Quy định mới về mức hưởng bảo hiểm y tế năm 2025
24/02/2025 02:15 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội. Với ý nghĩa, giá trị nhân văn, thiết thực, chính sách BHYT đã ngày càng phát triển và hoàn thiện, tạo điều kiện cho mọi người dân, nhất là các nhóm người yếu thế đều được tiếp cận, tham gia và thụ hưởng các lợi ích, giá trị nhân văn, thiết thực của chính sách ưu việt này.
Chính sách BHYT ra đời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Theo đó, các quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển BHYT toàn dân được thể chế hóa và đi vào đời sống, hệ thống pháp luật về BHYT được thường xuyên sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, thống nhất phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội. Trên cơ sở đó, ngày 01/01/2025 Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Luật Bảo hiểm y tế, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ.
Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bình Thuận đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Minh Thông - Phó Giám đốc BHXH tỉnh về một số điểm mới trong NĐ số 02/2025/NĐ-CP.
PV: Câu hỏi đầu tiên, ông có thể cho chúng tôi biết tại sao Chính phủ phải ban hành Nghị định số 02/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung vào ngày đầu năm và để có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025 thưa ông?
Ông Đặng Minh Thông:
Ngày 01/01/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Luật Bảo hiểm y tế, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ.
Việc ban hành Nghị định số 02/2025/NĐ-CP nhằm giúp các quy định hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật về BHYT mang tính kịp thời không có khoảng trống về pháp lý, đảm bảo đồng bộ với các quy định của Luật BHYT số 51/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 và quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực thi hành từ 01/01/2025
Nghị định số 02/2025/ NĐ-CP chủ yếu sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Luật BHYT, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 của Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ. Điều 14 về mức hưởng BHYT đối với các trường hợp quy định tại Điều 22 của Luật BHYT. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 của Nghị định số 75/2023/NĐ-CP về thủ tục KCB BHYT quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật BHYT.
PV: Ông hãy cho biết Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung về mức hưởng bảo hiểm y tế đối với các trường hợp quy định tại Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế như thế nào?
Nghị định số 02/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 14 về mức hưởng BHYT đối với các trường hợp quy định tại Điều 22 của Luật BHYT. Về quy định lộ trình thực hiện và tỷ lệ mức hưởng khi KCB ngoại trú tại cơ sở KCB cấp cơ bản theo quy định tại điểm e và điểm h khoản 4 Điều 22 của Luật BHYT (Khám, chữa bệnh không đúng cơ sở đăng ký KCB BHYT ban đầu, không đúng quy định về chuyển người bệnh quy định tại Điều 26 và Điều 27 của Luật), như sau:
Từ ngày 01/01/2025, khi khám, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở KCB cấp cơ bản đạt số điểm dưới 50 điểm hoặc được tạm xếp cấp cơ bản, người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán 100% mức hưởng.
Từ ngày 01/7/2026, khi khám, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở KCB cấp cơ bản đạt số điểm từ 50 điểm đến dưới 70 điểm, người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán 50% mức hưởng.
Từ ngày 01/7/2026, khi khám, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở khám, chữa bệnh cấp cơ bản mà trước ngày 01/01/2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương hoặc tương đương tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương, người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán 50% mức hưởng;
Từ ngày 01/7/2026, khi khám, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên sâu mà trước ngày 01/01/2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến tỉnh hoặc tương đương tuyến tỉnh, người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán 50% mức hưởng.
PV: Một nội dung khá quan trọng mà người dân luôn quan tâm, đó là thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Bảo hiểm y tế được Nghị định số 02 quy định cụ thể ra sao thưa ông?
Ông Đặng Minh Thông
Nghị định số 02/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 về thủ tục khám, chữa bệnh BHYT quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật BHYT
1. Người tham gia BHYT khi khám, chữa bệnh phải xuất trình thông tin về thẻ BHYT theo một trong các trường hợp sau đây:
a) Thẻ BHYT hoặc mã số BHYT; trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh: căn cước, căn cước công dân, giấy chứng nhận căn cước, hộ chiếu, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên;
b) Căn cước hoặc căn cước công dân hoặc tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID đã tích hợp thông tin về thẻ BHYT.
2. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ cần xuất trình thẻ BHYT hoặc mã số BHYT; trường hợp chưa được cấp thẻ BHYT thì xuất trình giấy khai sinh bản gốc hoặc bản sao hoặc trích lục khai sinh, giấy chứng sinh bản gốc hoặc bản sao hoặc căn cước; đối với trẻ vừa sinh, cha hoặc mẹ hoặc thân nhân của trẻ ký xác nhận trên hồ sơ bệnh án hoặc người đại diện cơ sở KCB ký xác nhận trên hồ sơ bệnh án trong trường hợp trẻ không có cha, mẹ hoặc thân nhân.
3. Người tham gia BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ, thay đổi thẻ BHYT hoặc thông tin về thẻ BHYT khi đến KCB phải xuất trình giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp, cấp lại và đổi thẻ BHYT, thông tin về thẻ BHYT do cơ quan BHXH hoặc tổ chức, cá nhân được cơ quan BHXH ủy quyền tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp theo
4. Người đã hiến bộ phận cơ thể người phải xuất trình thông tin về thẻ BHYT theo quy định. Trường hợp chưa có thẻ BHYT thì phải xuất trình giấy ra viện do cơ sở KCB nơi lấy bộ phận cơ thể người cấp cho người đã hiến bộ phận cơ thể người và một trong các giấy tờ chứng minh nhân thân của người đó: căn cước, căn cước công dân, giấy chứng nhận căn cước, hộ chiếu, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp. Trường hợp phải điều trị ngay sau khi hiến thì đại diện của cơ sở KCB nơi lấy bộ phận cơ thể và người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án.
5. Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT phải xuất trình các giấy tờ theo quy định trước khi kết thúc đợt điều trị.
PV: Bên cạnh gia tăng quyền lợi khám chữa bệnh BHYT, thời gian qua người tham gia BHYT còn được thụ hưởng nhiều lợi ích, tiện ích từ công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được toàn ngành BHXH Việt Nam tập trung ưu tiên triển khai nhằm vừa tạo thuận lợi, phục vụ tốt người bệnh BHYT, vừa chống trục lợi, tối ưu quỹ BHYT. Vậy trên địa bàn tỉnh, công tác này được tổ chức triển khai như thế nào, thưa ông?
Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được toàn ngành BHXH Việt Nam tập trung ưu tiên triển khai nhằm vừa tạo thuận lợi, phục vụ tốt người bệnh BHYT, vừa chống trục lợi, tối ưu quỹ BHYT là cải cách thủ tục hành chính, ứng dựng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT. Trên địa bàn tỉnh, BHXH tỉnh tiếp tục triển khai mạnh mẽ Đề án 06, đặc biệt là việc sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chip, ứng dụng VssID-BHXH số, ứng dụng VNeID để đi KCB BHYT thay thế thẻ BHYT giấy. Về công tác khám, chữa bệnh bằng CCCD, ứng dụng VneID, BHXH tỉnh đã tuyên truyền và phối hợp triển khai thực hiện tại 140/140 cơ sở KCB trong tỉnh (cả y tế công và tư) đạt tỷ lệ 100%.
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc tổ chức thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có những khó khăn, vướng mắc và đơn vị BHXH tỉnh có những giải pháp gì để khắc phục, thưa Ông?
Thời gian qua, Sở Y tế và BHXH tỉnh Bình Thuận đã phối hợp tốt trong công tác triển khai thực hiện chính sách BHYT. Tuy nhiên, số lượng bác sĩ ở các trạm y tế còn thiếu, một số trạm y tế chỉ có bác sĩ tăng cường 2 ngày/ tuần. Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều hạn chế. Dịch vụ kỹ thuật ít được triển khai, thực hiện nên việc KCB cấp thuốc là chủ yếu.
Thời gian tới, BHXH tỉnh Bình Thuận tiếp tục phối hợp với Ngành Y tế triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng KCB để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT và quản lý tốt nguồn kinh phí KCB BHYT. Sở Y tế chỉ đạo và giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 29/3/2016 của Bộ Y tế về việc tăng cường đảm bảo chất lượng dịch vụ KCB; đồng thời kiểm soát cơ sở y tế về chấp hành quy định, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế trong việc chỉ định và thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả vì quyền lợi chính đáng của người bệnh; nghiêm cấm mọi biểu hiện lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT.
Xin Cảm ơn Ông.
PV
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
[Phóng sự] BHXH Việt Nam - 30 năm hành trình an ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?