09 tháng đầu năm 2020: Số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 33% so với cùng kỳ năm trước

25/09/2020 07:20 AM


Đây là thông tin đáng chú ý tại Báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ 09 tháng đầu năm 2020 về Công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, vấn đề lao động - việc làm (phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách BHXH, BHTN, tiền lương, quan hệ lao động, an toàn, vệ sinh lao động và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao nguồn nhân lực); công tác chăm sóc người có công và trong các lĩnh vực xã hội về giảm nghèo bền vững, bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, phòng, chống tệ nạn xã hội, về cải cách hành chính; thanh tra, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, và về hợp tác quốc tế của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

(Ảnh minh họa)

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên mọi mặt đời sống xã hội

Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, vấn đề lao động - việc làm (phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách BHXH, BHTN, tiền lương, quan hệ lao động, an toàn, vệ sinh lao động và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao nguồn nhân lực); công tác chăm sóc người có công và trong các lĩnh vực xã hội về giảm nghèo bền vững, bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, phòng, chống tệ nạn xã hội, về cải cách hành chính; thanh tra, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng, lãng phí và về hợp tác quốc tế cho biết: 09 tháng đầu năm 2020, mọi mặt đời sống xã hội chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục; tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.

Cụ thể, hiện lực lượng lao động của Việt Nam là 54,2 triệu người, giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 73,8%, giảm 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; dự báo tháng 09/2020, Việt Nam có 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 và có thể nhiều hơn vào cuối năm, trong đó, số người bị giảm thu nhập chiếm tới 57,3%; thu nhập bình quân tháng của người lao động trong Quý II/2020, giảm còn 5,2 triệu đồng (như vậy, giảm 525 nghìn đồng so với Quý I/2020 và 279 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019); số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, bình quân mỗi tháng có 99 ngàn người, đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, cao điểm tập trung vào tháng 05/2020 với 160.247 người, tháng 06/2020 với 137.508 người, số lượng người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng ở tất cả các tỉnh, thành phố, các vùng kinh tế.

Bên cạnh đó, đối tượng tham gia BHXH 09 tháng đầu năm sụt giảm so với cuối năm 2019, nhiều địa phương có tỷ lệ giải quyết BHXH một lần cao, ảnh hưởng tới khả năng nhận lương hưu của người lao động khi về già, tạo gánh nặng cho hệ thống An sinh xã hội trong tương lai. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành, nghề đào tạo; chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau sắp xếp ở các địa phương; việc đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ của các giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đời sống đối tượng bảo trợ xã hội còn khó khăn, mức trợ cấp xã hội thấp, giảm nghèo chưa thực sự bền vững, chênh lệch giàu - nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Bộ phận lao động không có giao kết hợp đồng chính thức trong thị trường lao động lớn, hầu như chưa tiếp cận tới các định chế kết nối cung - cầu lao động như các trung tâm dịch vụ việc làm và không nằm trong hệ thống thông tin thị trường lao động sẵn có (khoảng 39,9 triệu lao động không có giao kết hợp đồng chính thức, bao gồm khoảng 19 triệu lao động trong khu vực phi chính thức phi nông nghiệp).

Một số việc cần làm trong những tháng cuối năm

Trong bối cảnh khó khăn, Việt Nam tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và áp dụng nhiều giải pháp để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các giải pháp hỗ trợ người lao động, cung ứng lao động cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; thực hiện tốt công tác bảo đảm An sinh xã hội. Đến nay, tình hình kinh tế - xã hội nói chung dần ổn định trở lại, sản xuất - kinh doanh được khôi phục, nhiều doanh nghiệp đăng ký mới hoặc trở lại hoạt động sau thời gian dài tạm ngừng do giãn cách xã hội, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động (theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, ước tính từ tháng 05/2020 trở đi, trung bình mỗi tháng cả nước có từ 40.000 đến 50.000 lao động bị mất việc làm quay trở lại thị trường lao động).

Đại diện Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội lưu ý: Công tác xây dựng pháp luật về An sinh xã hội nói chung còn chậm và khi thiết kế, đề xuất nội dung chính sách thường không đánh giá tổng kết chặt chẽ nên khi trình, thực hiện phát sinh nhiều vấn đề; phát triển sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế và tác động của đại dịch Covid-19 càng làm lộ rõ hạn chế này; năng suất lao động là vấn đề hết sức quan tâm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhưng lực lượng lao động chuyển sang việc làm không ổn định dẫn đến năng suất không cao; chính sách xã hội an sinh chưa đồng bộ, chưa thống nhất một mục tiêu nhiều dự án nhiều chương trình (ví dụ, 03 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay đều chỉ vì một mục tiêu tăng thu nhập); việc phát triển thị trường lao động đáp ứng xu hướng hội nhập cần hết sức quan tâm, kết nối cung - cầu lao động trong đó vấn đề dự báo là hết sức quan trọng. Trên cơ sở đánh giá tình hình, đề nghị cácbên có liên quan nghiên cứu tổng thể các chính sách An sinh xã hội, BHXH để bảo đảm công bằng xã hội; về giảm nghèo cần tính toán chuẩn nghèo đáp ứng yêu cầu kinh tế- xã hội và túi tiền người dân; nghiên cứu các mô hình quản lý, hệ thống chính sách xã hội và An sinh xã hội, an toàn vệ sinh lao động./.

PV