Bảo hiểm xã hội và câu chuyện lương hưu

27/04/2021 11:25 AM


(ĐCSVN) - Một đề xuất chính sách được nhiều người lao động và các chuyên gia tán đồng, tất nhiên sẽ không phải là một chính sách dở. Tuy nhiên trong quá trình thực thi cần chú ý đến các điều kiện khác nhau như các ngành đặc thù, yếu tố giới, độ tuổi nghỉ hưu... Và đặc biệt số năm đóng và hưởng phải được tính toán khoa học, theo công thức chặt chẽ, tạo sự công bằng trong xã hội và đảm bảo an sinh xã hội.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có dự thảo đề xuất về việc sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm…

Đây là điểm mới trong dự thảo Tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhằm sửa đổi những tồn tại, hạn chế của luật hiện hành.

Dự thảo đề xuất này ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, nhất là người lao động và các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực này theo hướng đồng thuận. Bởi thực tế, lương hưu, không chỉ là khoản lương hằng tháng mà còn là bảo hiểm y tế khi người lao động về già. Hai yếu tố quan trọng nhất góp phần đáp ứng nhu cầu sống cơ bản và chăm sóc sức khỏe.

Đồng tình với đề xuất này, một số chuyên gia quan hệ lao động đã phân tích rằng: Do thời gian đóng BHXH hiện nay dài, chặt chẽ nên người lao động không mặn mà, thậm chí rời bỏ hệ thống BHXH và tham gia các loại hình bảo hiểm khác, dẫn đến tình trạng BHXH không thu hút được người lao động tham gia. Số liệu từ chính của BHXH cho thấy, năm 2020, 1 triệu người tham gia BHXH nhưng cũng có tới 880.000 người nhận BHXH một lần. 

Có thể nói đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm, thậm chí 10 năm sẽ hạn chế tình trạng người lao động không có lương hưu, diễn ra khá phổ biến thể hiện qua con số: Trong 32 triệu người trong độ tuổi lao động có đến 66,5% chưa tham gia BHXH. Và trong 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu có đến 65% chưa tham gia BHXH hoặc chế độ an sinh khác. 

Điều này dẫn đến người già không có lương hưu, tạo áp lực cho xã hội, gây mất cân bằng về an sinh xã hội. Do vậy nếu giảm số năm đóng BHXH sẽ khuyến khích người lao động tham gia hệ thống BHXH, tăng nguồn thu, chi vào quỹ BHXH, quỹ ngắn hạn, trung hạn và tạo điều kiện người lao động tiếp cận hệ thống BHXH. 

Mặt khác, giảm năm đóng BHXH sẽ khuyến khích người lao động có sự lựa chọn bền vững, không lựa chọn hình thức trợ cấp 1 lần. Đây cũng chính là giải pháp hiệu quả tạo điều kiện để lao động có số năm tham gia BHXH thấp được hưởng quyền lợi.

Và khi đưa ra chính sách này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tính toán rằng, nếu thay đổi theo phương án này sẽ “giữ chân” người lao động và khuyến khích người dân tham gia vào hệ thống, làm tăng nguồn thu vào Quỹ BHXH. Và chắc chắn người lao động sẽ được bảo vệ tốt hơn trước những rủi ro trong quá trình làm việc, tạo điều kiện để người lao động tăng khả năng tiếp cận với lương hưu khi về già. Đặc biệt, với 15 năm, hay thậm chí 10 năm đóng BHXH sẽ tạo điều kiện cho những người lao động trực tiếp, người lớn tuổi được dưỡng già khi họ khó chờ để đóng đủ 20 năm.

Nhưng điều đó không có nghĩa là chính sách chỉ sẽ có màu hồng mà còn có những điều mà người lao động cũng như người làm luật cũng phải nghiên cứu. Đó là kể cả khi đã đóng đủ 15, 10 năm BHXH thì không đồng nghĩa người lao động sẽ có lương hưu, nếu chưa đủ tuổi hưu. Mặt khác nếu thời gian đóng mà ngắn thì hiển nhiên chế độ lương hưu chắc chắn cũng không thể cao. Bởi báo cáo của BHXH Việt Nam cũng thừa nhận có tình trạng chênh lệch khá lớn về lương hưu, có người hưởng mức lương hưu hằng tháng quá thấp, không bảo đảm mức sống tối thiểu và có người hưởng mức lương hưu hằng tháng quá cao. Điều này đã dẫn đến tình trạng người hưởng lương cao sẽ cao mãi và người hưởng lương thấp suốt đời vẫn khó khăn.

Như vậy, ngoài việc sửa đổi thời gian đóng bảo hiểm phù hợp với các đối tượng khác nhau thì thiết nghĩ cũng cần tính toán để người lao động sau này nhận lương hưu hợp lý, đủ để bảo đảm cuộc sống tối thiểu dù vẫn theo nguyên tắc có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp, không đóng không hưởng nhưng phải tính đến yếu tố an sinh xã hội. Bởi nếu lương hưu, với một bộ phận không nhỏ, đang thấp dưới cả chuẩn nghèo thì làm sao hấp dẫn được người lao động?

Một đề xuất chính sách được nhiều người lao động và các chuyên gia tán đồng, tất nhiên sẽ không phải là một chính sách dở. Tuy nhiên trong quá trình thực thi cần chú ý đến các điều kiện khác nhau như các ngành đặc thù, yếu tố giới, độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, việc cân bằng quỹ BHXH. Và đặc biệt số năm đóng và hưởng phải được tính toán khoa học, theo công thức chặt chẽ, tạo sự công bằng trong xã hội và đảm bảo an sinh xã  hội – một yếu tố quan trọng trong việc thay đổi, bổ sung chính sách… Có như vậy thì chính sách mới đi vào cuộc sống một cách thiết thực, mang lại điều kiện tốt nhất cả cho nhà nước và người dân.

Và chúng ta có quyền hi vọng Luật BHXH sửa đổi lần này sẽ có những giải pháp, có những đột phá để thực hiện được lộ trình cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Đồng thời hiện thực hóa được nghị quyết của Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH./.

Thu Hà