Báo chí trong kỷ nguyên số sẽ không thể tách rời công nghệ
18/03/2024 08:03 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 16/3, tại Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024, tiếp tục diễn ra phiên thảo luận thứ hai về 7 chủ đề: Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn; đa dạng hóa nguồn thu các cơ quan báo chí; nâng cao chất lượng phóng sự, phóng sự điều tra; quyền sở hữu trí tuệ tác phẩm truyền hình trong thế giới AI; năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thế giới AI; mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, DN và đại lý quảng cáo; bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số.
Các phiên thảo luận đã thu hút sự quan tâm của đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan báo, đài ở Trung ương và địa phương, nhất là các chủ đề liên quan đến nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí và nguồn thu của báo chí, truyền thông.
Mô hình tòa soạn hội tụ
Trình bày tham luận “Giải pháp công nghệ dành cho tòa soạn hội tụ trong công cuộc chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam”, ông Bùi Công Duyến- Giám đốc Sản phẩm tòa soạn hội tụ ONECMS (Công ty CP Công nghệ NEKO) thông tin, mô hình tòa soạn hội tụ đang rất phổ biến trên thế giới. Do đó, để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số và phát triển báo chí hiện đại, ông Duyến cho rằng, các tòa soạn, nhất là báo Đảng ở địa phương nên xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ. Bởi, ưu điểm của mô hình này là tất cả công việc của tòa soạn sẽ được quản lý đồng bộ, dễ dàng trên một phần mềm duy nhất. Cũng nhân dịp này, ông Bùi Công Duyến đã giới thiệu tới đại biểu công cụ quản trị tòa soạn hiện đại, trong đó tích hợp nhiều tiện ích như: Thiết kế các ấn phẩm MegaStory, E-Magazine, Longform; quản trị song song báo in và báo điện tử; gợi ý từ khóa, kiểm tra lỗi chính tả...
Phát biểu đề dẫn phiên thảo luận, ông Nguyễn Hoàng Nhật- Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus cho rằng, báo chí trong kỷ nguyên số sẽ không thể tách rời công nghệ, thậm chí công nghệ đang dẫn dắt báo chí và đa phần các tòa soạn lớn sẽ phát triển theo xu hướng trở thành các tập đoàn công nghệ, truyền thông. Tuy nhiên, muốn thực hiện tham vọng đó, các tòa soạn cần phải đa dạng hóa nguồn thu, phát triển những mô hình kinh doanh kỹ thuật số. Như vậy, việc đầu tư cho công nghệ cũng chính là hướng đến phương thức tạo nguồn thu mới, thay thế cho các nguồn thu truyền thống.
Cùng với đó, theo ông Nhật, trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành nhân tố có thể làm thay đổi cuộc chơi, không chỉ với báo chí, mà còn trên bình diện rộng hơn. Dẫn lời CEO của tập đoàn truyền thông Ringier- Ladina Heimgartner, gần đây có nói rằng "báo chí đã để lỡ tàu trong cuộc cách mạng công nghệ, kết quả là đã bị các nền tảng xuyên biên giới bỏ xa, nên báo chí hãy tranh thủ cưỡi sóng trong cuộc cách mạng AI", ông Nhật chỉ rõ, các cơ quan báo chí Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ việc thiếu hành lang pháp lý cho đến công nghệ lõi để bước vào sân chơi này.
Cũng tại phiên thảo luận, đại diện Báo Nhân Dân trình bày các tham luận: “Giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ cho báo chí Châu Á-Thái Bình Dương của Google”; “Vai trò của tác phẩm báo chí tương tác đa phương tiện và ứng dụng AI trong sản xuất”. Đồng thời, đại biểu tham gia tọa đàm chuyên sâu cùng các chuyên gia báo chí, truyền thông, trong đó tập trung trao đổi giải pháp công nghệ cho báo chí Việt Nam trong bối cảnh nguồn thu truyền thống ngày càng bị thu hẹp.
Đề xuất giảm thuế thu nhập cho các sản phẩm của cơ quan báo chí
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, nguồn thu của các cơ quan báo chí trải theo phổ rất rộng từ 200-300 triệu cho đến mức 4-5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế chỉ có khoảng 1-2 cơ quan báo chí có nguồn thu ở mức nghìn tỷ. Do đó, có thể thấy, chưa bao giờ nguồn thu bị tác động mạnh như bây giờ, nhất là nguồn thu của các cơ quan báo chí bị ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường mới.
"Chưa bao giờ nguồn thu từ thị trường lại có tác động mạnh như bây giờ"- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhận định và cho biết xu hướng quảng cáo đang chuyển dịch sang nhiều không gian khác như không gian số. Do vậy, các cơ quan báo chí cũng cần tiếp cận nhiều con đường khác để tìm kiếm nguồn thu.
Trình bày tham luận, ông Nguyễn Quang Đồng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) nhìn nhận sự bùng nổ và xâm nhập sâu sắc của công nghệ số đã làm thay đổi căn bản thị trường báo chí. Do vậy, ông Đồng cho rằng, các tòa soạn cần đa dạng hóa tiếp cận độc giả bằng cách tiếp cận các nền tảng mạng xã hội nhiều hơn, bởi có độc giả mới có nguồn thu.
Đồng thời, ông Nguyễn Quang Đồng cũng kiến nghị các bộ liên quan đề xuất cơ chế giảm thuế cho các sản phẩm báo chí và các cơ quan báo chí, để báo chí có thêm nguồn lực đầu tư cho công nghệ, nội dung. Mặt khác, các cơ quan cũng tạo cơ chế đơn giản hóa thủ tục giải ngân đối với nguồn thu từ truyền thông chính sách. Về dài hạn, cần có cơ chế thúc đẩy xã hội hóa để tăng nguồn đầu tư, nhất là đầu tư năng lực công nghệ, kinh doanh cho các cơ quan báo chí...
Người làm báo chí điều tra cần được xem là những người thi hành công vụ
Thảo luận xoay quanh việc ra đời của các bài phóng sự điều tra- sản phẩm mang tính “xương sống” của các cơ quan báo chí, truyền thông, nhà báo Hồ Quang Lợi- nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, hiện nay, hệ thống pháp luật chưa đủ để bảo vệ các nhà báo. Do đó, cần phải có quy định rõ ràng hơn, đủ hiệu năng hơn; cũng như cần những người thực thi pháp luật để bảo vệ các nhà báo.
Đồng quan điểm, nhà báo Phùng Công Sưởng- Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong nêu những thách thức mang tính sống còn trong việc phát triển thể loại báo chí điều tra, đó là: Những nguy cơ pháp lý mà nhà báo điều tra hay gặp phải, bao gồm việc sử dụng những tài liệu chưa được giải mật; thông tin về những vấn đề đang trong quá trình điều tra theo quy trình tố tụng, nhưng sau khi kết luận thì thông tin không như báo nêu; tiếp cận thông tin từ các nguồn chưa được kiểm chứng; người cung cấp thông tin không phải là người đúng thẩm quyền; nhập vai trong quá trình tác nghiệp vượt giới hạn cho phép dẫn đến vi phạm pháp luật, thậm chí bị đe doạ và bị hành hung.
"Trong luật chưa thừa nhận nhà báo khi tác nghiệp là người thi hành công vụ. Đó cũng chính là những rủi ro cho người làm điều tra"- ông Sưởng khẳng định. Vì vậy theo ông Sưởng, để có sản phẩm báo chí điều tra hay, ngoài nỗ lực của các phóng viên, nhà báo, thì cần có cơ chế chính sách phù hợp về điều kiện làm việc, thu nhập, nhằm khuyến khích những cây viết lĩnh vực này yên tâm công tác, có thu nhập khá, có sự đảm bảo khi gặp rủi ro, sự cố, cần thiết có thể thành lập quỹ phòng ngừa rủi ro...
Nhà báo Hồng Vinh- nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đánh giá cao các ý kiến tham luận; đồng thời khẳng định, điều xã hội quan tâm là nhà báo sẽ mang lại điều gì có ích cho nhân dân. "Người làm điều tra cần xác định rõ việc mình làm có vì lợi ích nhóm hay không, có phải để nổi danh hơn hay không? Quan trọng và cao cả hơn, mỗi người cần khẳng định mình đang chống tiêu cực để hướng tới mục tiêu có ích cho xã hội, cho nhân dân và dấn thân để đi tới cùng"- nhà báo Hồng Vinh chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến này, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, điều quan trọng nhất là khả năng tác nghiệp của các nhà báo. "Mỗi nhà báo phải trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, hiểu biết xã hội và đặc biệt là khả năng tác nghiệp. Mỗi phóng viên phải tự bảo vệ được mình mới có thể bảo vệ được sự thật và lẽ phải"- nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Lê Văn
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?