Lương hưu – Giá trị bền vững
05/05/2025 03:52 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Lương hưu không đơn thuần là khoản thu nhập cố định tại thời điểm nghỉ hưu, mà có giá trị được bảo toàn và không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá. Với cơ chế điều chỉnh định kỳ dựa trên chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, lương hưu trở thành điểm tựa vững chắc cho người lao động sau khi rời xa công việc, tránh được rủi ro từ lạm phát và biến động thị trường.
An tâm hưởng tuổi già với lương hưu
Tại khối An Mỹ, xã Cẩm Châu, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc Thành phố Đà Nẵng), căn nhà nhỏ của vợ chồng cô Lê Thị Tuyết Mai (64 tuổi) và bác Lê Tới (65 tuổi) luôn ấm áp tiếng cười. Sau nhiều năm gắn bó với sự nghiệp và tham gia đầy đủ các chế độ BHXH, giờ đây, hai vợ chồng cô Mai đã có thể an tâm tận hưởng tuổi già với đồng lương hưu ổn định mỗi tháng.
Cô Mai từng có 10 năm công tác trong quân đội, sau đó tiếp tục làm cán bộ dân số tại địa phương. Để đủ điều kiện nghỉ hưu, cô chủ động tham gia thêm 3 năm BHXH tự nguyện. Năm 2017, cô chính thức nhận lương hưu với mức khởi điểm 1,050 triệu đồng/tháng. Nhờ chính sách điều chỉnh lương định kỳ của Nhà nước, đến nay, lương hưu của cô đã tăng lên gần 2 triệu đồng/tháng. Bác Lê Tới – chồng cô Mai – cũng nghỉ hưu từ năm 2015 sau nhiều năm công tác cấp xã. Từ mức lương hưu ban đầu 2,5 triệu đồng/tháng, hiện tại, bác đang nhận hơn 3,2 triệu đồng mỗi tháng.
Ngồi bên luống rau xanh tốt trong vườn nhà, cô Mai chia sẻ: “Tuy lương hưu của hai vợ chồng không cao hơn 5 triệu đồng/tháng, nhưng cũng đủ để lo toan cuộc sống tuổi già. Lương hưu giúp chúng tôi không phải phụ thuộc con cái, thỉnh thoảng có chút tiền cho các cháu. Cảm giác ấy thật hạnh phúc!”
Cô Mai nhớ lại đợt điều chỉnh lương hưu gần đây nhất vào tháng 7/2024. Với mức tăng 15%, vợ chồng cô có thêm gần 200.000 đồng mỗi tháng – số tiền không nhỏ với người cao tuổi ở vùng quê. “Chúng tôi già rồi, ăn uống chẳng bao nhiêu, nhưng mỗi đồng tăng thêm đều rất quý. Có thêm đồng ra đồng vào để mua thuốc men, chi phí sinh hoạt hay cho các cháu chút quà bánh. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, điều chỉnh kịp thời để người nghỉ hưu như chúng tôi được yên tâm hơn mỗi ngày” – cô xúc động nói.
Câu chuyện của vợ chồng cô Mai chỉ là một trong hàng triệu người đang hưởng lương hưu minh chứng cho thấy hiệu quả thiết thực của chính sách BHXH. Với phương châm “người tham gia hôm nay là người thụ hưởng ngày mai”, trong những năm qua, BHXH Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để đảm bảo quyền lợi cho người dân, nhất là công tác chi trả lương hưu và trợ cấp hàng tháng. Tính đến nay, hàng triệu người trên cả nước đang được thụ hưởng lương hưu và các chế độ BHXH, nhiều người trong số đó đã bày tỏ sự hài lòng và tin tưởng vào sự tận tâm, chuyên nghiệp của hệ thống BHXH.
Lương hưu luôn được điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo cuộc sống cho người tham gia
Khi tham gia BHXH, người lao động không chỉ được bảo đảm quyền lợi trước mắt, mà còn được bảo vệ trong suốt hành trình về già. Lương hưu – khoản thu nhập ổn định hằng tháng – chính là minh chứng rõ nét cho tính nhân văn và bền vững của chính sách an sinh xã hội Việt Nam.
Chỉ cần đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu và thời gian tham gia, người lao động sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng cùng với thẻ BHYT miễn phí, với mức chi trả 95% chi phí khám chữa bệnh. Đây không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là sự bảo đảm về sức khỏe – điều đặc biệt quan trọng khi tuổi cao, sức yếu.
Điều đáng chú ý là lương hưu không phải là con số “cố định” tại thời điểm nghỉ hưu, mà được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cơ chế này giúp người nghỉ hưu luôn được bảo toàn giá trị thu nhập, tránh rủi ro từ trượt giá, đảm bảo đời sống ổn định trong bối cảnh kinh tế biến động.
Theo nguyên tắc của BHXH, mức lương hưu phụ thuộc vào mức đóng, thời gian đóng và có yếu tố chia sẻ giữa những người tham gia BHXH. Cụ thể, người có mức đóng cao, thời gian đóng dài sẽ có mức lương hưu cao hơn. Ngược lại, những trường hợp có lương hưu thấp thường là do người lao động đóng ở mức tối thiểu, chỉ đủ thời gian nghỉ hưu, hoặc nghỉ hưu trước tuổi nên bị trừ tỷ lệ.
Tuy vậy, chính sách BHXH luôn có tính nhân văn và linh hoạt để bảo vệ người hưởng trong mọi hoàn cảnh. Một số ý kiến từng lo lắng rằng lương hưu có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Thực tế, quy định đã tính đến yếu tố trượt giá trong suốt thời gian hưởng lương hưu. Mức đóng được điều chỉnh qua các thời kỳ, và lương hưu cũng được tăng tương ứng với chỉ số giá tiêu dùng, đảm bảo thu nhập cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu.
Thời gian qua, mức lương hưu của người nghỉ hưu liên tục được nâng lên, trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH. Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 24 lần điều chỉnh lương hưu, tăng từ 21 đến 26 lần so với thời điểm năm 1995. Gần đây nhất, từ ngày 01/7/2024, mức lương hưu được điều chỉnh tăng thêm 15%. Đặc biệt, đối với những người nghỉ hưu trước ngày 01/01/1995, nếu sau điều chỉnh lương hưu vẫn dưới 3,2 triệu đồng/tháng, sẽ tiếp tục được cộng thêm 300.000 đồng/người/tháng. Những con số này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với nhóm người hưởng lương hưu thấp – những người dễ bị tổn thương trong xã hội.
Trong quá trình triển khai chính sách, BHXH Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều ý kiến tích cực từ người dân. Không ít người cao tuổi bày tỏ sự hài lòng với lương hưu và thẻ BHYT đang được hưởng, đồng thời chủ động động viên con cháu tham gia BHXH để bảo vệ tương lai.
Còn có những trường hợp người lao động từng lựa chọn nhận BHXH một lần, giờ đây lại tiếc nuối, mong muốn được nộp lại số tiền đã nhận để tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Họ nhận ra, khi tuổi già và bệnh tật ập đến, không chỉ cần tiền sinh hoạt, mà thẻ BHYT và lương hưu là tấm lá chắn quan trọng nhất để vượt qua những ngày tháng khó khăn.
Việc điều chỉnh tăng lương hưu không chỉ đơn thuần là một con số, mà là cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc cải thiện đời sống cho người nghỉ hưu, đặc biệt là những người có mức lương hưu thấp. Sự quan tâm ấy không chỉ thể hiện qua các chính sách, mà còn qua những hành động thiết thực và liên tục theo thời gian.
Tham gia BHXH hôm nay – không chỉ là vì ngày mai của chính mỗi người lao động, mà còn là sự chuẩn bị chu đáo cho một cuộc sống an nhiên, tự chủ và hạnh phúc khi tuổi già đến./.
Thái Dương
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
[Phóng sự] BHXH Việt Nam - 30 năm hành trình an ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?