Chính sách nào "giữ chân" người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện?
29/05/2020 09:51 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thực tế triển khai từ cơ sở cho thấy, người dân chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin về bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Hiện nay, điều quan trọng là giữ được người đang tham BHXH tiếp tục ở lại, thay vì để họ nhận BHXH một lần với nhóm tham gia BHXH bắt buộc, hay phải dừng đóng BHXH với nhóm tham gia BHXH tự nguyện. Do đó, đề xuất, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ với người tham gia BHXH tự nguyện là cần thiết, nhằm “giữ chân” họ gắn bó cùng chính sách.
Lao động phi chính thức có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để được bảo đảm an sinh xã hội khi về già (Ảnh minh họa: Duy Linh).
Người dân chưa biết nhiều đến bảo hiểm xã hội tự nguyện
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định, một trong những khó khăn nhất trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là nhận thức của người dân. Quá trình tổ chức thực hiện ở một số địa phương cho thấy, thông tin chính sách về BHXH còn chưa đến được với người dân.
Qua khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước đây, hơn 70% người dân được hỏi còn chưa được biết đến chính sách, hoặc biết chưa đầy đủ. Họ còn nhầm giữa BHXH với bảo hiểm thương mại. Đây chính là những hạn chế dẫn tới khó khăn trong công tác vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian vừa qua. Khi người dân còn chưa hiểu rõ về những lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện, thật khó để vận động, kêu gọi mọi người cùng tham gia.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội. Một trong những quan điểm chỉ đạo và mục tiêu của Quyết định là hướng tới đối với công tác tuyên truyền BHXH là phải làm cho đối tượng được tuyên truyền hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH. Từ đó, tạo sự đồng thuận, thay đổi hành vi nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH.
Chính sách nào “giữ chân” người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện?
Ở nước ta, gần 67% lao động trong độ tuổi lao động còn chưa tham gia BHXH, đây cũng là cơ hội để phát triển BHXH tự nguyện.
BHXH tự nguyện hiện chưa thực sự hấp dẫn với người dân. Nguyên nhân trước hết là sự khác biệt trong mức hưởng. Trong khi BHXH bắt buộc có năm chế độ (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp), nhưng BHXH tự nguyện chỉ thực hiện hai chế độ (hưu trí và tử tuất).
Chia sẻ về định hướng để tăng độ bao phủ của BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, ông Trần Hải Nam cho hay, về ngắn hạn, cần tập trung nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ về lợi ích của chính sách an sinh xã hội mà Đảng, Nhà nước đang triển khai thực hiện, bảo đảm ổn định thu nhập lâu dài cho người dân khi về già, lúc đã hết tuổi lao động. Đây là mục tiêu của chính sách BHXH khi triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, với những khó khăn trước mắt do tác động của đại dịch Covid-19, cần ưu tiên các giải pháp sớm khôi phục nền kinh tế, phục hồi sản xuất của doanh nghiệp, từ đó tạo việc làm để phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Với đối tượng lao động khu vực phi chính thức, trong khả năng nguồn lực của mình, các địa phương cũng có thể dành thêm gói chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn cùng gói hỗ trợ chung của Chính phủ, nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Qua đó, giúp họ có điều kiện để duy trì và tham gia BHXH tự nguyện.
Ông Trần Hải Nam cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là giữ được người đang tham BHXH tiếp tục ở lại, thay vì để họ nhận BHXH một lần với nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, cũng như phải dừng đóng BHXH với nhóm tham gia BHXH tự nguyện.
Đại diện Vụ BHXH nhận định, một trong những giải pháp để mở rộng sự tham gia của nhóm đối tượng này là các chính sách hỗ trợ về tài chính. Điều này giúp người dân có điều kiện tham gia một cách cụ thể và trực tiếp.
Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện đã cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân. Theo đó, có ba mức hỗ trợ cho các nhóm đối tượng. Cụ thể, hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.
Quá trình triển khai thực hiện ở địa phương thời gian qua cho thấy, chính sách đã có tác động tích cực đến việc thu hút người dân tham gia BHXH. Trước khi triển khai chính sách, nhiều người cũng lo ngại về mức hỗ trợ, đặc biệt là đối với các đối tượng thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Đến hết năm 2019, kết quả thực hiện cho thấy, cả nước có 14.726 người lao động thuộc hộ nghèo, 18.718 người lao động thuộc hộ cận nghèo và 574 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện được nhận chính sách hỗ trợ, chiếm tỷ trọng lần lượt là 2,6%, 3,3% và 100% tổng số người tham gia BHXH tự nguyện. Các quy định về mức hỗ trợ cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá, có thêm động lực để khuyến khích, tạo điều kiện cho các đối tượng, đặc biệt các đối tượng yếu thế như hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số, để họ có khả năng và cơ hội tham gia. Chính sách đã đem lại những tác động tích cực. Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, số đối tượng tham gia vẫn còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, tạo điều kiện để tham gia BHXH tự nguyện cho người dân. Thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với các bộ ngành sẽ đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ trong giai đoạn vừa qua. Đây sẽ là cơ sở để đề xuất, điều chỉnh các chính sách đã ban hành với người tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian tới.
Trong năm 2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu, xây dựng và thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt để thực hiện bổ sung thêm cùng với hai chế độ dài hạn đang được thực hiện là hưu trí và tử tuất. Cụ thể là các gói bổ sung chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp gia đình và trẻ em. Các gói chính sách được thiết kế để bảo đảm tính đa dạng và gia tăng cơ hội lựa chọn cho người tham gia BHXH, đồng thời cũng phù hợp với các Công ước và khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế về an sinh xã hội.
Về lâu dài, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về BHXH, hướng tới việc đa dạng, linh hoạt trong các chế thụ hưởng chính sách, bảo vệ được quyền và lợi ích của người lao động khi tham gia BHXH.
NGÂN ANH
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT cho người lao ...
Phú Quý: Tổ chức khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp ...
Hội đồng Nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách ...
Vai trò Nhà trường trong công tác bảo hiểm y tế Học sinh - ...
Phú Quý: Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện với người ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?