Thực hiện chính sách BHXH,BHYT: Cần phát huy tinh thần trách nhiệm, sáng tạo
05/02/2025 07:42 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
* PV: Cải cách chính sách và tổ chức thực hiện chính sách BHXH gắn với việc ra đời của ngành BHXH Việt Nam cách đây 30 năm- đây được coi là một dấu mốc quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam. Bà đánh giá thế nào về bước chuyển quan trọng này?
- Bà Nguyễn Thanh Cầm:
Đảm bảo an sinh xã hội chính là nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị-xã hội. Chính vì thế, ở nhiều quốc gia, chính sách BHXH, BHYT- những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội đặc biệt được coi trọng. Ngay từ khi giành được độc lập, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành chính sách BHXH và sau đó đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Trong giai đoạn trước Đổi mới, chính sách BHXH chỉ áp dụng cho cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu vực nhà nước và lực lượng vũ trang; quỹ BHXH chủ yếu do NSNN đảm bảo; các chế độ được thực hiện phân tán bởi tổ chức BHXH thuộc hệ thống LĐ-TB&XH và LĐLĐ Việt Nam.
Từ Đại hội VI của Đảng, đất nước bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới; quan hệ lao động theo cơ chế mới cũng hình thành, đòi hỏi phải có những thay đổi tương ứng về chính sách xã hội, trong đó có chính sách BHXH. Vì vậy, năm 1994, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động, trong đó có một chương quy định về BHXH bắt buộc. Theo đó, Bộ luật Lao động đã quy định tất cả NLĐ làm công ăn lương trong các đơn vị thuộc mọi thành phần kinh tế đều là đối tượng tham gia BHXH. Từ chỗ chủ yếu do NSNN đảm bảo, theo cơ chế mới, quỹ BHXH trở thành quỹ độc lập với ngân sách, hình thành trên cơ sở đóng góp chủ SDLĐ, NLĐ và được Nhà nước bảo trợ…
Cùng với việc đổi mới chính sách, ngày 16/2/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP về việc thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống LĐ-TB&XH và LĐLĐ. Hệ thống BHXH Việt Nam được tổ chức và quản lý theo hệ thống tập trung, thống nhất theo 3 cấp (trung ương, tỉnh, huyện) có nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách BHXH...
Có thể nói, đây là bước đổi mới quan trọng trong hệ thống chính sách và việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, nhằm đáp ứng nhiều mục tiêu như: Tạo sự công bằng về quyền lợi đối với lao động thuộc tất cả các thành phần kinh tế; giảm dần bao cấp từ NSNN, đồng thời nâng cao trách nhiệm thực hiện chính sách của cả người SDLĐ và NLĐ; tạo điều kiện cho các hoạt động BHXH, BHYT ngày càng hiệu quả, phù hợp với đường lối đổi mới của đất nước và xu hướng chung của thế giới...
Tiếp tục thực hiện tiến trình cải cách bộ máy, ngày 24/1/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg chuyển BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam. Từ thời điểm này, ngoài việc đảm bảo các chế độ BHXH cho NLĐ, BHXH Việt Nam còn được giao thêm nhiệm vụ thực hiện chế độ BHYT cho các đối tượng tham gia BHYT.
* Theo bà, những bước chuyển quan trọng này cũng như việc hoàn thiện hệ thống chính sách BHXH, BHYT đã tạo nên những tác động thế nào trong việc thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra?
- Hệ thống chính sách an sinh xã hội đã được cải cách mạnh mẽ từ đầu những năm 1990 đến nay, trong đó lấy hệ thống BHXH, BHYT làm nòng cốt trên cơ sở nguyên tắc 3 bên: NLĐ, người SDLĐ và Nhà nước cùng tham gia để giảm bớt gánh nặng cho NSNN. Hệ thống chính sách và các quan hệ BHXH được thiết kế, vận hành ngày càng phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, góp phần phát triển thị trường lao động, xây dựng, hoàn thiện quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ngành liên quan, cùng sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, viên chức trong hệ thống, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được những bước tiến vững chắc với những kết quả khá toàn diện, nổi bật. Theo đó, trong nhiều năm qua, BHXH Việt Nam triển khai hiệu quả công tác phát triển đối tượng tham gia, chăm lo tốt cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ. Đồng thời, đề xuất với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi một số quy định để Luật BHXH, Luật BHYT đi vào cuộc sống, thực sự trở thành những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, từng bước xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của DN, NLĐ và nhân dân.
Nếu như năm 1995, ngành BHXH Việt Nam chỉ mới quản lý 2,2 triệu lao động tham gia BHXH, thì đến năm 2024 đã có trên 20 triệu người tham gia BHXH (cả bắt buộc và tự nguyện), chiếm 42,7% lực lượng lao động; trên 92 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 94% dân số. Việc giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã được ngành BHXH Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ cũng như đơn vị SDLĐ; công tác quản lý đối tượng hưởng BHXH và quản lý, lưu trữ hồ sơ đảm bảo khoa học, an toàn và chặt chẽ.
Chính sách BHYT cũng không ngừng được thay đổi. Đáng chú ý, năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật BHYT và mới đây đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Đây là những cơ sở pháp lý cao nhất thể chế hoá quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế thông qua BHYT, với mục tiêu BHYT toàn dân, xây dựng nền y tế Việt Nam theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Công tác KCB BHYT trong những năm gần đây đã có nhiều cải tiến theo hướng thuận lợi hơn cho người bệnh. Trung bình mỗi năm có trên 150 triệu lượt người được đảm bảo quyền lợi KCB, với chi phí hàng chục ngàn tỷ đồng; quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng. Quỹ BHYT đã trở thành nguồn tài chính quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng nguồn chi cho công tác KCB, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Ngoài ra, nguồn quỹ BHXH đã được dùng để đầu tư tăng trưởng, là nguồn vốn quan trọng để Nhà nước đầu tư vào các dự án phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, dân sinh, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, qua đó đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Những kết quả thực hiện chính sách BHXH trong hơn 75 năm qua, đặc biệt là trong 30 năm gần đây, là hết sức to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Những kết quả đó đã thể hiện rõ vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, là cơ sở quan trọng trong việc đảm bảo ổn định xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
* Căn cứ vào những định hướng lớn và mục tiêu đã được xác định như BHXH cho mọi NLĐ, BHYT toàn dân, chúng ta có thể nhận thấy những kết quả và sự cố gắng của ngành BHXH Việt Nam vẫn còn khoảng cách không nhỏ. Theo bà, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?
- Bên cạnh những kết quả căn bản như đã nói, hiện nay, công tác BHXH, BHYT vẫn còn những hạn chế nhất định. Điều này không chỉ ngành BHXH Việt Nam rất trăn trở, mà Đảng, Nhà nước và nhân dân cũng hết sức quan tâm- đó là đến nay số người tham gia BHXH vẫn còn khoảng cách khá xa so với số lao động của cả nước, độ bao phủ BHXH còn thấp. Cùng với đó, chất lượng an sinh cũng là vấn đề cần quan tâm, mức lương hưu vẫn còn thấp nên rất khó khuyến khích NLĐ thay đổi nhận thức về vai trò và lợi ích khi tham gia BHXH. NLĐ chưa nhận thức được rằng BHXH chính là khoản tích luỹ để tự bảo đảm an sinh cho cuộc sống trong tương lai của mình. Các vấn đề về bình đẳng theo nguyên tắc đóng-hưởng giữa khu vực công và khu vực tư, quỹ BH hưu trí đang giảm dần khả năng tích luỹ, số người hưởng lương hưu ngày càng tăng cùng với tốc độ già hoá dân số...
Những hạn chế trên có nguyên nhân chính từ sự hạn chế trong nhận thức về chính sách BHXH, BHYT. Về phía người SDLĐ do không nhận thức đúng, đủ nghĩa vụ của mình, nên đã tìm cách trốn tránh, không đăng ký tham gia BHXH, BHYT cho đủ số lao động mà mình sử dụng. Không ít đơn vị dù đã đăng ký nhưng lại đóng chậm, đóng thiếu, thường xuyên nợ đọng, thậm chí còn chiếm dụng phần tiền đóng BHXH, BHYT của NLĐ để sử dụng vào mục đích khác... gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Đồng thời, một bộ phận NLĐ chỉ quan tâm đến vấn đề việc làm, thu nhập trước mắt, mà không nghĩ đến việc bảo vệ quyền lợi của mình về lâu dài, nên đã không đấu tranh với chủ SDLĐ để được tham gia BHXH, BHYT. Trong khi đó, dù có luật, nhưng chế tài đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT vẫn còn thấp, chưa tương ứng với mức vi phạm, nên không đủ sức răn đe.
* Từ những nhận định trên, theo bà, ngành BHXH Việt Nam cần có những giải pháp gì để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ ngày càng lớn trong giai đoạn tới?
- Theo quan điểm của tôi, BHXH Việt Nam không đơn thuần chỉ là cơ quan thực hiện thu, chi, quản lý quỹ BHXH, quỹ BHYT..., mà còn là cơ quan thay mặt Đảng và Nhà nước thực hiện chính sách, đưa tính ưu việt của chính sách đến với người dân. Với nhiệm vụ như vậy, cơ quan BHXH nói chung, mỗi cán bộ BHXH nói riêng phải xác định rõ đối tượng của chính sách mà mình thực hiện, phải hiểu được mong muốn của đối tượng để có cách đáp ứng những mong muốn đó.
Cùng với đó, ngành BHXH Việt Nam cũng phải chủ động đi trước trong công tác nghiên cứu, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan. Đồng thời, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chế độ, chính sách BHXH, BHYT nhằm nâng cao nhận thức của từng người dân, NLĐ, người SDLĐ và các cơ quan, đơn vị về BHXH, BHYT. Tuyên truyền không chỉ giúp người dân hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình, mà còn hiểu về công việc, mục đích của ngành BHXH Việt Nam trong việc đảm bảo an sinh xã hội.
Song song với đó, BHXH Việt Nam cũng phải không ngừng nâng cao năng lực điều hành, quản lý để phục vụ người dân, NLĐ được tốt nhất.
Trong chặng đường phát triển sắp tới, chắc chắn vẫn còn không ít khó khăn. Đặc biệt, trong năm nay dù có những biến động về sắp xếp bộ máy theo chủ trương chung của Trung ương, nhưng với truyền thống 30 năm xây dựng và trưởng thành, tôi tin mỗi cán bộ, viên chức ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, tận tuỵ với công việc, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để phục vụ đối tượng ngày một tốt hơn, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
* Trân trọng cảm ơn bà!
Nguyệt Hà (Thực hiện) Đồ hoạ: Thanh An
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?