Trách nhiệm cộng đồng chăm sóc sức khỏe học sinh

01/10/2019 02:38 PM


Ngày nay quyền lợi, thụ hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng được mở rộng; chất lượng khám, chữa bệnh được cải tiến để đáp ứng nhu cầu người bệnh BHYT. Trong đó, đối tượng học sinh, sinh viên (HSSV) đang được thụ hưởng nhiều chính sách, quyền lợi khi khám chữa bệnh BHYT. Quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều HSSV mắc các bệnh nan y, mãn tính như: Điều trị suy thận mãn tính bằng máy chạy thận nhân tạo; điều trị ung thư; phẫu thuật tim mạch… chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng. HSSV tham gia BHYT ngoài việc được quỹ BHYT chi trả các chi phí khám, chữa bệnh như các đối tượng khác thì còn được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trường học từ nguồn kinh phí do quỹ BHYT trích lại cho y tế trường học; hoặc khi có bệnh thì HSSV được khám điều trị ở tất cả các bệnh viện tuyến huyện và tương đương mà không cần phải theo nơi đăng ký khám ban đầu. Mặt khác, hàng năm Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT cho HSSV (Trung ương hỗ trợ 30%, tỉnh hỗ trợ 3%)… Tuy nhiên, nhiều HSSV vẫn còn khó khăn về kinh tế chưa tiếp cận được chính sách BHYT…Vì thế, những năm qua nhóm đối tượng HSSV vẫn chưa đạt mục tiêu 100% tham gia BHYT. Năm học 2018 - 2019 có số HSSV tham gia đông nhất cũng chỉ đạt 98,3% (có 233.119 em tham gia). Còn 3.885 em chưa tham gia BHYT (chiếm 1,7%). Trong đó, nhiều trường học có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT đạt thấp (từ 80 - 90%) như: Bắc Bình, Phan Thiết, Đức Linh, La Gi, Hàm Thuận Bắc…
Nhân viên y tế Trường tiểu học Bắc Phan Thiết kiểm tra sức khỏe học sinh.
Những tồn tại trong quá trình triển khai BHYT học sinh do các nguyên nhân chủ yếu, đó là: Theo quy định các trường học phải có phòng y tế hoặc phòng làm việc riêng để thực hiện sơ cấp cứu, xử lý ban đầu cho HSSV bị tai nạn thông thường, mắc các bệnh thông thường trong lúc học tại trường. Song, trên thực tế hiện nay toàn tỉnh mới có gần 50% số trường học có nhân viên y tế và phòng y tế đúng quy định. Các trường học chưa có phòng y tế học sinh bị thiệt thòi về quyền lợi chăm sóc sức khỏe. Mặt khác, một bộ phận phụ huynh học sinh chưa nhận thức đầy đủ  về lợi ích của việc tham gia BHYT; nhà trường, gia đình và xã hội chưa có giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tuy được nâng lên, nhưng vẫn còn tình trạng quá tải tại các bệnh viện; thái độ một số thầy thuốc cũng như trang thiết bị y tế chưa đáp ứng yêu cầu người bệnh…Vì thế mà làm giảm sức hấp dẫn của chính sách BHYT.
Để năm học 2019 - 2020 tất cả các trường học trong toàn tỉnh có 100% HSSV tham gia BHYT, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong HSSV, phụ huynh; tạo điều kiện về nhân lực để làm tốt công tác y tế học đường; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại trường, nhất là vùng còn nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngành giáo dục phối hợp với ngành BHXH, ngành Y tế cùng chính quyền địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHYT học sinh tại nhà trường. Đồng thời, có hình thức xử lý kịp thời các trường hợp không thi hành đúng các quy định của Luật BHYT; tham mưu cho UBND các cấp nâng mức hỗ trợ đóng BHYT học sinh từ ngân sách địa phương, nhất là vùng khó khăn để HSSV có điều kiện tham gia BHYT theo kỳ hạn 6 tháng hoặc 1 năm.
Có thể nói, chăm lo sức khỏe cho HSSV khi còn ngồi ở ghế nhà trường là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước và nâng cao chất lượng hoạt động của y tế học đường;  đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Luật BHYT sẽ khuyến khích HSSV tích cực tham gia BHYT.
 

LÊ THANH