Đảm bảo cân đối quỹ BH thất nghiệp khi sắp xếp lại bộ máy

15/01/2025 07:38 AM


Chiều 6/1, tiếp tục Phiên họp thứ 41, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Dự kiến đầy đủ chi phí, bộ máy phát sinh

Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về đăng ký lao động (Chương III), Thường trực Ủy ban Xã hội đã chỉnh lý theo hướng quy định rõ ràng, mạch lạc hơn về nguyên tắc đăng ký lao động, trình tự đăng ký, điều chỉnh thông tin và quyền, nghĩa vụ của NLĐ trong đăng ký lao động. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật cũng như để quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, đề nghị Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý việc đăng ký, cập nhật thông tin của NLĐ tham gia BHXH bắt buộc phải bảo đảm không phát sinh chi phí hoặc chi phí phát sinh thì không lấy từ quỹ BHXH.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng lưu ý, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về NLĐ và hệ thống thông tin thị trường lao động sẽ có phát sinh lớn về chi phí và bộ máy hành chính. Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động, dự kiến đầy đủ chi phí, bộ máy phát sinh, cân nhắc để quy định trong Dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi. Và, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định mang tính nguyên tắc trong dự thảo Luật để bảo đảm khuyến khích NLĐ chủ động đăng ký lao động và nâng cao trách nhiệm của người SDLĐ trong việc thực hiện khai trình lao động.

Về hỗ trợ tiền đóng BH thất nghiệp, Dự thảo Luật Chính phủ trình bổ sung chế độ hỗ trợ người SDLĐ khi sử dụng lao động là người khuyết tật thông qua việc hỗ trợ tiền đóng BH thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người SDLĐ. Thường trực Ủy ban Xã hội ủng hộ cần có chính sách này để hỗ trợ người SDLĐ nhận lao động là người khuyết tật, thể hiện chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta trong việc chăm lo đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội còn băn khoăn khi Dự thảo Luật hiện đang quy định chung “người khuyết tật”, song theo quy định của Luật Người khuyết tật, hiện có 3 mức độ khuyết tật (khuyết tật nhẹ, khuyết tật nặng và khuyết tật đặc biệt nặng), báo cáo chưa có số liệu thống kê chính xác về NLĐ là người khuyết tật để có thể dự báo nguồn lực chính xác (Báo cáo đánh giá tác động cũng ước chi phí khoảng 144 tỷ đồng/năm). Mặt khác, dự thảo Luật quy định giảm tiền đóng BH thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người SDLĐ phải đóng cho NLĐ là người khuyết tật. Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị, cần bổ sung đánh giá tác động đến quỹ BH thất nghiệp (hiện nay quỹ BH thất nghiệp gần như cân bằng giữa thu và chi trong năm).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

“Theo quy định tại Quyết định số 64/2015/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg thì ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% kinh phí về đào tạo, BHYT, BHXH, BH thất nghiệp cho lao động là người dân tộc thiểu số”. Nhưng Dự thảo Luật Chính phủ trình cũng không có đối tượng là người dân tộc thiểu số”. Lưu ý vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị, Chính phủ làm rõ kết quả thực hiện chính sách và cân nhắc về tính khả thi của việc quy định đối tượng này trong dự thảo Luật; rà soát tổng thể để bảo đảm không bị trùng lặp chính sách, cân đối, phù hợp với các đối tượng đặc thù khác; làm rõ việc không quy định trong dự thảo Luật liệu có làm mất đi chính sách hiện có đối với người lao động là người dân tộc thiểu số hay không?

Tinh gọn bộ máy không ảnh hưởng chi trả trợ cấp

Thảo luận về Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, việc các cơ quan hiện không có ý kiến khác nhau về những nội dung lớn trong dự thảo Luật, đặc biệt đã được thu gọn theo chủ trương, phương pháp làm luật mới. “Dự thảo luật sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hiện bao gồm 8 chương, 64 điều, giảm 30 điều. Bộ LĐ-TB&XH, Thường trực Ủy ban Xã hội đã rất tích cực rà soát, rút các quy định về trình tự, thủ tục, cũng như các quy định liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, qua đó, tạo ra một dự thảo Luật khá gọn”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Về hỗ trợ tiền đóng BH thất nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp tán thành với đề xuất của Chính phủ về bổ sung chế độ hỗ trợ người SDLĐ khi sử dụng lao động là người khuyết tật thông qua việc hỗ trợ tiền đóng BH thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người SDLĐ. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị, Chính phủ làm rõ các vấn đề Thường trực Ủy ban Xã hội còn băn khoăn.

Bộ trưởng  LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, việc hoàn thiện Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) để Quốc hội thông qua tại kỳ họp 9 (tháng 5/2025) sắp tới liên quan nhiều tới việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị. Việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp, cân đối quỹ BH thất nghiệp đều sẽ bị tác động khi đối tượng thu giảm, đối tượng hưởng tăng do bộ phận không nhỏ công chức, viên chức, NLĐ phải nghỉ việc, không có việc làm nhưng lại chưa đủ điều diện hưởng lương hưu. Nội dung này cần được các cơ quan thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu, tại Hội nghị Tổng kết công tác nội vụ toàn quốc, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nêu số người ảnh hưởng khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy là 100.000 người. Bên cạnh đó, về tổ chức bộ máy Bộ LĐ-TB&XH sẽ hợp nhất với Bộ Nội vụ và chuyển một số chức năng, nhiệm vụ về các Bộ Giáo dục và Đào tạo,  Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc… BHXH Việt Nam là cơ quan thực thi chính sách về BHXH cũng sẽ cơ cấu về Bộ Tài chính, tổ chức lại thành đơn vị sự nghiệp công lập, thành 14 ban, giảm 7 đơn vị. Cùng đó, sẽ cơ cấu lại đầu mối bên trong của 63 BHXH cấp tỉnh, giảm 126/500 phòng. BHXH Việt Nam cũng cơ cấu lại 640 BHXH cấp huyện xuống còn 350 BHXH khu vực liên huyện… Do đó, BHXH Việt Nam báo cáo thêm về khả năng cân đối quỹ BH thất nghiệp khi sắp tới đối tượng chi trả sẽ tăng lên do sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị.

Phó Tổng Giám đốc  BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn

Báo cáo tại phiên họp, Phó Tổng Giám đốc  BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, theo Nghị định 178 vừa được Chính phủ ban hành ngày 31/12/2024 về chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy, sẽ có viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp khi tinh giản biên chế mà chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí thì sẽ hưởng chế độ BH thất nghiệp. Chế độ này bao gồm trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề.

Hiện nay, theo đánh giá tác động chung, Bộ Nội vụ đang dự kiến 100.000 người hưởng chế độ theo Nghị định 178. Tuy nhiên, 100.000 người này bao hàm cả công chức và viên chức. “Ở đây việc tham gia, thụ hưởng liên quan đến BH thất nghiệp chỉ có viên chức chứ công chức không liên quan. Hiện, số liệu chưa rõ, tác động công chức là bao nhiêu, viên chức là bao nhiêu. Nên BHXH Việt Nam chưa có số liệu cụ thể để đánh giá tác động với quỹ BH thất nghiệp”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn báo cáo.

Về ảnh hưởng đến việc giải quyết, chi trả BH thất nghiệp không, Phó Tổng Giám đốc cho hay việc giải quyết chi trả không liên quan địa giới hành chính. Do vậy, nếu thực hiện theo mô hình mới, kể cả liên huyện cũng không ảnh hưởng đến việc chi trả cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu có phát sinh chi cho những người viên chức hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Nghị định 178 thì nguồn quỹ để chi vẫn có. Hiện nay kết dư quỹ BH thất nghiệp là khoảng 63.000 tỷ đồng nên nguồn chi để giải quyết “chắc chắn yên tâm”.

Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh ghi nhận, trong thời gian qua, Thường trực Ủy ban Xã hội và các cơ quan liên quan đã nỗ lực cụ thể hóa bốn nhóm chính sách với nhiều điểm mới về quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập. Cùng với đó, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với thực tiễn, trong đó có mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp linh hoạt, sửa đổi các chế độ BH thất nghiệp, tạo thuận lợi cho thực hiện chính sách... Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận, để thúc đẩy việc làm bền vững, dự thảo Luật đã có quy định về tăng cường nguồn vốn, mở rộng đối tượng tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm, hỗ trợ việc làm cho các nhóm đối tượng yếu thế và đặc thù...

Nguyệt Hà