Quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ năm 2020
10/11/2020 08:29 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 9/11, dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban tháng 11/2020. Tham dự Hội nghị có các Phó Tổng Giám đốc: Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn; cùng lãnh đạo các vụ, ban, đơn vị thuộc BHXH Việt Nam và BHXH TP.Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhận định, thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, trong khi đó khối lượng công việc còn rất nhiều, nên toàn Ngành cần tăng tốc chạy đua với thời gian, thi đua nước rút phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, đây là giao ban điện tử đầu tiên được triển khai, trong đó công tác báo cáo bằng số liệu trực tiếp được khai thác thông qua dữ liệu Data Warehouse, với mục tiêu hướng tới “hội nghị không giấy tờ”.
Đồng thời, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị các đại biểu tích cực thảo luận, tập trung đánh giá tồn tại, hạn chế; từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể gắn với mục tiêu, kế hoạch được giao. Đặc biệt, cần phải nêu lên được các giải pháp về thu, phát triển đối tượng, truyền thông và ứng dụng CNTT… vào các hoạt động nghiệp vụ của Ngành.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2020, cả nước có trên 15,67 triệu người tham gia BHXH (đạt 31,8% lực lượng lao động trong độ tuổi). Trong đó gồm: Trên 14,78 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 891.494 người tham gia BHXH tự nguyện; trên 13,03 triệu người tham gia tham gia BH thất nghiệp (đạt 26,5% lực lượng lao động trong độ tuổi); trên 86,2 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số).
Như vậy, so với cuối năm 2019, mặc dù số người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT có tăng, nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp lại giảm mạnh. Theo tính toán, từ nay đến cuối năm, để đạt được các chỉ tiêu đề ra trong năm 2020, toàn Ngành cần phải phát triển thêm trên 1,56 triệu người tham gia BHXH; trên 1,25 triệu người tham gia BH thất nghiệp. Riêng với BHYT, để đạt tỷ lệ bao phủ 90,7% dân số theo kế hoạch, cần phải vận động thêm trên 1,8 triệu người tham gia.
Về số thu, tính đến hết tháng 10/2020, toàn Ngành thu đạt 77,3% kế hoạch năm; số tiền nợ BHXH, BHYT khoảng 21.269 tỷ đồng (tăng 41% so với cùng kỳ năm 2019). Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, tính đến tháng 10/2020, cả nước còn 632 đơn vị, DN bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, tương ứng với 74.884 lao động và số tiền khoảng 328 tỷ đồng.
Cũng trong 10 tháng đầu năm, cả nước giải quyết chế độ hàng tháng cho 107.815 người; chế độ BHXH một lần cho 760.307 người (trong đó gồm 665.643 người nghỉ việc hưởng BHXH một lần theo Điều 60); chế độ ốm đau cho 5.946.227 lượt người; chế độ thai sản cho 1.507.848 lượt người; chế độ DS-PHSK cho 313.534 người và chế độ BH thất nghiệp cho 881.895 người. Tổng số tiền chi BHXH là 191.432 tỷ đồng và chi BH thất nghiệp là 12.980 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm 2019, tuy số người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản giảm, nhưng số người được giải quyết hưởng chế độ BHXH hàng tháng, BHXH một lần và BH thất nghiệp đều tăng. Tương ứng là số chi BHXH, BH thất nghiệp cũng tăng so với cùng kỳ năm 2019, đặt biệt là số chi BH thất nghiệp tăng mạnh (126%). Cả nước đã có 136,025 triệu lượt người KCB BHYT; số chi KCB BHYT do các cơ sở đề nghị quyết toán trên Hệ thống thông tin giám định BHYT là 83.265 tỷ đồng, tương ứng 80,8% tổng dự toán chi KCB BHYT năm 2020.
BHXH Việt Nam cũng tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ của Ngành; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành liên quan, như: Kết nối, trao đổi, đối soát dữ liệu tự động 2 chiều với Tổng cục Thuế; kết nối, trao đổi thông tin với Bộ Tư pháp trên Hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua Trục Dữ liệu quốc gia (NGSP) phục vụ liên thông cấp giấy khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; triển khai hoạt động kỹ thuật liên thông dữ liệu với Bộ KH-ĐT về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập DN, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia BHXH. Mở rộng, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho DN, người dân, thực hiện dịch vụ công “Đóng BHXH 24/7” trên Cổng DVC Quốc gia. Đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp được 15 DVC. Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đang chuẩn bị ra mắt ứng dụng VssID trên nền tảng thiết bị di động…
Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong những tháng cuối năm, ý kiến các Phó Tổng Giám đốc và lãnh đạo các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam đều tập trung vào việc đảm bảo phát triển đối tượng, tăng thu, giảm nợ BHXH, BHYT; đặc biệt là việc đảm bảo an toàn quỹ KCB BHYT, ứng dụng CNTT trong thực hiện các lĩnh vực nghiệp vụ của Ngành…
Kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Ngành, tập trung hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện tốt kế hoạch đề ra; chủ động tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong công tác thu, phát triển đối tượng.
Theo Tổng Giám đốc, mặc dù xác định BHXH bắt buộc khó đạt mục tiêu do nguyên nhân khách quan, nhưng toàn Ngành bằng mọi biện pháp phải đạt được mức tăng so với năm 2019. Đặc biệt, cần rà soát dữ liệu, nắm tình hình tại địa phương để xác định, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các đối tượng tiềm năng, bám sát cơ sở để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH bằng nhiều hình thức phù hợp; đối chiếu dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp để xác định số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất.
Bên cạnh đó, cần tăng cường, đổi mới công tác truyền thông theo hướng linh hoạt, đúng đối tượng; chú trọng truyền thông ở cấp cơ sở; mở rộng, tăng cường phối hợp với hệ thống đại lý thu. “Trung tâm Truyền thông, Tạp chí BHXH dự báo những vấn đề người dân quan tâm để truyền thông đúng, trúng, hiệu quả. Tăng cường thông tin các kết quả của Ngành, để dư luận quan tâm, tiếp tục ủng hộ ngành BHXH”- Tổng Giám đốc lưu ý.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu cần tiếp tục đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Cùng với đó, ; đôn đốc công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các đơn vị trốn đóng BHXH. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo qua truyền hình; theo dõi sát đợt thi đua nước rút và chú ý công tác khen thưởng ngoài Ngành để phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến...
Về việc chuẩn bị đưa ứng dụng VssID- Bảo hiểm xã hội số vào hoạt động, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, đây thực sự là một bước tiến của Ngành. Bởi, ứng dụng VssID sẽ cung cấp các thông tin thiết yếu, liên quan đến quá trình đóng-hưởng và thực hiện giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ của người SDLĐ; từ đó góp phần công khai, minh bạch thông tin về quá trình tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT. “Chúng ta ngày càng làm giàu dữ liệu của VssID lên, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân trong tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nói.
Bích Thủy
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT cho người lao ...
Phú Quý: Tổ chức khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp ...
Hội đồng Nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách ...
Vai trò Nhà trường trong công tác bảo hiểm y tế Học sinh - ...
Phú Quý: Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện với người ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?