15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW: Chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống
16/04/2024 02:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 16/4, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế trong tình hình mới”.
Chủ trì Hội nghị gồm: Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án tổng kết chỉ thị số 38-CT/TW; Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam có: Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cương; các Phó Tổng Giám đốc: Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn; đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế; lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Ban Tuyên giáo; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân. Điểm cầu BHXH các tỉnh, thành phố có: Đại diện, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo; lãnh đạo BHXH tỉnh, thành phố và các phòng liên quan, BHXH cấp huyện.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu BHXH Việt Nam
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, ngày 07/9/2009 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới. Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, đã tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách BHYT từ Trung ương đến địa phương, lan tỏa đến người dân.
Việc triển khai Chỉ thị số 38-CT/TW được ngành BHXH Việt Nam thực hiện nghiêm túc, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; 100% cấp ủy Đảng; đơn vị trực thuộc, BHXH cấp tỉnh và cấp huyện đã phổ biến quán triệt tới từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. BHXH Việt Nam đã hoàn thành các nhiệm vụ được Ban Bí thư giao tại Chỉ thị số 38-CT/TW gồm: Quán triệt và nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đơn vị sử dụng lao động, cơ sở KCB và người tham gia về vị trí, vai trò và ý nghĩa của BHYT; Tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về BHYT; Đổi mới công tác thông tin truyền thông và tuyên truyền về BHYT.
Cụ thể, trong công tác xây dựng thể chế, chính sách pháp luật để pháp quy hóa Chỉ thị: Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT, BHXH Việt Nam nắm bắt rõ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; nên thường xuyên, chủ động đánh giá, sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, tổng hợp từ địa phương tới trung ương về những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi chính sách, đánh giá tác động, đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT cho phù hợp. Cùng với đó, ngành BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các Ban của đảng (đặc biệt là Ban Tuyên giáo Trung ương); các bộ, ban, ngành; tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể; cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương để tuyên truyền phổ biến Chỉ thị và chính sách BHYT tạo sự ủng hộ, đồng thuận của toàn xã hội trong suốt quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách.
Thứ hai, độ bao phủ BHYT đã tăng nhanh và phát triển bền vững: Trước khi Ban Bí thư có Chỉ thị 38, năm 2008, toàn quốc mới chỉ có 39,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số, đến năm 2023 đã có 93,6 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, tỷ lệ bao phủ đạt 93,35% dân số.
Thứ ba, công tác KCB BHYT: Hằng năm, bình quân có trên 150 triệu lượt người KCB, quỹ BHYT chi trả trên 100 nghìn tỷ đồng. Năm 2023 có trên 174 triệu lượt KCB BHYT. Hệ thống KCB BHYT được tổ chức tốt từ trung ương đến địa phương, bao gồm các cơ sở KCB công lập và tư nhân đã tạo thuận lợi cho việc tiếp cận dịch vụ KCB của người có thẻ BHYT.
Thứ tư, công tác giám định, công tác thanh tra, kiểm tra đã có những thay đổi cơ bản trong hoạt động góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý sử dụng quỹ BHYT. Trong đó, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở, Ban, Ngành tại địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; đảm quyền lợi của người tham gia BHYT. Qua đó phát hiện nhanh chóng, kịp thời các trường hợp có dấu hiệu lạm dụng hoặc sử dụng quỹ BHYT không hợp lý, góp phần giảm chi quỹ BHYT hàng nghìn tỷ đồng.
Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị
Thứ năm, ứng dụng công nghệ thông tin; Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC); chuyển đổi số: Hiện nay, người dân có thể sử dụng đa nền tảng khi đi khám chữa bệnh bằng CCCD, ứng dụng VssID - BHXH số, ứng dụng định danh điện tử VNeID. Với việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD, người bệnh BHYT chỉ cần sử dụng CCCD để làm thủ tục KCB, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đang thí điểm xác thực thông tin sinh trắc trên CCCD gắn chip trong KCB BHYT. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác KCB BHYT, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia.
“Những kết quả nêu trên về công tác BHYT không phải của riêng ngành BHXH Việt Nam mà là kết quả của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của cả cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương đến địa phương. Thay mặt Ban Cán sự đảng, lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam, tôi xin trân trọng cảm ơn Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành ở Trung ương, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã quan tâm, giúp đỡ ngành BHXH Việt Nam trong việc thực hiện tốt chính sách BHYT”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách BHYT; tăng độ bao phủ, quyền lợi người tham gia
Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, Ngành, địa phương, BHXH các tỉnh, thành phố đã có tham luận, phát biểu ý kiến làm rõ hơn các kết quả trong triển khai Chỉ thị số 38-CT/TW tại địa phương, đơn vị. Qua đó khẳng định: Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư là chủ trương lớn của Đảng, làm thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành cũng như người dân trong việc thực hiện chính sách BHYT nói riêng và chính sách an sinh xã hội nói chung của đất nước. Sau 15 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính sách BHYT đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Một số Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp của một số tỉnh, thành phố chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ triển khai chính sách pháp luật BHXH, BHYT nói chung và công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT nói riêng; còn coi nhiệm vụ về công tác BHXH, BHYT là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH Việt Nam; Chưa bố trí được nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho một số người tham gia như người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình... Việc sửa đổi chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực BHYT ngoài yếu tố đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể thì hiện nay còn thiếu tính linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng, phù hợp với từng điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi giai đoạn. Sự phối hợp giữa cơ quan BHXH, Sở Y tế, các cơ sở KCB BHYT trong quản lý sử dụng quỹ BHYT còn hạn chế; kinh phí KCB BHYT tại một số cơ sở KCB chưa được sử dụng hiệu quả, tiết kiệm...
Điểm cầu BHXH một số địa phương tham dự Hội nghị
Vì vậy, tại Hội nghị, các đại biểu đã có nhiều đề xuất, kiến nghị để tiếp tục thực hiện toàn diện, thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ tại Chỉ thị số 38-CT/TW. Trong đó đề xuất, Ban Bí thư Trung ương Đảng xem xét tiếp tục ban hành văn bản mới về đẩy mạnh công tác BHYT để phù hợp trong tình hình mới. Quốc hội tăng cường hơn nữa việc giám sát quá trình thực thi pháp luật về BHYT tại các địa phương, doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy định pháp luật về BHYT, đặc biệt là sửa đổi Luật BHYT phù hợp với tinh thần của Chỉ thị 38-CT/TW và các Nghị quyết của Trung ương, đảm bảo nguyên tắc cộng đồng, chia sẻ và công bằng trong KCB BHYT. Đối với Chính phủ, tiếp tục giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT và dự toán chi KCB hàng năm, là một trong các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương; Ban hành chế tài xử lý đối với các trường hợp cơ sở KCB vi phạm hợp đồng KCB BHYT…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai khái quát lại các kết quả lớn, nổi bật trong thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW 15 năm qua; đồng thời nhấn mạnh, những kết quả đó đã khẳng định chính sách BHYT đã thực sự góp phần đảm bảo an sinh xã hội và công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và quỹ BHYT đã trở thành nguồn tài chính quan trọng góp phần chăm lo sức khỏe cho người dân, mang lại chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn.
“Thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, tôi xin chúc mừng những kết quả đạt được của Ban cán sự Đảng và ngành BHXH Việt Nam trong thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW thời gian qua. Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, trân trọng cảm ơn sự nỗ lực của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo và công chức, viên chức cơ quan BHXH các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của ngành BHXH Việt Nam với các ngành, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị này” - đồng chí Vũ Thanh Mai nói.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án tổng kết chỉ thị số 38-CT/TW phát biểu tại Hội nghị
Thời gian tới, đồng chí Vũ Thanh Mai đề nghị, Ban Cán sự Đảng và cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành BHXH Việt Nam phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế đã chỉ ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên giáo các cấp triển khai, quán triệt để mỗi người dân, doanh nghiệp, hộ gia đình nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của chính sách BHYT, để mọi người thấy rõ quyền lợi thiết thực khi tham gia BHYT, từ đó hình thành ý thức tự nguyện, tự giác tham gia. Hai là, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện các quy định, chính sách về BHYT tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ba là, phối hợp chặt chẽ với Ngành Y tế nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT, đồng thời nâng cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn kinh phí KCB BHYT. Bốn là, cơ quan BHXH các cấp cần chủ động nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHYT; kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện BHYT toàn dân. BHXH Việt Nam nghiên cứu, đề xuất với các cấp, các ngành sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát huy kết quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong BHYT quản lý hiệu quả, ngăn ngừa, chống lạm dụng, lãng phí Quỹ KCB BHYT, đảm bảo sử dụng hiệu quả, cân đối thu - chi.
Đồng chí Vũ Thanh Mai cũng đề nghị, Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH, Sở Y tế các tỉnh trong việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương về chính sách BHYT; tham mưu Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo thực hiện đạt các mục tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ bao phủ đạt 95% dân số.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa, thay mặt Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Ban Bí thư, sự hỗ trợ và tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp vào cuộc của các bộ, ngành liên quan trong triển khai Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư, góp phần quan trọng để ngành BHXH Việt Nam hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao trong 15 năm qua. Trong giai đoạn tiếp theo, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa trong triển khai thực hiện chính sách BHYT, đáp ứng ngày càng cao hơn trong mục tiêu BHYT toàn dân, công tác khám chữa bệnh BHYT, yêu cầu về quản lý quỹ trong bối cảnh nền kinh tế xã hội có sự thay đổi nhanh và phức tạp.
Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa phát biểu kết thúc Hội nghị
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về BHYT, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai, quán triệt để mỗi người dân, doanh nghiệp, hộ gia đình nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của chính sách BHYT. BHXH các địa phương cần tăng cường tham mưu để tỉnh ủy, HĐND, UBND tiếp tục giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT đến cấp xã, là một trong những chỉ tiêu kinh tế - xã hội; Quy định giá dịch vụ KCB BHYT phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương; Chỉ đạo Sở Y tế, cơ sở KCB thực hiện các giải pháp nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí KCB BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT./.
Phạm Chính
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?