05 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị
10/05/2024 01:53 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 15/01/2019 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Theo đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bình Thuận đã phổ biến, quán triệt đến tất cả công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.
Mục tiêu của Nghị quyết đề ra đến năm 2025, đối với nguồn nhân lực, tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dưới 33% tổng số lao động của cả nước; khắc phục cơ bản tình trạng mất cân đối cung - cầu nhân lực trong nền kinh tế; thiết lập hệ thống sắp xếp công việc dựa trên vị trí việc làm, củng cố hệ thống chức nghiệp thực tài. Đối với nguồn vật lực, hình thành hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, hiện đại; hoàn thành dứt điểm các công trình có tính chất cấp bách, trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, nâng cấp hạ tầng kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và kết cấu hạ tầng đô thị. Đối với nguồn tài lực, mức dự trữ quốc gia đạt 0,8%-1,0% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt 55% GDP; giữ vững an ninh tài chính quốc gia; bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước...
Đối với cơ quan BHXH tỉnh Bình Thuận luôn xác định BHXH, BHYT là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển hệ thống BHXH đa tầng đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; thực hiện nguyên tắc có đóng, có hưởng, quyền lợi tương ứng với nghĩa vụ, có sự chia sẻ, bảo đảm công bằng và bền vững của hệ thống. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao tỷ lệ lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN; tăng số lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức, BHXH tự nguyện, thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH cho tất cả người lao động và BHYT toàn dân.
BHXH tỉnh phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, BHTN với người lao động
Vì vậy, cơ quan BHXH luôn tranh thủ và tận dụng, vận động các nguồn lực xã hội để trao tặng thẻ BHYT, sổ BHXH tự nguyện cho người dân, người lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được tiếp cận và hưởng thụ chính sách BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước khi không may ốm đau, bệnh tật và mất thu nhập…
Tuy nhiên, Bình Thuận là tỉnh có cơ cấu kinh tế chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ; quy mô các doanh nghiệp phần lớn là nhỏ và siêu nhỏ, sử dụng ít lao động; hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa khôi phục hoàn toàn. Số người tham gia BHXH còn thấp so với lực lượng lao động trong độ tuổi của tỉnh, độ bao phủ BHXH tăng chậm; công tác phát triển người tham gia BHYT chưa thật sự bền vững, tỷ lệ bao phủ BHYT còn thấp so với tỷ lệ chung của toàn quốc. Đời sống kinh tế và thu nhập của người dân ở vùng biển, vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội, vùng bãi ngang ven biển, người lao động tự do vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn; sản phẩm nông nghiệp đặc thù ở địa phương làm ra có giá thị trường không ổn định nên người dân không đủ thu nhập để tiếp tục tham gia lại hoặc tham gia mới BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế của địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, khả năng huy động ngân sách Nhà nước cho an sinh xã hội còn hạn chế; hệ thống chính sách an sinh xã hội chưa thật sự đồng bộ, thiếu sự gắn kết, chưa khuyến khích người dân tích cực tham gia BHXH, BHYT. Sự phối hợp giữa cơ quan BHXH với các ngành, các cấp trong công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHTN mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng có lúc còn chưa đồng bộ, chưa có nhiều nội dung phối hợp chuyên đề, mà chủ yếu là kết hợp tuyên truyền lồng ghép. Mặt khác, một số các cơ quan, đơn vị và địa phương vẫn còn coi công tác tuyên truyền BHXH, BHYT, BHTN là việc của riêng ngành BHXH. Vì vậy, cơ quan BHXH cũng gặp những khó khăn nhất định trong công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BHTN đến các tầng lớp nhân dân.
Trong thời gian tới, với mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 85%; đến năm 2030 phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 90%.
Với sự nỗ lực và quyết tâm, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, của các cấp, các ngành, các đơn vị tin tưởng rằng những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra sẽ đạt được ở mức cao nhất./.
Hoàng Nhân
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?