Chính sách bảo hiểm y tế luôn nâng cao và mở rộng quyền lợi
10/01/2024 09:48 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bảo hiểm y tế (BHYT) đang là điểm tựa vững chắc cho mọi người, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo, người mắc các bệnh nặng, bệnh mãn tính. Trong những năm qua, đã có hàng trăm nghìn trường hợp khám, chữa bệnh (KCB) bằng thẻ BHYT, được quỹ KCB BHYT chi trả hàng trăm triệu đồng, đặc biệt có những trường hợp chi phí lên đến hàng tỷ đồng.
Nếu như trước đây, nguồn thu từ KCB BHYT chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong các cơ sở KCB thì nay đã tăng lên rất nhiều và chiếm tỷ lệ đáng kể về nguồn thu của các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh. Ðiều này cho thấy người dân đã tin tưởng, an tâm hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, KCB bằng thẻ BHYT. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT và KCB bằng BHYT ngày càng cao, đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở y tế. Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận với hơn 60 nghìn thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu. Năm 2023, bệnh viện đã khám và điều trị hơn 168.270 lượt bệnh nhân có thẻ BHYT, với số tiền hơn 158 tỷ đồng.
Ngày 19/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2028 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, có hiệu lực kể từ ngày 03/12/2023 đã bổ sung thêm 02 nhóm đối tượng được hưởng 100% chi phí KCB, bao gồm: Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc; Người dân xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật BHYT.
Bổ sung thêm 03 nhóm đối tượng được hưởng 95% chi phí KCB, bao gồm: Vợ/chồng liệt sĩ lấy chồng/vợ khác đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo trường hợp nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành, hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống, hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống. Người phục vụ người có công đang sống ở gia đình bao gồm: Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người phục vụ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tổn thương từ 81% trở lên. Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Có thể nói, chính sách BHYT là chính sách ưu việt, luôn nâng cao và mở rộng quyền lợi cho người tham gia, các quy định liên quan đến KCB bằng thẻ BHYT luôn sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo cho mọi người KCB được đối xử công bằng. Người dân ngày càng an tâm hơn khi lựa chọn, sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bằng chính sách BHYT. Chính sách BHYT không chỉ giúp người bệnh được chăm sóc sức khoẻ, mà qua đó còn đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo. Thực tế cho thấy, thời gian qua, quỹ BHYT đã cứu giúp nhiều gia đình có người mắc các bệnh nan y, chạy thận nhân tạo, ung thư … giảm bớt gánh nặng chi phí KCB.
Tính đến 31/12/2023, toàn tỉnh Bình Thuận đã có 1.141.761 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 92,28% dân số, vượt 0,03% chỉ tiêu Chính phủ giao. Toàn tỉnh đã có hơn 2,1 triệu lượt người đi KCB BHYT với số tiền được quỹ BHYT thanh toán hơn 1.289 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 2 triệu lượt người KCB BHYT tại tỉnh, với số tiền hơn 779,4 tỷ đồng và 184.381 lượt người đi KCB ngoại tỉnh với số tiền hơn 509,7 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có hơn 1.043 người KCB được quỹ BHYT chi trả chi phí cao với tổng số tiền hơn 86,6 tỷ đồng, trong đó quỹ BHYT chi trả hơn 50 triệu đồng/người (371 người); chi trả hơn 100 triệu đồng/ người (511 người); chi trả hơn 150 triệu đồng/ người ( 99 người); chi trả hơn 200 triệu đồng/ người (31 người); chi trả hơn 200 triệu đồng/ người (10 người); chi trả hơn 300 triệu đồng/người (12 người) và chi trả hơn 400 triệu đồng/người (09 người).
Chính sách BHYT là điểm tựa vững chắc cho mọi người khi ốm đau, mỗi người dân chúng ta cần phải có trách nhiệm trước bản thân và cộng đồng, đối với bệnh tật, đau ốm thì không ai mong muốn nhưng vòng đời “ sinh, lão, bệnh, tử” mấy ai tránh được. Tham gia là phòng thân, là góp phần xoa dịu nỗi đau cho những mảnh đời bất hạnh, đó mới là hạnh phúc của mỗi người và của toàn xã hội.
Phương Danh
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?