nguyễn Thị Hồng Vân- Phó Trưởng Ban THCS BHYT cho biết, hiện BHXH Việt Nam đang triển khai tập huấn công tác giám định BHYT với các tỉnh, khu vực phía Bắc. Thời gian qua, BHXH Việt Nam cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt BHXH các địa phương để kiểm soát chi phí KCB BHYT.

Hiện số lượt, số chi KCB BHYT đã được kiểm soát tăng ở mức thấp hơn so với tháng trước, các giải pháp chỉ đạo đang tiếp tục được cụ thể hóa tại các địa phương và dần phát huy trong thời gian tới, bà Vân nhận định.

Theo ông Bùi Quang Huy, Chánh Thanh tra BHXH Việt Nam, Thanh tra BHXH Việt Nam đã đôn đốc BHXH các địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở y tế có phát sinh chi phí KCB lớn, có dấu hiệu bất thường. Trong tháng 5, công tác này tiếp tục được tăng cường. Bên cạnh đó, sẽ yêu cầu BHXH các địa phương rà soát lại tình hình chi BH thất nghiệp và giải quyết BHXH một lần. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra chuyên ngành, đột xuất các đơn vị SDLĐ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương- Giám đốc Trung tâm Truyền thông cho biết, theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương đang triển khai mạnh các hoạt động hưởng ứng Tháng Vận động, triển khai BHXH toàn dân với các hình thức tương đối sáng tạo.

Ngoài ra, Trung tâm truyền thông cũng sẽ định hướng tuyên truyền, chuyển tải thông điệp hợp lý về BHXH một lần, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ SDLĐ với việc đảm bảo an sinh dài hạn cho lực lượng lao động...

“Các nội dung liên quan đến vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước quan tâm về BHXH, BHYT trong kỳ họp Quốc hội sắp tới cũng sẽ được cơ quan BHXH chủ động đẩy mạnh thông tin trong thời gian tới”, bà Hương chia sẻ.

Đề cập các nội dung nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, ông Nguyễn Tiến Thành- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế nhấn mạnh sẽ tăng cường triển khai các hoạt động phối hợp với các đối tác quốc tể để hỗ trợ thúc đẩy các nội dung như nghiên cứu, đề xuất sửa Luật BHXH, Luật BHYT, phát triển BHXH tự nguyện, mở rộng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH qua thẻ ATM... Hiện nay, các hoạt động nhằm cụ thể hóa Hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng đang được khẩn trương triển khai.

Nhấn mạnh các nội dung truyền thông, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh chỉ đạo tăng cường chuyển tải các thông điệp tập trung vào mục tiêu phục vụ, đem lại lợi ích của người dân, DN; nâng cao hiệu quả quản lý, ngăn ngừa các hành vi trục lợi BHXH, BHYT.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường lưu ý cần triển khai quyết liệt, tăng cường kiểm soát chi KCB BHYT, hạn chế vượt dự toán. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, tham mưu đề xuất cơ chế chính sách quản lý, sẵn sàng phương án xử lý đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Ngoài ra, thực trạng chậm đóng BHXH, BHYT cũng rất đáng lo. Cần phát huy vai trò Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các địa phương để tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giảm số chậm đóng BHXH, BHYT. Về số BHXH một lần, cần có thông điệp truyền thông tích cực, phù hợp với định hướng sửa đổi Luật BHXH để NLĐ nắm được thông tin, nhận thức đúng, toàn diện về nội dung này.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận những nỗ lực cố gắng của toàn Ngành trong thời gian qua. Trong bối cảnh khó khăn, với tinh thần vào cuộc ngay từ đầu năm, toàn Ngành đã quyết liệt triển khai hiệu quả các nhiệm vụ. Các chỉ đạo của Lãnh đạo BHXH Việt Nam đã từng bước được cụ thể hóa trong thực tiễn ở các địa phương; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, quản lý chặt chẽ quy trình nghiệp vụ, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý... Những nỗ lực của ngành đã được thể hiện rõ qua các chỉ số về thu, phát triển người tham gia, giải quyết chế độ BHXH, BHYT... được phát triển tích cực. Quyền lợi BHXH, BHYT của người dân được đảm bảo tốt, cải cách thủ tục hành chính gắn với triển khai Đề án 06 hiệu quả.

Trong thời gian tới, Tổng Giám đốc chỉ đạo các đơn vị bám sát các đơn vị chuyên môn của các bộ, ngành để phối hợp chặt chẽ trong quá trình nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm.

Chủ động thông tin về các nội dung liên quan đến BHXH, BHYT được cử tri, đại biểu Quốc hội, nhất là các vấn đề đang được dư luận quan tâm trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội. Đồng thời, triển khai mạnh các hoạt động hưởng ứng Tháng Vận động, triển khai BHXH toàn dân. Truyền thông mạnh mẽ về quá trình thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, nhấn mạnh các lợi ích về mặt quản lý, tính năng phục vụ người dân, DN tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT.

Về công tác quản lý thu, Lãnh đạo ngành sẽ chỉ đạo tổ chức hội nghị để quán triệt các nội dung trọng tâm; đồng thời tăng cường kiểm tra, tháo gỡ các vướng mắc ở cơ sở; nâng cao hiệu quả thực hiện các quy trình nghiệp vụ, đảm bảo tiến độ thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ theo hướng chủ động các phương án “từ sớm, từ xa”. Yêu cầu BHXH các địa phương tiếp tục phát huy vai trò Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp xã, nêu cao vai trò của tổ/thôn trưởng, phát huy vai trò phối hợp 3 bên; giữa cơ quan BHXH, tổ chức dịch vụ thu và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương...

Tiếp tục đảm bảo thực hiện tốt nhất việc giải quyết quyền lợi BHXH, BHYT cho NLĐ; tăng cường kiểm tra, rà soát, phân tích rủi ro để đảm bảo thực hiện quy trình nghiệp vụ chặt chẽ, ngăn ngừa các hành vi có dấu hiệu vi phạm, cố tình trục lợi.

Nhấn mạnh các yêu cầu nhiệm vụ, tiến độ thực hiện các chỉ tiêu quan trọng, Tổng Giám đốc chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý; thường xuyên rà soát công tác tổ chức, bố trí cán bộ, tăng cường đối soát, kiểm tra chéo ở các vị trí việc làm quan trọng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, gắn với kỷ cương kỷ luật, quản lý tài sản, tài chính nhất là với cấp cơ sở.

Minh Đức