Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề mẫu thẻ BHYT mới

24/03/2021 10:43 AM


Sáng 24/3, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề mẫu thẻ BHYT mới. Cùng dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và một số nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách BHXH, BHYT của các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị, BHXH Việt Nam đã cung cấp thông tin về việc sẵn sàng cho việc triển khai mẫu thẻ BHYT mới từ ngày 01/4/2021 trên toàn quốc; cũng như tình hình tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT 2 tháng đầu năm 2021 của ngành BHXH Việt Nam và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Cụ thể như sau:

1. Về việc triển khai thẻ BHYT theo mẫu mới

Những điểm khác biệt của thẻ BHYT mẫu mới

Thứ nhất, về kích thước thẻ BHYT: Thẻ BHYT mẫu mới có kích thước nhỏ gọn hơn, hình thức đẹp hơn (bằng với kích thước thẻ căn cước công dân và một số loại thẻ ATM của các ngân hàng thương mại) đảm bảo thuận tiện khi cất giữ, bảo quản trong ví, hạn chế các trường hợp bị mất, hỏng thẻ BHYT.

Thứ hai, về chất liệu thẻ BHYT: Giấy của thẻ BHYT cũng dày hơn và được ép plastic để tăng độ bền, độ cứng, đáp ứng được yêu cầu sử dụng lâu dài, tránh thấm nước, ẩm mốc, nhàu nát, rách hỏng, bay mờ mực in trong quá trình sử dụng. Qua đó giảm được thời gian, chi phí cấp lại thẻ BHYT của cả đối tượng tham gia và cơ quan BHXH.

Thứ ba, về con dấu: Trước đây sử dụng con dấu của BHXH các tỉnh, thành phố nay thay bằng con dấu của BHXH Việt Nam, in chức danh, chữ ký, họ tên của Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ (hoặc người được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giao ký thừa lệnh): Giúp cho việc cấp lại, đổi thẻ nhanh chóng, thuận tiện hơn ở bất cứ cơ quan BHXH nào gần nhất trên phạm vi toàn quốc đối với trường hợp không may bị mất, hỏng thẻ khi đi KCB ngoại tỉnh hoặc đi du lịch, công tác, học tập ở tỉnh khác.

Thứ tư, về mã số in trên thẻ BHYT: Chỉ in 10 ký tự chính là mã số BHXH của người tham gia (thay thế 15 ký tự như trước đây). Giúp người tham gia dễ dàng nhận biết và có thể tra cứu, kiểm tra đầy đủ thông tin quy định về thẻ BHYT trên Cổng Thông tin của BHXH Việt Nam.

Thứ năm, về mã mức hưởng BHYT: Mã mức hưởng BHYT được chuyển xuống cùng dòng in ngày tháng năm sinh, giới tính, mã nơi đối tượng sinh sống: Giúp người cao tuổi, người chưa có điều kiện sử dụng Internet biết thông tin quyền lợi hưởng BHYT.

Thứ sáu, mặt sau của thẻ BHYT in “Những điều cần chú ý”: Chỉ dẫn cụ thể hơn về cách sử dụng thẻ BHYT giúp người tham gia tra cứu thông tin về thẻ BHYT và quyền lợi được hưởng; nắm được cách liên hệ với cơ quan BHXH để được hướng dẫn và giải đáp mọi vướng mắc.

Đối tượng được cấp thẻ BHYT mẫu mới

Theo quy định, những người đang sử dụng thẻ BHYT mẫu cũ còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng thẻ BHYT cũ để đi khám chữa bệnh BHYT. Đồng thời, khi BHXH các tỉnh, thành phố sử dụng hết phôi thẻ BHYT mẫu cũ, thẻ BHYT mẫu mới sẽ được cấp cho các trường hợp sau:

- Cấp thẻ BHYT cho người mới tham gia;

- Cấp lại thẻ BHYT cho người bị mất thẻ BHYT;

- Cấp lại thẻ BHYT do bị rách, hỏng, thay đổi thông tin trên thẻ.

2. Về tình hình tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT 2 tháng đầu năm 2021

2 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm của người lao động; gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam, đặc biệt là trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT.

Tuy nhiên, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT và đạt được những kết quả như sau:

Về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHTN, BHYT

BHXH Việt Nam đã chủ động giao chỉ tiêu phấn đấu phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN năm 2021 cho BHXH các tỉnh, thành phố; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành báo cáo, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương về chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2021 trên cơ sở các chỉ tiêu phấn đấu của Ngành; tích cực rà soát, đối chiếu dữ liệu được chia sẻ từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Tổng cục Thuế để khai thác, phát triển người tham gia; tiếp tục phân loại đối tượng tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để phối hợp với các tổ chức đoàn thể, xã hội, đại lý thu tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia mới.

Theo đó, ước đến hết ngày 28/2/2021: Số người tham gia BHXH là 16,23 triệu người (đạt 32,58% lực lượng lao động trong độ tuổi), trong đó có: 14,98 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và 1,05 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Số người tham gia BHYT là 86,5 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ 88,65% dân số). Mặt khác, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT còn khá phổ biến, với tổng số tiền nợ trong cả nước khoảng 46.297 tỷ đồng. Việc xử lý đối với đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn còn khó khăn, vướng mắc.

Về công tác giải quyết chế độ BHXH, BHTN, BHYT

Ngay từ những ngày đầu năm, nhằm tạo điều kiện cho người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH vui Tết cổ truyền Tân Sửu, BHXH Việt Nam đã thực hiện cấp kinh phí chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 1, tháng 2/2021 cho BHXH các tỉnh, thành phố vào cùng kỳ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 1/2021.

Đặc biệt, để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành, với mục tiêu đảm bảo kịp thời, đầy đủ quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH 13 tỉnh, thành phố có diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 3, tháng 4/2021 vào cùng một kỳ chi trả của tháng 3; đối với khu vực, địa bàn đang bị phong tỏa, xây dựng phương án tổ chức chi trả tại nhà cho người hưởng.

Ước tính đến ngày 28/02/2021, toàn ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BHTN như sau: Số người giải quyết hưởng mới BHXH là 1.564.624 người, trong đó số người hưởng hằng tháng là 11.510 người; hưởng BHXH một lần là 110.525 người; hưởng chế độ ốm đau là 1.151.761 người; hưởng chế độ thai sản là 237.050 người… Số người giải quyết hưởng mới BHTN là 82.137 người.

Về thực hiện chính sách BHYT: Để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã tiếp tục tích cực tham mưu với Bộ, ngành hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia BHYT. Theo đó, việc KCB BHYT cho người tham gia vẫn được đảm bảo và không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ước đến ngày 28/2/2021, số lượt người KCB BHYT trên cả nước là 24.710.139 người.

Về công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT

Toàn Ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tích hợp, cung cấp thêm các dịch vụ công của Ngành trên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

Hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới cho ứng dụng VssID - BHXH số nhằm mang lại thuận lợi tối đa cho người sử dụng; đồng thời, triển khai rộng rãi việc hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người lao động, người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng trên toàn quốc.

Đẩy mạnh kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành; triển khai thực hiện việc kết nối kỹ thuật để khai thác, chia sẻ dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Bộ Công an để quản lý người tham gia BHXH, BHTN, BHYT…

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm các TTHC. Theo đó, ngày 25/02/2021, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 222/QĐ-BHXH về việc công bố TTHC được thay thế, bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam (tiếp tục cắt giảm từ 27 TTHC xuống còn 25 TTHC).

3. Một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới

Nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ của Ngành trong thời gian tới, toàn Ngành sẽ tiếp tục triển khai đồng loạt một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

- Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ BHXH, BHYT trong những tháng tiếp theo.

- Đảm bảo việc triển khai thẻ BHYT theo mẫu mới đúng quy định, tạo thuận lợi cho người dân và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia khi KCB BHYT.

- Phối hợp với các bộ, ngành triển khai chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2021; thực hiện thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch đã được phê duyệt; tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất tại các đơn vị có dấu hiệu nợ đọng, lạm dụng quỹ BHXH, BHYT.

- Quản lý chặt chẽ đối tượng hưởng, đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ; quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, trợ cấp thất nghiệp; tăng cường, chủ động các biện pháp kiểm soát chi phí KCB BHYT tại các cơ sở y tế.

- Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC; tích hợp, cung cấp thêm các dịch vụ công của Ngành trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới; tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp, người lao động và người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số; hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ; cập nhật bổ sung dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số BHXH cho người tham gia; liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành…

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cũng đã trực tiếp trao đổi, giải đáp nhiều câu hỏi của các nhà báo, phóng viên về việc triển khai thẻ BHYT mẫu mới và một số lĩnh vực nghiệp vụ như: Công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT…. của Ngành.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiếp diễn, việc triển khai nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Song, với sự đồng lòng, nỗ lực cố gắng của toàn thể công chức, viên chức và người lao động, toàn ngành BHXH Việt Nam quyết tâm vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT./.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam